Sau tạm giữ, trường hợp nào xảy ra với thiếu tướng Đỗ Hữu Ca?

22/02/2023 05:30:00

Người bị tạm giữ có thể được thả nếu không chứng minh được hành vi phạm tội, tuy nhiên nếu chứng minh hành vi vi phạm pháp luật đến mức xử lý hình sự sẽ tiến hành khởi tố.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đang tạm giữ ông Đỗ Hữu Ca - nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án "Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng. Thông báo của cơ quan điều tra cho thấy, ông Đỗ Hữu Ca bị điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai trường hợp xảy ra sau tạm giữ hình sự

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà nội cho rằng, việc thiếu tướng Đỗ Hữu Ca bị tạm giữ hình sự liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến nhiều người bất ngờ.

Ông Đỗ Hữu Ca không chỉ là người có nhiều thành tích trong lực lượng CAND mà từng giữ chức vụ lãnh đạo Công an TP Hải Phòng. Ông Ca là người hiểu biết pháp luật, không thiếu thốn đến mức phải thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, cơ quan điều tra sẽ thận trọng trong việc thu thập đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm trong vụ án này.

Sau tạm giữ, trường hợp nào xảy ra với thiếu tướng Đỗ Hữu Ca?
 Ông Đỗ Hữu Ca.

Theo quy định của pháp luật, tạm giữ hình sự được thực hiện dựa trên các căn cứ sau: Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang; Người phạm tội tự thú, đầu thú; Người bị bắt theo quyết định truy nã.

Cơ quan điều tra cho biết trường hợp ông Đỗ Hữu Ca bị tạm giữ thuộc trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Bộ luật Hình sự quy định, căn cứ để giữ người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn mang tính cấp bách, khi xác định một người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đã thực hiện tội phạm mà nếu xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Do đó, trường hợp cơ quan điều tra quyết định tạm giữ thiếu tướng Đỗ Hữu Ca thuộc trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp chứng tỏ đã có những chứng cứ để chứng minh hành vi có dấu hiệu tội phạm, làm căn cứ để thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo để chứng minh tội phạm theo quy định pháp luật.

Theo quy định, trong thời hạn tạm giữ, cơ quan điều tra có thể sẽ thay đổi quyết định thành quyết định tạm giam hoặc có thể sẽ trả tự do nếu hết thời hạn mà không chứng minh được tội phạm. Thời hạn tạm giữ hình sự hiện nay được quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự tối đa 3 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ và có thể gia hạn 2 lần, mỗi lần 3 ngày.

Do đó, trong thời hạn 9 ngày, cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố bị can hoặc không khởi tố bị can. Trường hợp khởi tố bị can sẽ ra quyết định tạm giam bị can để điều tra. Còn trường học không khởi tố bị can sẽ thả tự do đối với thiếu tướng Ca và quyết định không khởi tố.

Dấu hiệu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Luật sư Cường cho biết, thông tin từ các báo dẫn nguồn tin cho biết, ông Đỗ Hữu Ca đã có hành vi nhận hàng chục tỷ đồng để chạy án. Sau khi nhận tiền, ông Ca giữ lại cho bản thân và bị tố cáo, bị phát hiện trong quá trình cơ quan điều tra điều tra một vụ án trốn thuế xảy ra tại Quảng Ninh. Hiện ông Ca đã tự khắc phục, trả lại số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn bị tạm giữ để tiến hành điều tra.

Theo quy định của pháp luật, nếu người có chức vụ quyền hạn nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì đây là hành vi nhận hối lộ. Trường hợp nhận tiền của người khác bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Trường hợp gian dối chiếm đoạt tài sản sau đó vì sợ sự trừng phạt của pháp luật hoặc ăn năn hối hận về hành vi của mình nên đã trả lại toàn bộ tài sản cho nạn nhân, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự.

Trường hợp nhận tiền thông qua thủ đoạn gian dối, hành vi cấu thành tội phạm từ thời điểm nhận tiền, sau đó trả lại tiền chỉ là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, trong trường hợp ông Ca đã trả lại tiền nhưng vẫn bị cơ quan điều tra giữ khẩn cấp cho thấy cơ quan điều tra đang cho rằng hành vi của thiếu tướng này có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế đang bị điều tra trong vụ án trên có phải là người đã đưa tiền cho ông Ca hay không, việc đưa tiền diễn ra như thế nào, ông Ca có phải là người có chức vụ quyền hạn liên quan đến công việc mà người đưa tiền đang yêu cầu hay không? Đây là những tình tiết quan trọng để xác định hành vi vi phạm pháp luật và tội danh có liên quan.

Trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy không có hành vi thỏa thuận giữa người đưa tiền và người có chức vụ quyền hạn để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền và cũng không có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi sẽ xem xét dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự.

Đây là vụ án phức tạp, liên quan đến uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần thận trọng trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ.

Theo Hải Ninh (Kienthuc.net.vn)