Trong vụ án này có ông Giang Văn Hiển - bố của bị cáo Giang Kim Đạt bị truy tố về tội Rửa tiền. Trong khi Hội đồng xét xử thẩm vấn bị cáo Giang Kim Đạt, ông Hiển, Trần Văn Liêm, Trần Văn Khương bị cách ly ra phía ngoài phòng xử. Do được hưởng tại ngoại nên bị cáo Hiển không bị lực lượng chức năng canh giữ như trường hợp bị cáo Liêm và Khương.
Ông Hiển lặng lẽ ngồi ở căn phòng trống, khi thấy phóng viên đến hỏi thăm ông tỏ ra rất xởi lởi. Ông cho biết, năm nay đã 67 tuổi, quê Thái Bình, hiện đang sống ở TP. HCM. "Tôi ra Hà Nội, ở nhờ nhà người thân để tham dự phiên tòa với tư cách là bị cáo bị truy tố về tội Rửa tiền. Trước khi được cho hưởng tại ngoại tôi từng bị tạm giam khoảng 17 tháng ở Trại tạm giam B14 thuộc Cục An ninh điều tra (Tổng Cục An ninh - Bộ Công an)" - ông Hiển cho biết.
Ông Hiển kể, ông nhập ngũ năm 1970, là bộ đội Hải quân, tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ. Sau 12 năm trong quân ngũ ông chuyển về ngành Hàng hải công tác cho đến khi nghỉ hưu.
Ông cho biết, từ ngày hai bố con vướng vào lao lý, cuộc sống gia đình đảo lộn rất nhiều. Vợ ông suy sụp, đau ốm thường xuyên. "Bản thân tôi khi đi khám sức khỏe phát hiện bị tai biến một mạch máu não" - ông Hiển nói.
Bị cáo Giang Văn Hiển - bố của Giang Kim Đạt. |
Khi được hỏi ông có suy nghĩ gì khi bị truy tố về tội Rửa tiền, một tội danh rất hiếm bị đưa ra xét xử, ông cười bảo: "Đến giai đoạn này tôi không còn suy nghĩ nhiều về việc này, cần phải cố gắng để giữ gìn sức khỏe".
Ông Hiển cho biết thêm, trong vụ án này ông có thuê hai luật sư (LS) bào chữa là LS Nguyễn Đình Hưng và LS Nguyễn Hồng Hiển, cả hai đều là LS có tiếng.
Trở lại với phần thẩm vấn bị cáo Giang Kim Đạt sáng nay, bị cáo Đạt khai làm việc tại Vinashinlines từ năm 2006, vì liên quan đến việc mua tàu Hoa Sen trong vụ án xảy ra tại Vinashin nên bị cáo bỏ trốn. Giang Kim Đạt nói đã trốn sang Campuchia và đến năm 2015 thì bị bắt.
Thời gian làm việc tại Vinashinlines, ban đầu bị cáo Đạt làm trợ lý Giám đốc sau đó được bổ nhiệm làm quyền trưởng phòng kinh doanh. Công việc chủ yếu tập trung vào mua tàu và khai thác quản lý tàu. Trong thời gian làm việc, Đạt liên hệ mua 8 con tàu. Trong đó 3 con tàu các bị cáo được hưởng lợi hoa hồng hơn 711 nghìn USD. Theo bị cáo Đạt, số tiền đó là "phần thưởng" của công ty môi giới bán tàu cho bị cáo.
Việc nhận tiền này, bị cáo Đạt không báo cho Trần Văn Liêm - người lúc đó là Tổng GĐ Vinashinlines. Sau đó bị cáo Đạt gửi cho Trần Văn Liêm 150 nghìn USD/hơn 711 nghìn USD đã nhận.
Thẩm phán - Chủ tọa Nguyễn Quốc Thành vặn hỏi: Tại sao bị cáo đưa cho Trần Văn Liêm khoản tiền ít thế, trong khi đó bị cáo Liêm là Tổng GĐ. Bị cáo Đạt cho rằng, đó là tiền công ty môi giới cho bị cáo, Trần Văn Liêm không quan tâm đến khoản tiền hoa hồng trên, không có chỉ đạo gì bị cáo.
Vị Chủ tọa tiếp tục: Bị cáo nói khoản tiền hoa hồng trên là hợp pháp, thế tại sao không chuyển tiền vào tài khoản của cá nhân lại chuyển vào tài khoản của bố là ông Giang Văn Hiển. Tại sao không báo cáo công ty. Bị cáo Đạt nói, chỉ hiểu đơn giản tiền môi giới cho bị cáo nên bị cáo nhận.
Thấy lời khai của Giang Kim Đạt chưa phù hợp với các lời khai tại giai đoạn điều tra, Thẩm phán thứ hai là Phan Thanh Huyền đã đọc lại các bút lục về lời khai của bị cáo Đạt có trong hồ sơ vụ án.
Sau phần thẩm vấn của Hội đồng xét xử, các luật sư bào chữa tham gia thẩm vấn làm rõ thêm một số tình tiết trong vụ án.
Tiếp tục cập nhật.
Theo cáo trạng, từ tháng 7.2006 đến tháng 3.2007, Trần Văn Liêm ký hợp đồng mua 3 tàu Vinashin Summer, Vinashin Island, Vinashin Phoenix và giao Giang Kim Đạt đàm phán mua tàu. Bị cáo Đạt đã đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Summer của Panama với giá 6,25 triệu USD, được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu; tàu Vinashin Island mua từ Croatia, giá 5,95 triệu USD, hoa hồng 3,75%; tàu Vinashin Phoenix mua từ Hy Lạp, giá 21,55 triệu USD, hoa hồng 2%. Trong các mức hoa hồng được hưởng trên, Đạt thỏa thuận trích lại cho công ty môi giới 10%. Tính chung tổng số tiền hoa hồng mua 3 con tàu trên trích lại cho công ty môi giới gần 11,5 tỷ đồng và đều được chuyển khoản vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển. Các bị cáo còn có hành vi chiếm đoạt tiền cho thuê ngoài hợp đồng đối với 9 con tàu. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 5.2006 đến tháng 6.2008, thông qua các công ty môi giới, các bị can Liêm, Đạt và Khương thỏa thuận với các chủ tàu, gửi giá cước cho thuê ngoài hợp đồng 9 con tàu để chiếm đoạt của Vinashinlines trên 249 tỷ đồng. Quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt Vinashinlines tổng số tiền hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, bị can Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, bị can Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, bị can Khương chiếm đoạt 110.000USD. Để che giấu nguồn tiền tham ô, Đạt nhờ bố là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, mua 40 bất động sản gồm nhà ở, biệt thự, đất đai ở TP.HCM, Hà Nội, TP.Nha Trang (Khánh Hòa)… cùng 13 ô tô đứng tên ông Hiển và người thân trong gia đình. |