Sính ngoại, ham tiền, hàng trăm phụ nữ... sập bẫy

01/03/2017 10:11:00

Ngày 28-2, tại TP.HCM, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo chuyên đề về phòng, chống tội phạm sử dụng mạng xã hội đồng thời kêu gọi người dân cần hết sức cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo xuyên quốc gia.

Ngày 28-2, tại TP.HCM, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo chuyên đề về phòng, chống tội phạm sử dụng mạng xã hội đồng thời kêu gọi người dân cần hết sức cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo xuyên quốc gia.
 

Thủ đoạn qua facebook

Đầu năm 2016, bà P.T.T.B. (42 tuổi, ngụ Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại nói là bạn cũ ở nước ngoài, xin số điện thoại, email để nhờ chuyển quà cho một người nước ngoài tại Việt Nam có tên Matt Hillary.

Sau khi có được số điện thoại, email và địa chỉ facebook, bà B kết bạn với người tên Matt và tình cảm dần tăng lên qua những lần chat qua facebook.

Theo thông tin Matt trao đổi với chị B, anh ta là một quân nhân Mỹ, đang “chiến đấu” tại Iraq, thiếu thốn tình cảm nên quý mến và muốn “quan hệ lâu dài” với bà B. Để thể hiện tình cảm của mình, Matt thông báo gửi quà qua bưu điện.

Sau ít ngày Matt nói gửi quà cho bà B, bà B nhận được điện thoại của một người Việt Nam, làm tại Công ty vận chuyển thông báo rằng có một kiện hàng gửi cho bà đang ở sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, đề nghị bà tới nhận.

Khi bà B nói mình đang ở Hà Nội, đề nghị chuyển về nhà riêng thì người này gợi ý phải gửi 17 triệu đồng mới chuyển. Tin tưởng rằng quà của Matt là người Mỹ, lại đang ở Iraq - vùng chiến sự hiểm nguy nên bà B đã chuyển số tiền theo yêu cầu.

Nhận được 17 triệu đồng, “nhân viên” Công ty vận chuyển lại thông báo do trong thùng quà có 2,5 triệu USD, bị hải quan “làm khó”. Muốn lấy được số tiền này, bà B phải chuyển tiền để “bôi trơn” cho hải quan.

Thấy số tiền quá lớn, chỉ còn kẹt chút xíu sẽ về tay mình nên bà B tiếp tục gửi thêm 3 lần theo yêu cầu, lần sau nhiều hơn lần trước, cuối cùng tổng số tiền lên tới 520 triệu đồng.

Khi tiền mình cứ liên tục chuyển đi, số tiền khổng lồ ngày càng xa vời, bà B nghi ngờ và cuối cùng trình báo cơ quan chức năng thì đã muộn.

Ngay cang nhieu phu nu de sap bay tinh qua mang xa hoi hinh anh 1
Okoye Uchenna, quốc tịch Nigeria, bị Tòa án TP.HCM xử 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào năm 2014. Ảnh: Khắc Thành.

Tương tự, bà H, một phụ nữ sống tại TP.HCM làm quen với một người đàn ông qua facebook, lấy tên là James Oscar Herera, tự xưng là người Mỹ, đang công tác tại Afganistan. Qua thời gian làm quen, nói chuyện, hai người nói lời yêu thương thắm thiết và Kames hứa sẽ về Việt Nam cưới bà H, đưa qua Mỹ định cư.

Bằng những lời lẽ đường mật, hứa hẹn cho những khoản tiền khổng lồ, nhiều triệu USD, bà H đã chuyển cho người tình... ảo gần 11 tỷ đồng nhưng cuối cùng không thấy bóng dáng người đàn ông trong mộng của mình ở đâu.

Trường hợp của bà B, bà H không phải hiếm, theo thống kê của Tổng Cục Cảnh sát, bộ Công an, ở các tỉnh như Hải Dương, Sơn La, Hà Tĩnh, Hoà Bình, TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau… đều có nhiều nạn nhân dính “bẫy” tình, tiền này. Người ít thì vài chục triệu, người nhiều lên tới gần 11 tỷ như đã nêu.

“Tình ngoại” lẩn trốn tại Campuchia

Cũng những người phụ nữ này thường được các băng nhóm thuê đi thuê người mở tài khoản ngân hàng, làm thẻ ATM, đăng ký internet banking rồi bán mật khẩu cho chúng với giá từ vài trăm ngàn tới vàit triệu đồng.

Sau khi lừa được nạn nhân chuyển tiền, những người phụ nữ này hoặc tự rút tiền tại các cây ATM, hoặc sử dụng thao tác trên máy tính để chuyển tiền cho các đối tượng cấp cao hơn.

Theo C45, các đối tượng thường xuyên di chuyển qua lại giữa Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia nên việc theo dõi, giám sát, bắt giữ, xử lý gặp vô cùng nhiều khó khăn.

Tiền của nạn nhân chuyển vào tài khoản của người Việt Nam, tại ngân hàng Việt Nam, nhưng liền sau đó đã được rút ra, hoặc trực tiếp thao tác trên mạng nên dòng tiền di chuyển ra nước ngoài, gần như không thể thu hồi.

Các nạn nhân cũng trình báo rất muộn, khi đã nhiều lần chuyển tiền, chuyển tiền lần cuối cùng xong vẫn còn phân vân, hi vọng, chờ đợi và chỉ khi bị đòi quá nhiều lần, không còn khả năng chi trả nữa mới trình báo dẫn tới khó truy tìm.

Theo C45 và Công an TP.HCM, việc các ngân hàng để người dân mở tài khoản một cách dễ dàng, không xác định và quản lý được chủ tài khoản thật sự là người sử dụng hay không là một trong những yếu tố quan trọng để tội phạm lợi dụng.

Ngoài ra, công tác quản lý “sim rác” hiện vẫn còn nhiều vấn đề, hầu hết các đối tượng lừa đảo đều dùng sim rác để gọi cho nạn nhân, lừa đảo. Khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, không thể xác định được chủ thuê bao, người sử dụng dẫn tới nhiều khó khăn.

Tâm lý sính ngoại, ham tiền của một số phụ nữ Việt Nam đã đưa họ tới chỗ tiền mất, tật mang.

TP.HCM nhiều nạn nhân nhẹ dạ bị lừa

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát, trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ lừa đảo bằng thủ đoạn lừa tình, lừa tiền qua mạng xã hội, các nạn nhân đã bị lừa hàng trăm tỉ đồng, tuy nhiên số đối tượng bị bắt giữ, xử lý là rất ít.

Trong tổng số hàng trăm vụ lừa đảo, TP.HCM tiếp nhận 58 vụ tố cáo, đã khởi tố 32 vụ, 21 bị can (trong đó có 2 bị can người Nigieria), số tiền bị lừa là hơn 22 tỷ đồng. Công an TP Cần Thơ cũng triệt phá thành công hai chuyên án lừa đảo bằng thủ đoạn này, bắt giữ 6 đối tượng (trong đó có 2 người Nigieria), số tiền lừa đảo hơn 3 tỷ đồng.

Trong quá trình mở rộng chuyên án, Công an TP. Cần Thơ còn xác định các đối tượng trong băng  nhóm này mở tới gần 30 tài khoản, chiếm đoạt của các nạn nhân hơn 21 tỉ đồng.

 
Theo Gia Minh (Tuổi Trẻ)