Mồng 2 Tết, dù bận rộn nhưng Chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu vẫn dành thời gian trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này.
“Cần làm rõ động cơ gây án”
Bước đầu, nghi phạm Nguyễn Hữu Tình nói sát hại cả gia đình 5 người do tức giận thái độ và cách đối xử không công bằng của ông bà chủ, đặc biệt là bà chủ Mai Thị Hồng đối với Tình trong quá trình làm việc. Cụ thể, ông Chinh là người Thanh Hóa, hai thợ khác cũng là người Thanh Hóa nên được ông bà đối xử thiên vị hơn Tình.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu nhận định khả năng đây chưa phải là động cơ chính. Nếu chỉ vì chuyện thiên vị thì chưa đủ động cơ để nghi can xuống tay tàn nhẫn sát hại cả gia đình, trong đó có 3 cháu nhỏ.
“Theo thông tin của báo chí, nghi can ra tay sát hại 5 người vì thù tức cá nhân với nạn nhân vì hay la mắng nghi can và đối xử thiên vị. Tuy nhiên, theo tôi đây không phải là động cơ chính mà có thể có động cơ khác như: Định trộm cắp tài sản, bị phát hiện nên giết người bịt đầu mối, lên kế hoạch giết cả nhà vì thù hằn sâu sắc hơn như ngăn cấm tình cảm chẳng hạn... Vì vậy, cần làm rõ động cơ của nghi can và xác định có đồng phạm hay không?”, ông Báu nói.
Tại sao nghi phạm dễ dàng sát hại 5 người?
Trong vụ án này, năm mạng người trong đó hai người lớn và ba trẻ nhỏ đã ra đi mãi mãi. Tới thời điểm hiện tại, Công an TP.HCM đang điều tra làm rõ có đồng phạm với Tình trong vụ thảm án này hay không. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo lắng là tại sao nghi phạm có thể dễ dàng sát hại 5 người?
Nói về vấn đề này, chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu nhận định có thể do các nạn nhân ngủ ở phòng riêng và không khoá cửa phòng.
“Với những gia đình có điều kiện khá giả, con cái ngủ phòng riêng cần tạo thói quen khi đi ngủ phải khoá cửa phòng, chỉ khi nào có người gõ cửa phòng, nhận ra người quen mới mở cửa. Nếu cần, nên thiết kế ống kính nhỏ giống như trong khách sạn có thể nhìn từ bên trong ra, xác định an toàn mới mở cửa. Kể cả khi không có người lạ trong nhà cũng nên thực hiện thói quen này vì có khả năng trộm đột nhập từ bên ngoài”, ông Báu khuyến cáo.
Làm gì khi có người quen ở lại nhà?
Thực tế, việc người quen xin ở nhờ nhà trong một vài ngày hay một thời gian ngắn là chuyện rất nhiều gia đình thường gặp. Nếu vì cảnh giác mà từ chối sẽ ảnh hưởng đến tình cảm, quan hệ cá nhân.
Để đảm bảo an toàn cho gia đình và bản thân, chuyên gia Đoàn Văn Báu khuyến cáo có rất nhiều cách để ngăn chặn ý định của những vị khách tham lam, có ý đồ xấu: “Một là người ta có chủ đích trộm, cướp tài sản từ trước, hai là đến chơi thấy gia đình giàu có, chủ nhà sơ ý, đểnh đoảng nên nảy lòng tham. Khi bị phát hiện rất dễ xảy ra tình trạng giết người bịt đầu mối”.
Với những trường hợp không tiện từ chối, vẫn để người quen ở lại qua đêm, chuyên gia khuyến cáo cần phải thực hiện một số động tác sau để an toàn. Một là hướng dẫn, quy ước với khách phạm vi đi lại trong nhà nhằm hạn chế sự di chuyển nắm rõ cấu trúc nhà. Hai là công khai hoá việc có người quen ở lại qua đêm, cần phải làm sao cho nhiều người thân biết có khách ở lại qua đêm, làm cho khách biết có nhiều người biết khách ở lại qua đêm.
“Ví dụ, đang ngồi uống trà, café sáng gọi điện trước mặt khách thông báo với người thân về việc khách ở lại qua đêm: “Anh rảnh không, qua nhà em chơi, có thằng cháu mới lên, thằng cháu ngoan lắm, em kể với anh hôm bữa đó. Hoặc mời hàng xóm qua chơi, giới thiệu: Đây là cháu ở quê mới lên, đây là thằng bé làm việc trong nhà em nó ở đây đến 29 mới về!"... Những việc làm này tuy đơn giản nhưng sẽ có tác dụng phòng ngừa. Nếu khách có ý đồ xấu từ trước cũng ngại ra tay hoặc sẽ nhanh chóng từ bỏ ý định xấu ngay từ khi mới nảy sinh”, chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu khẳng định.
Theo Nguyễn Trà (Pháp Luật TPHCM)