Thời gian qua, những thông tin về vụ trọng án hiếp, giết nữ sinh giao gà Cao Mỹ D (SN 1997, trú tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án và sự dã man mà những kẻ thủ ác gây ra.
Sau khi vào cuộc tích cực, ngày 17.2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên đã tiến hành khởi tố vụ án Giết người, Cướp tài sản; Hiếp dâm; Tàng trữ trái phép chất ma túy và Giữ người trái pháp luật đối với các đối tượng: Vương Văn Hùng (35 tuổi, trú tại khối Tân Thủy, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên); Bùi Văn Công (ở đội 16, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên); Phạm Văn Nhiệm (SN 1972), Lường Văn Lả (cùng trú ở đội 16, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên); và Lường Văn Hùng (ở xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) để điều tra vụ án.
Theo đại diện CSĐT Công an tỉnh Điện Biên, quá trình điều tra vụ án, bắt giữ các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi.
Trao đổi với PV Dân Việt về vụ việc này dưới góc nhìn tâm lý học tội phạm, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội hết sức mạnh động, dã man, được dư luận xã hội hết sức quan tâm.
Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có nhiều tiền án tiền sự và nghiện ma túy, quá trình phạm tội dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để xóa dấu vết, tẩu tán vật chứng, dùng chứng cứ ngoại phạm để che dấu hành vi.
"Đa số các đối tượng thực hiện hành vi là những người đã vào tù ra tội, nhân thân các đối tượng rõ ràng là rất tiêu cực. Cho nên chúng mới bất chấp, tìm mọi cách để thỏa mãn mục đích cá nhân, bất chấp đạo đức xã hội và pháp luật.
Khi có điều kiện xảy ra, chúng sẵn sàng ra tay hành động để thỏa mãn nhu cầu thấp kém của mình. Xu hướng của tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy là chúng thường liên kết với nhau thành các băng nhóm để thực hiện nhu cầu sử dụng ma túy, đây là nhu cầu đầu tiên của loại tội phạm này" - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nói.
Vì sao ban đầu các đối tượng lại chống đối, không chịu thừa nhận, lỳ lợm, quanh co chối tội? Theo ông Thìn, đây là bản chất của tội phạm, đặc biệt là những đối tượng cáo già sẽ có nhiều phương thức, thủ đoạn ranh ma để chống đối.
Mặc dù bị cơ quan công an bắt giữ nhưng các đối tượng luôn luôn biết cách để hạn chế đến mức thấp nhất sự trừng phạt của pháp luật và gây khó khăn lớn nhất cho cơ quan điều tra để không chứng minh được tội phạm hoặc chứng minh không đầy đủ.
Cho nên tâm lý của chúng là mặc dù đã biết mình phạm tội nhưng khi khai nhận cũng nhỏ giọt, che giấu hành vi, che giấu đồng phạm để gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Tâm lý của chúng thường là cơ quan điều tra biết đến đâu, chúng sẽ khai tới đó chứ không khai hết một lúc.
Mục đích cuối cùng của bọn chúng là hạn chế tới mức thấp nhất để cơ quan điều tra không thể làm rõ toàn bộ vụ án. Nhiều trường hợp tội phạm biết được rằng, nếu không đủ điều kiện chứng minh, việc bắt giữ là không thể xảy ra hoặc sẽ giảm nhẹ được tính chất phạm tội nên các đối tượng mới quanh co, chối cãi.
“Đối tượng Hùng là một ví dụ, tên này rất cáo già, ban đầu không chịu khai nhận hành vi, không chịu khai ra ra đồng bọn để gây khó khăn. Nhưng có cáo già tới đâu cũng không thể qua mắt được cơ quan điều tra. Các đối tượng đã vào tù ra tội thường sẽ có tâm lý phổ biến như trên”, ông Thìn nói.
Chuyên gia Đỗ Cảnh Thìn cho biết thêm, với những đối tượng nguy hiểm như trong vụ việc ở Điện Biên có thể chúng vẫn biết sợ, nhưng nỗi sợ đó bị lấn át bởi cái nhu cầu, ham muốn được hưởng thụ của bản thân. Chúng thực hiện hành vi phạm tội vì bản thân đã có chủ đích từ trước.
“Trong vụ án này, mục đích ban đầu của các đối tượng là cướp tài sản nhưng khi có điều kiện chúng sẵn sàng thực hiện hành vi đồi bại. Diễn biến tâm lý của những đối tượng đặc biệt nguy hiểm thường sẽ diễn ra theo hướng: Khi đã thực hiện được hành vi, các đối tượng sẽ thủ tiêu nạn nhân để che dấu”, ông Thìn nhấn mạnh.
Theo Đình Việt (Dân Việt)