Trinh sát hình sự đặc nhiệm kiểm tra hành chính đối tượng nghi vấn - Ảnh: Ngọc Khải |
Đây cũng là một trong những yêu cầu của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Công an TP.HCM mới đây.
Ông nhấn mạnh: “Đây là nguyện vọng của nhân dân và cán bộ lão thành. Bên cạnh đó, cần tăng cường trang bị công cụ hiện đại cho lực lượng này trong việc phòng chống tội phạm”.
SBC - khắc tinh của tội phạm
Đội săn bắt cướp (gọi tắt SBC) được thành lập từ những ngày đầu sau khi đất nước thống nhất 1975. Chức năng của đội SBC là đấu tranh, triệt phá các loại tội phạm nguy hiểm, băng nhóm “xã hội đen” có vũ trang, tội phạm giết người, cướp của, bắt cóc...
SBC được trao cho nhiều quyền hạn về sử dụng các loại vũ khí, biện pháp nghiệp vụ để trấn áp tội phạm.
Thời điểm đó, cán bộ SBC không quá 30 tuổi, được phép chạy xe máy hết tốc độ, được chạy vào đường cấm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, gặp đối tượng truy nã không đầu hàng được phép bắn hạ sau khi đã bắn cảnh cáo hai phát...
Thập niên 1970, 1980, nhiều vụ trọng án, băng cướp khét tiếng được SBC triệt phá thành công khiến người dân TP nức lòng: Tín Mã Nàm, Điền Khắc Kim, Bạch Hải Đường, Mã Thầu Dậu, Mã Đại Hùng, Y Cà Lết, phá án bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, bắt cóc con bác sĩ Hỉ, sát hại nghệ sĩ Thanh Nga...
Những chiến công vang dội của đội SBC gắn liền với những cái tên như Võ Tấn Thành, Mai Văn Tấn, Dương Minh Ngọc, Lý Đại Bàng, Trần Văn Ngọc... Họ thật sự là khắc tinh của tội phạm, tạo nên “thương hiệu” lừng lẫy của Công an TP.HCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Mai Văn Tấn - nguyên trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM - cho biết ông rất tự hào về một thời hào hùng của đội SBC. Với nhiệm vụ và quyền hạn được giao, các trinh sát SBC chiến đấu không khoan nhượng với tất cả các loại tội phạm nguy hiểm.
“Tuy nhiên, sau đó khi xã hội ổn định, đồng thời chính sách pháp luật thay đổi thì vai trò của đội SBC không còn thiết thực nên các cấp lãnh đạo cho dừng hoạt động” - ông Tấn nói.
Một cựu sĩ quan SBC cũng nói: “Thời SBC còn hoạt động không có quy định pháp luật đầy đủ như bây giờ. Nay pháp luật đã hoàn thiện, mọi người đều bình đẳng, người thi hành công vụ phải hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật...”.
“Tia chớp” hình sự đặc nhiệm
Đầu năm 2008, tình hình tội phạm ở TP.HCM có dấu hiệu chuyển biến phức tạp. Lúc này các băng nhóm tội phạm khắp nơi tụ tập về đây làm “bến đỗ”. Các vụ trọng án, cướp, cướp giật liên tiếp xảy ra gây hoang mang cho người dân. Trước tình hình đó, lãnh đạo Công an TP.HCM quyết định thành lập đội đặc nhiệm (đội 3 - PC45).
Một lãnh đạo PC45 Công an TP.HCM cho biết chức năng nhiệm vụ của đội hình sự đặc nhiệm hiện nay là đấu tranh với các tội cướp, cướp giật, cướp giết, xâm phạm sở hữu nơi công cộng. Phạm vi hoạt động của đội này được xác định là bắt tội phạm cướp trên các tuyến đường, địa bàn phức tạp.
Các trinh sát chia ca tuần tra 18 lượt/ngày, phối hợp với lực lượng hình sự đặc nhiệm của 24 quận huyện tuần tra khép kín địa bàn để phát hiện, ngăn chặn các đối tượng cướp, cướp giật ra tay. Họ được giao cho quyền kiểm tra hành chính đối tượng nghi vấn, phục kích, bắt nóng các đối tượng cướp giật...
Lực lượng nòng cốt của đội này là các sĩ quan SBC dày dạn kinh nghiệm cùng các trinh sát trẻ đầy nhiệt huyết. Có một thời những người hùng của đội hình sự đặc nhiệm trở thành nỗi khiếp đảm của các đối tượng cướp giật bởi sự “xuất quỷ nhập thần”, ra tay nhanh như tia chớp của họ.
Tuy nhiên, so với thời SBC, quyền hạn đội hình sự đặc nhiệm hạn chế hơn. “Lúc đó trinh sát SBC được trao quyền sử dụng vũ khí, biện pháp nghiệp vụ, cải trang, chạy xe không cần quan tâm tín hiệu đèn khi thực hiện nhiệm vụ...” - một cựu sĩ quan SBC nhớ lại.
“Tên gọi là gì không quan trọng”...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tướng Lê Đông Phong, giám đốc Công an TP.HCM, khẳng định Công an TP đồng thuận chủ trương của Bí thư Đinh La Thăng về việc thành lập đội SBC. Hiện Công an TP đang xin ý kiến của Bộ Công an về việc cho phép thành lập lực lượng này.
Theo trung tướng Lê Đông Phong, đội SBC ngày xưa đã thể hiện được vai trò, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong hoàn cảnh của TP và quy định pháp luật lúc đó.
Về cơ chế hoạt động của đội SBC, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu được thành lập, đội SBC phải hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật hiện nay, chứ không thể nằm ngoài luật được.
Luật tổ chức công an nhân dân, các nghị định, thông tư hướng dẫn... cũng quy định rõ về việc sử dụng vũ khí, truy đuổi, bắt giữ... Những quy định này nhằm buộc lực lượng thi hành công vụ không thể lạm quyền, làm trái, gây thiệt hại đến quyền lợi của người dân cũng như nghi phạm.
Về tên gọi, nhiều ý kiến cho rằng nên lấy lại tên gọi SBC vì đây là “thương hiệu” một thời của lực lượng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM. Ngược lại, một số ý kiến cho rằng cần xem lại cụm từ này vì dễ gây phản cảm trong xã hội văn minh.
“Tên gọi là gì không quan trọng, nhưng lực lượng được thành lập phải bảo đảm hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả” - trung tướng Lê Đông Phong nói.
|
Cần có cơ sở pháp lý Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), để thành lập lực lượng SBC hùng mạnh, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm hiện nay cần phải có một nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, kinh phí đào tạo, trang thiết bị, các khoản phụ cấp, cơ chế đãi ngộ… cho những người thực thi nhiệm vụ. “Việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức phải được quan tâm hàng đầu” - luật sư Hà Hải nhấn mạnh. Bên cạnh đó, để lực lượng SBC hoạt động hiệu quả, đúng luật thì cần phải có cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động của lực lượng này, đồng thời đảm bảo một số nguyên tắc như: giữ bí mật thông tin nhiệm vụ, không được tự ý hành động; khi thực hiện hành vi vượt quyền hoặc vi phạm pháp luật thì xử lý như thế nào, trách nhiệm bồi thường ra sao... H.K. ghi |