Bộ Công an cho biết sẽ phối hợp với viện kiểm sát, tòa án đưa xét xử lưu động một số vụ án trọng điểm liên quan “vỡ họ/hụi” nhằm răn đe, phòng ngừa chung và nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Hàng trăm người dan Cai Lậy, Tiền Giang đến bao vây nhà bà Phan Thị Tư trong vụ vỡ hụi chấn động vùng quê (Ảnh: Nguyễn Vinh). |
Bộ Công an vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Tiền Giang xung quanh hoạt động lập họ, hụi, phường đang tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước.
Theo cử tri tỉnh Tiền Giang, hiện nay nhu cầu lập họ, hụi của nhân dân tại các địa phương là có thật, nhằm tích lũy nguồn vốn cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, tình hình vỡ hụi tại các địa phương đang tăng cao và mức độ thiệt hại cho người dân trong mỗi vụ việc lên đến hàng tỷ đồng là điều đáng báo động. Chính vì thế cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để giúp người dân lập và duy trì họ, hụi được an toàn, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia họ, hụi, cũng như chủ họ, hụi.
Trong văn bản trả lời, Bộ Công an cho biết, để đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân về việc lập họ, hụi, biêu, phường, nhằm tích lũy nguồn vốn cho bản thân và gia đình, ngày 27/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về hụi, họ, biêu, phường nhằm đưa hoạt động này vào nề nếp theo quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, thời gian qua, các đối tượng đã lợi dụng hoạt động lập họ để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số lượng lớn của nhân dân”- Bộ Công an nêu rõ.
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Đồng thời tăng cường công tác phát hiện, khởi tố điều tra, xử lý nhiều vụ án liên quan đến hoạt động lập họ trái quy định của pháp luật. Điển hình như vụ Trương Thị Hải Yến - Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT Trường THPT Dân lập Phương Nam (Hà Nội); vụ Phan Thị Tư, trú tại xã Phú Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân hàng tỷ đồng…
Để đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phòng ngừa, điều tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hoạt động lập “họ” tự phát và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2006/NĐ-CP.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng như tài chính, ngân hàng tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng bất thường của các tổ chức, cá nhân; đa dạng hóa hoạt động tín dụng để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ vay, thế chấp tài sản an toàn, nhanh chóng và thuận tiện.
Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, nhất là quy định về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn, cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm lợi dụng hoạt động họ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giúp người dân chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và tố giác tội phạm.
Đặc biệt, Bộ Công an khẳng định sẽ nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; phối hợp với viện kiểm sát, tòa án đưa xét xử lưu động một số vụ án trọng điểm liên quan đến hoạt động “họ” nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Theo Thế Kha (Dân Trí)