Tại sao điều tra viên sửa lời khai Trịnh Xuân Thanh?

06/02/2018 06:15:38

Video: Tòa tuyên án với Trịnh Xuân Thanh và 7 đồng phạm

Việc sửa chữa từ chữ "có" thành "không" trong biên bản lấy lời khai của bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngày 21/10/2011 đã được điều tra viên Trịnh Quang Thái giải trình.

Sáng 5/2, HĐXX tuyên phạt mức án nghiêm khắc dành cho Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tham ô tại PVP Land.

Trong phần nhận định, HĐXX cho rằng: Việc sửa chữa từ chữ "có" thành "không" trong biên bản lấy lời khai của bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngày 21/10/2011 đã được điều tra viên Trịnh Quang Thái giải trình.

Sau đó, ngày 13/12/2017, CQĐT đã lấy lời khai của Trịnh Xuân Thanh. Thanh khẳng định anh ta không gọi điện cho Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land) nói là có khách đến mua cổ phần. 

Tại sao điều tra viên sửa lời khai Trịnh Xuân Thanh?
Hội đồng xét xử. Ảnh TTXVN

Như vậy, việc điều tra viên sửa chữa tại biên bản lấy lời khai như trên là theo yêu cầu của bị cáo, phản ánh đúng ý chí của bị cáo. Luật sư Nguyễn Đình Hưng nêu ra và cho rằng CQĐT cũng như VKS không điều tra theo yêu cầu của bản án phúc thẩm số 134/2017/HSPT, ngày 15/3/2017 của TAND cấp cao tại Hà Nội là không đúng.

Cũng từ biên bản trên, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, VKS vừa chấp nhận chính biên bản lấy lời khai này của Trịnh Xuân Thanh, sau đó lại bác bỏ những nội dung mà Thanh đã khai trong biên bản. 

Về vấn đề này, theo HĐXX, luật sư có sự nhầm lẫn giữa nguồn chứng minh và chứng cứ trong vụ án. Đại diện VKS tại phiên tòa chỉ khẳng định rằng, biên bản lấy lời khai đó phản ánh đúng ý chí của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nghĩa là tài liệu đó mới chỉ đảm bảo về tính hợp pháp chứ không khẳng định rằng những lời khai về nội dung đó của bị cáo là có căn cứ (tính khách quan).

HĐXX nhận định vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Lợi dụng cơ chế chính sách trong quản lý kinh tế của nhà nước, các bị cáo đã thống nhất chiếm đoạt tài sản của Nhà nước thông qua việc chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp với giá thấp hơn thực tế để lấy tiền chia nhau, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 87 tỷ đồng và thực tế đã chiếm đoạt được 49 tỷ.

Tại sao điều tra viên sửa lời khai Trịnh Xuân Thanh? - 1
Trịnh Xuân Thanh tại tòa. Ảnh TTXVN

Ở đây, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi, có sự câu kết chặt chẽ giữa các cá nhân trong doanh nghiệp nhà nước với cá nhân tại doanh nghiệp ngoài, tạo ra một công đoạn mua bán, chuyển nhượng tưởng như là hợp pháp bằng cách hạ giá chuyển nhượng rất thấp, nhưng vẫn có lãi (34 triệu đồng/m2). Trong khi đó, giá thực tế rất cao (52 triệu đồng/m2).

HĐXX cho rằng, hành vi của các bị cáo đã gây dư luận rất xấu, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Cần xử lý nghiêm mới có tác dụng cải tạo, răn đe, phòng ngừa chúng. 

HĐXX tuyên phạt:

1. Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC): chung thân tội Tham ô tài sản.

2. Đào Duy Phong (SN 1958, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land): 16 năm tù.

3. Nguyễn Ngọc Sinh (SN 1972, nguyên Tổng giám đốc công ty PVP Land): 13 năm tù.

4. Đinh Mạnh Thắng (SN 1962, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà): 9 năm tù.

5. Thái Kiều Hương (SN 1973, nguyên Phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Vietsan): 10 năm tù.

6. Lê Hòa Bình (SN 1954, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5, công ty cổ phần Minh Ngân): 8 năm tù.

7. Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965, nguyên kế toán trưởng công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và công ty cổ phần Minh Ngân): 6  năm tù.

8. Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (SN 1972, kinh doanh tự do): 10 năm tù.

Theo T.Nhung (VietNamNet)