Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú
Ngày 31.7, Bộ Công an thông tin Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13.2.1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội là bị can bị truy nã theo quyết định số 20/C46-P12 ngày 19.9. 2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đầu thú.
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng quy định pháp luật.
Trong chương trình thời sự VTV lúc 19h tối 3.8, Trịnh Xuân Thanh cho biết sau quá trình "trốn chạy do suy nghĩ không chín chắn, tôi thấy rằng cần phải quay về để đối diện với sự thật".
"Thứ hai là cần về gặp lại mọi người, đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi. Gia đình động viên, tôi đã xin về tự thú", ông Thanh nói.
Trong đơn xin đầu thú của Trịnh Xuân Thanh có đoạn: "Tôi thấy lo sợ trước kết luận vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu do thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết tôi đã quyết định trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật".
Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia
Ngày 5.9.2012, Bộ Công an đã có thông báo về việc đã bắt được bị can Dương Chí Dũng, 55 tuổi, trú tại phường Thành Công, Hà Nội. Dương Chí Dũng nguyên là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Dương Chí Dũng bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165, Bộ luật Hình sự xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Tuy nhiên, trước khi cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt, khám xét, chiều 17.5.2012 Dương Chí Dũng đã bỏ trốn. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kiên trì thuyết phục gia đình, thân nhân của Dương Chí Dũng vận động ra tự thú, nhưng không có kết quả.
Ngay sau khi Dương Chí Dũng bỏ trốn, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Hàng không, các hãng hàng không, bến cảng, hải cảng để phong tỏa việc trốn chạy của Dũng.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Dương Chí Dũng được nhiều đối tượng giúp sức để bỏ trốn. Trong quá trình trốn chạy, các đối tượng liên tục thay đổi thời gian và địa điểm để tránh bị phát hiện.
Trưa 24.5.2012, một đối tượng trong vụ án mua vé máy bay và cùng Dương Chí Dũng từ Campuchia bay sang Singapore để Dũng làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Tuy nhiên, do Văn phòng Interpol Việt Nam đã trao đổi thông tin về vụ án và lệnh truy nã quốc tế với Dương Chí Dũng đối với Văn phòng Interpol của Mỹ nên đối tượng này đã không được phép nhập cảnh Mỹ.
Ngày 27.5.2012, Dương Chí Dũng quay trở về Campuchia. Để Dương Chí Dũng có tiền chi tiêu thì em trai của đối tượng là Dương Tự Trọng đã 2 lần chuyển số tiền 24.000USD (tương đương 500 triệu đồng). Sau thời gian lẩn trốn nơi đất khách, đến ngày 4.9.2012, Dương Chí Dũng bị bắt.
Giang Kim Đạt sa lưới sau 5 năm trốn nã ở nước ngoài
Ngày 18.8.2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo và tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với 4 bị cáo trong đại án tham ô tài sản, rửa tiền tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines).
Các bị cáo bị cơ quan tố tụng xác định đã có hành vi tham ô số tiền khoảng 16 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng) của Vinashinlines thông qua việc khai thác cho thuê 9 con tàu, nhận tiền chênh lệch “hoa hồng” từ các hợp đồng mua 3 tàu với các đối tác nước ngoài. Trong đó bị cáo Giang Kim Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Trần Văn Khương chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng.
Trước khi bị bắt, Đạt đã trốn sang Campuchia theo đường tiểu ngạch qua biên giới Tây Ninh. Dù có nhà trị giá vài triệu USD ở quốc đảo này nhưng vì hộ chiếu của mình chỉ có hạn 1 tháng nên trong thời gian 5 năm lẩn trốn, đối tượng thường xuyên qua lại giữa Campuchia và Singapore. Cứ mỗi lần hết hạn hộ chiếu, đối tượng phải quay về Campuchia.
Trong thời gian này, dù thường xuyên qua lại Singapore nhưng những lần ông Giang Văn Hiển (bố Đạt) sang đây chữa bệnh, Đạt đều không biết và không liên lạc với bố mình. Cũng theo Đạt, trong suốt 5 năm trốn nã ở nước ngoài, đối tượng không phải làm gì để mưu sinh mà vẫn có tiền để mua bất động sản ở Anh. Sau đó, Đạt bị bắt giữ và dẫn giải về Việt Nam.
Vũ "nhôm" bỏ trốn
Ngày 22.12, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) phối hợp với Công an Đà Nẵng đã tiến hành công bố quyết định khởi tố bị can số 47/ANĐT-P5 ngày 20.12 đối với Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”, sinh ngày 2.11.1975 tại Đà Nẵng; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79 – nay là Công ty CP Đầu tư và phát triển Chấn Phong).
Quyết định khởi tố bị can được công bố tại nhà riêng của Phan Văn Anh Vũ (ở số 82 Trần Quốc Toản, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng) với sự chứng kiến của đại diện chính quyền, tổ dân phố sở tại theo quy định của pháp luật. Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố bị can về hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”, phạm vào Điều 263 Bộ luật Hình sự.
Ngay sau khi công bố lệnh bắt, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cũng công bố quyết định truy nã số 222/ANĐT do Thiếu tướng Lý Anh Dũng, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ký ngày 21.12 về việc truy nã Phan Văn Anh Vũ sau khi xác định bị can không có mặt tại nơi cư trú ở số 82 Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) và không biết bị can đang ở đâu.
Theo Đình Việt (Dân Việt)