Theo luật sư Cường, nếu tài xế biết thiếu tá Minh đang bám vào xe để yêu cầu dừng xe nhưng cố tình chạy, gây hậu quả khiến CSGT tử vong thì sẽ bị xử lý hình sự.
Chiều 16/4, tài xế Trần Mạnh Thông (SN 1992, quê Hà Tĩnh, trú tỉnh Đồng Nai), gây tai nạn khiến thiếu tá Nguyễn Quang Minh (SN 1976, quê TP. Biên Hoà, cán bộ thuộc lực lượng CSGTđường bộ - đường sắt - PC67, Công an Đồng Nai) tử vong đã đến trình diện tại cơ quan công an.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, kết quả xác minh sơ bộ của Công an Đồng Nai thể hiện, thiếu tá Minh bám vào gương chiếu hậu bên trái, yêu cầu tài xế dừng lại thì trượt ngã, bị bánh sau của xe cán qua người và tử vong chứ không phải là "xe tải tông chết".
Theo luật sư Cường, nếu người tham gia giao thông chủ động dùng phương tiện giao thông để tấn công, nhằm gây thiệt mạng cho người thi hành công vụ thì người lái xe sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS.
Còn nếu người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh, cản trở, tấn công người thi hành công vụ thì có thể bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.
Cụ thể, nếu hành vi chống người thi hành công vụ không gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Còn nếu hành vi chống người thi hành công vụ mà gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 257 BLHS.
Hiện trường vụ việc. |
Trong vụ việc trên, theo luật sư Cường, việc thiếu tá CSGT Nguyễn Quang Minh tử vong thì hậu quả rõ ràng là nghiêm trọng.
"Vì vậy, trong quá trình xác minh, điều tra mà có căn cứ xác định người tài xế đã có hành vi "dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ..." thì sẽ bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 BLHS.
Cụ thể, ở đây, nếu tài xế biết thiếu tá Minh đang ra hiệu lệnh, bám vào xe để yêu cầu dừng xe nhưng lái xe cố tình cho xe di chuyển, không chấp hành gây hậu quả thiệt mạng CSGT thì người lái xe tải này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 257 BLHS.
Còn nếu người lái xe tải không biết CSGT truy đuổi, không biết CSGT yêu cầu dừng xe... thì mới không bị xử hình sự", luật sư nêu rõ.
Nên xem xét lại việc truy đuổi phương tiện vi phạm
Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, hành vi của tài xế này là không thể chấp nhận được và đã có dấu hiệu vi phạm Điều 257 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội chống người thi hành công vụ.
"Trước tiên cần nói rằng các hành động không chấp hành, cản trở và chống người thi hành công vụ đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi này không được pháp luật cho phép, đồng thời cộng đồng cũng lên án.
Ở đây các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ các tình tiết có liên quan để có hướng xử lý đúng đắn, tạo sự răn đe chung cho xã hội", luật sư Thiệp nói.
Về việc lái xe tải bỏ trốn khỏi hiện trường sau khi gây ra vụ việc sau đó mới đến trình diện, theo luật sư Thiệp cũng sẽ được coi là tình tiết tăng nặng trong việc xử lý và cơ quan điều tra, sẽ phải xem xét rõ.
Một vấn đề cũng được luật sư Thiệp đặt ra qua vụ việc đáng tiếc xảy ra đối với thiếu tá Minh là, cơ quan công an cần có những quy định cụ thể trong việc không truy đuổi đối với hành vi vi phạm giao thông chưa đến mức gây nguy hiểm, nghiêm trọng.
"Thực tế, việc truy đuổi các phương tiện vi phạm như ô tô tải này là rất nguy hiểm và cũng đã có nhiều trường hợp CSGT bị thương, thậm chí tử vong.
Do đó, theo tôi, với những trường hợp vi phạm không quá nghiêm trọng, không gây nguy hiểm thì CSGT không nên truy đuổi mà nên dùng các biện pháp ghi, chụp lại, quay camera để phạt nguội sẽ tốt hơn", luật sư Thiệp nêu rõ.
Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm : a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm." |
Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)