Video: Ông Đinh La Thăng hầu tòa lần hai
10h25 ngày 19/3, hơn một tiếng sau khi công tố viên đọc cáo trạng, phiên xử ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại 800 tỷ đồng bắt đầu phần xét hỏi.
Cáo trạng thể hiện, cuối năm 2008 do dự định mở ngân hàng riêng của ngành dầu khí không thành, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) chuyển hướng đầu tư mua vốn của ngân hàng cổ phần. Ông Đinh La Thăng sau đó gặp cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương (Oceanbank – OJB) Hà Văn Thắm và đi đến thỏa thuận PVN góp 800 tỷ đồng vào ngân hàng này.
Ba lần góp tổng số diễn ra từ năm 2008 đến năm 2011 bị các cơ quan tố tụng xác định là vượt quyền khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng. Đặc biệt ở lần góp vốn thứ ba (100 tỷ đồng vào năm 2011) bị cho là trái luật vì thời điểm này Luật Tổ chức tín dụng đã có hiệu lực. Lần góp vốn thứ ba nâng tổng số vốn của PVN tại Oceanbank lên 800 tỷ, chiếm 20% vốn điều lệ của ngân hàng này. Số tiền 800 tỷ sau đó bị mất toàn bộ do Oceanbank kinh doanh thua lỗ, có nhiều sai phạm bị Ngân hàng nhà nước mua bắt buộc với giá 0 đồng.
Trả lời thẩm vấn sáng nay, hầu hết các bị cáo đều cho rằng việc đồng ý góp vốn cũng như ký nghị quyết chi tiền là do nhiệm vụ, trách nhiệm mà không biết hoặc chưa cập nhật quy định mới của pháp luật khi đó.
Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Vũ Khánh Trường cho biết được bổ nhiệm từ tháng 4/2009 với tư cách thành viên HĐTV và HĐQT của PVN. Tại lần góp vốn thức hai và thứ ba, ông Trường có ký nghị quyết góp vốn sau khi các thành viên HĐQT đồng ý.
"Bị cáo ký trên cơ sở nào?", chủ tọa hỏi. Hai tay chắp sau lưng, ông Trường trả lời: Ký khi ông Đinh La Thăng (chủ tịch HĐQT), ông Phùng Đình Thực (cựu tổng giám đốc) và bà Phan Thị Hòa đồng ý. Ông cho rằng đã có sự đồng ý về mặt chủ trương thì những lần góp vốn tiếp theo chỉ là làm "theo quá trình" và đều theo ủy quyền của ông Thăng.
"Có phải tiền góp vốn ra ngoài của công ty mẹ đều phải báo cáo Thủ tướng?", chủ tọa hỏi. Ông Trường đáp "đúng" nhưng cho rằng khi ký chưa cần mà trước lúc chuyển tiền mới cần báo cáo.
Theo bị cáo Trường, thời điểm góp vốn lần thứ ba, ông không biết quy định mới của Luật Tổ chức tín dụng. Sau này khi được cơ quan điều tra giải thích, ông mới biết. "Bị cáo đã làm đúng chức trách mà không cố ý", ông khai.
Người thứ hai được thẩm vấn là ông Nguyễn Xuân Thắng (cựu thành viên Hội đồng thành viên PVN). Lúc này ông Đinh La Thăng và Phan Đình Đức được đưa ra phòng cách ly.
Ông Thắng khai được bổ nhiệm vào HĐTV từ năm 2011, có ký đồng ý để PVN tham gia vào lần góp vốn lần thứ ba khi các thành viên khác đã đồng ý và ký trước. Ông thừa nhận nghị quyết góp 100 tỷ đồng vào Oceanbank được PVN thông qua song chưa báo cáo Thủ tướng.
"Bị cáo có biết quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng không?", tòa hỏi. Ông Thắng nói rằng "lúc ký thì chưa biết".
Tiếp tục bị tòa gọi thẩm vấn, ông Nguyễn Thanh Liêm nhanh chóng thừa nhận lần góp vốn thứ ba vào Oceanbank không báo cáo Thủ tướng. Ông không ý thức được điều này là sai phạm, cho đến khi bị bắt. Vì thế, ông xin HĐXX xem xét thấu đáo lỗi của mình là "vô ý hay cố ý". Sau khi khai, ông Liêm bị đưa ra phòng cách ly.
Phiên làm việc buổi sáng khép lại với phần trả lời của Phan Đình Đức. Khai rằng là được phân công phụ trách khai thác kỹ thuật dầu khí, lại đi học lớp Chính trị cao cấp, ông Đức cho hay không có mặt thường xuyên ở tập đoàn tại thời điểm xảy ra vụ án. Khi đi công tác về, ông thấy có công văn trên bàn về việc góp vốn lần ba thì ký nhưng "không thể hiện đồng ý hay không đồng ý".
Cho rằng ông chưa trả lời thẳng câu hỏi, chủ tọa nói: "Theo bị cáo ký nhưng không ghi thì thể hiện điều gì?". Ông Đức giải thích: "Ký không có nghĩa là đồng ý".
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Theo Bảo Hà (VnExpress.net)