Sau kết luận về từ thiện của nghệ sĩ: Tố cáo sai sự thật, xử thế nào?

24/01/2022 20:45:00

Nếu người tố cáo biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn loan tin, bịa chuyện và tố cáo nghệ sĩ đến cơ quan chức năng thì người này có thể bị khởi tố về tội vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015.

Như Báo Lao Động đưa tin, ngày 23.1, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an (C02) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với các tin báo, tố giác một số nghệ sĩ (Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành...) thiếu minh bạch trong việc vận động và sử dụng tiền từ thiện đợt mưa lũ 2020.

Theo Bộ Công an, tháng 5.2021, cơ quan chức năng tiếp nhận phản ánh về việc ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành, MC Đại Nghĩa và một số cá nhân huy động tiền từ thiện. Trong đó, một số cá nhân tố các nghệ sĩ thiếu minh bạch khi sử dụng tiền quyên góp.

Sau kết luận về từ thiện của nghệ sĩ: Tố cáo sai sự thật, xử thế nào?
Nữ ca sĩ Thủy Tiên trao tiền hỗ trợ lũ lụt cho người dân ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NV

Quá trình xác minh, Cục C02 có căn cứ làm rõ các nghệ sĩ trên không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp nên không có dấu hiệu phạm tội.

Sau khi các nghệ sĩ được minh oan chuyện từ thiện, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã lên tiếng và tuyên bố "sẽ không dừng lại vụ kiện cho đến khi nào những đối tượng “xấu” đó bị trừng phạt và đền bù tất cả những tổn thất về công việc, tinh thần mà anh phải chịu đựng suốt thời gian qua”.

Riêng Thủy Tiên, trước đó, phía luật sư của cô cũng cho biết, sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng. Nghệ sĩ Hoài Linh cũng đã nộp đơn kiện và đang chờ giải quyết.

Trao đổi với Báo Lao Động, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác dù là trên mạng xã hội hay trong đời thực thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường cho biết, trường hợp các nghệ sĩ "phản pháo", tố cáo ngược trở lại đối với người đã tố cáo họ về tội vu khống thì cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, căn cứ tố cáo để có căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người tố cáo biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn loan tin, bịa chuyện và tố cáo các nghệ sĩ đến cơ quan chức năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của các nghệ sĩ thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố người này về tội vu khống.

"Hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu, cố tình tố cáo sai sự thật, không có căn cứ thì đó là hành vi vu khống, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người bị tố cáo và có thể ảnh hưởng đến dư luận xã hội", luật sư Cường nói.

Đồng quan điểm, luật sư La Văn Thái (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, vấn đề này cơ quan điều tra cần phải làm rõ để đảm bảo công bằng trước pháp luật. Người nào có hành vi sai phạm đến đâu sẽ phải bị xử lý đến đó.

"Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người tố cáo nghệ sĩ đã đưa tin sai sự thật, bịa chuyện để tố cáo nghệ sĩ thì có thể khởi tố người này về tội vu khống theo điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên với mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể đến 7 năm tù", luật sư La Văn Thái cho biết.

Nghệ sĩ làm từ thiện nhiều hơn tiền quyên góp

Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng C02, cho biết quá trình rà soát, Bộ Công an còn xác định sau một thời gian nhất định, khi đã có lượng tiền ủng hộ, các cá nhân đã trực tiếp hoặc thông qua người đại diện để trao tiền.

C02 làm rõ lượng tiền vào tài khoản từ thiện còn ít hơn số tiền mà các cá nhân trao đến cho nhân dân. Những kết quả điều tra này dựa trên xác nhận của các địa phương.

Theo Trần Tuấn (Lao Động)