Đang chơi game dở dang thì hết tiền khiến đầu óc Sơn chỉ nghĩ cách làm sao xoay được tiền để đi chơi tiếp. Bắt gặp cảnh bà già một mình buổi trưa trông quán, gã trai nảy sinh ý định độc ác.
Là con thứ 2 trong một gia đình có 3 anh em, Sơn cho rằng mình là người thẳng thắn nhất nhà vì làm thế nào thì nói thế đó chứ không như người anh hay cậu em trai mình, làm sai nhưng khéo nịnh.
|
Phạm nhân Vũ Tiến Sơn. |
Hỏi em trai, Sơn cười nhếch mép: “Thằng ấy cũng hám điện tử lắm nhưng nó chỉ chơi máy tính ở nhà”. Hỏi lý do vì sao, Sơn đáp: “Vì thằng ấy tiếc tiền còn cháu đã chơi là phải chơi tới bến, đến lúc mệt thì thôi”.
Theo lời Sơn thì cậu ta mê điện tử từ năm lớp 6, vì thế mà sức học cứ đuối dần. Kết quả là kỳ thi vào lớp 10 năm đó, Sơn không đủ điểm vào bất cứ một trường nào đã đăng ký, đành phải vào trung tâm giáo dục thường xuyên để học.
Xấu hổ với bạn bè, Sơn không muốn đi học nên nại ra lý do muốn ở nhà tăng gia sản xuất vì “đằng nào nhà mình cũng có vườn rộng, phải thuê thêm người về chăm cây và nuôi cá”.
Không đồng ý với suy nghĩ của Sơn, bố mẹ cậu ta nhất quyết bắt con phải đi học với lời động viên “lấy cái bằng xóa mù phổ thông rồi về làm gì cũng được, miễn là sau này có muốn đi học nghề cũng còn có cái để mà xin”.
Bị bố mẹ ép vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hoài Đức học nhưng chỉ mắt trước mắt sau là cậu ta trốn ra quán net ngồi cho hết buổi học. Biết con nghiện điện tử, bố mẹ Sơn cắt cử nhau, ngày 2 buổi đưa đi đón về, không để Sơn la cà ngoài đường, thậm chí còn tự tay mua đồ ăn sáng cho con trai, không đưa tiền như mọi khi nữa.
Thế nhưng càng “trói” chặt thì Sơn càng tìm cách quẫy ra. Cậu ta cũng vào lớp học, đợi đến giờ ra chơi mới trốn, hoặc chỉ học tiết đầu rồi bỏ. Tiền bố mẹ không cho thì Sơn tìm cách lấy trộm hoặc lừa lúc bố mẹ không có nhà, gọi người vào bán cá, bán trái cây. Sơn bảo điện tử cũng giống như ma túy, một khi đã mê rồi thì nghiện lắm, khó bỏ được.
Hỏi Sơn có biết đã có người chết gục vì chơi điện tử chưa, cậu ta cười hì hì: “Cháu làm gì có nhiều tiền để chơi như thế, may ra được vài ba tiếng là hết tiền”.
Hỏi Sơn về chuyện bị đánh đòn, cậu ta nhếch mép: “Cháu bị bố đánh nhiều rồi, có trận bò lê lết tưởng phen này chừa nhưng đi qua hàng điện tử, chân lại bước vào như bị thôi miên, chẳng còn biết sợ là gì nữa”.
Khoảng 14h ngày 6/3/2012, sau khi được mẹ đèo đến trường, Sơn vào lớp nhưng khi mẹ vừa quay xe, cậu ta đã lẻn cửa sau trốn ra ngoài. Đi đánh điện tử khi mà trong túi chỉ có vài ngàn lẻ nên chỉ được một lúc thì Sơn buộc phải đứng dậy trong trạng thái nuối tiếc.
Cơn nghiện điện tử khiến Sơn đi như thôi miên về quán nước của bà Trần Thị Nội, giả vờ gọi một lon nước ngọt với mục đích xem trong quán, ngoài bà lão ra còn ai nữa không. Khi biết chỉ có mình bà Nội ngồi trông quán hàng, Sơn nảy sinh ý định giết bà lão này để cướp tiền nên cố nấn ná ngồi lâu.
Để mình Sơn ngồi uống nước, bà Nội đứng lên dọn dẹp. Lợi dụng cơ hội đó, Sơn lén với con dao của bà chủ quán để trong quầy hàng rồi rón rén bước lại gần, đâm một nhát vào cổ bà chủ quán.
Bị đâm bất ngờ song bà Nội vẫn cố van lơn: “Đừng giết bà, bà có cái nhẫn đây, để bà tháo cho” nhưng Sơn không ngó ngàng tới lời khẩn cầu ấy.
Cậu ta lạnh lùng đưa lưỡi dao ngang cổ bà lão tội nghiệp, sau đó bình tĩnh tháo chiếc nhẫn vàng, móc túi nạn nhân lấy 77 ngàn đồng rồi bỏ đi. Ngay trong chiều đó, Sơn bán chiếc nhẫn lấy 650 ngàn đồng rồi lao vào quán điện tử chơi thâu đêm cho đến khi bị bắt.
Do thời điểm gây án, Sơn chưa tròn 16 tuổi nên hình phạt dành cho cậu ta là 12 năm tù. Về trại giam Suối Hai cải tạo, cách nhà chỉ vài chục cây số nên tháng nào Sơn cũng được người thân lên thăm nuôi.
Và nỗi lo bị trả thù
Vào trại giam được 2 năm nên Sơn dường như đã thích nghi với cuộc sống nơi trại giam. Theo lời cậu ta thì thời gian đầu vì chưa quen nên đêm đến Sơn không sao ngủ được. Thường thì thời gian ấy ở nhà, Sơn vẫn trốn ra ngoài quán nét ngồi thiền, tới muộn mới về nên khi vào trại giam, lịch sinh học thay đổi, chưa thể quen ngay được.
Sơn bảo những khi không ngủ được, hình ảnh chém giết trong các trò chơi game lại hiện ra trong đầu, rồi hình ảnh nạn nhân bị cậu ta giết,… cứ thế đan xen nhưng chưa một lần khiến cậu ta sợ hãi. Rất có thể vì quá quen với những cảnh bạo lực trong thế giới ảo nên Sơn không thấy ám ảnh về tội lỗi của mình.
Thế nhưng khi hỏi Sơn có ngại không nếu về nhà mà chạm mặt người thân của bị hại thì anh ta hốt hoảng: “Cháu sợ lắm. Cháu chưa biết sẽ phải nói thế nào với họ, trong đầu cháu lúc này chỉ nghĩ rằng nếu gặp họ, thế nào cũng bị đánh”.
“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Câu nói này xem ra thật đúng với Sơn. Không phải bố mẹ cậu ta không quan tâm tới con cái mà rất quan tâm là đằng khác, có chăng là phương pháp không hiệu quả.
Theo lời Sơn kể thì sau khi biết con trai hay trốn học đi chơi điện tử, bố mẹ Sơn đã cắt cử nhau đưa đón con đi học nhằm quản lý sát sao giờ giấc của con. Rồi mắng chửi, dọa nạt và cả đòn roi nhưng vẫn không khiến Sơn thay đổi. Để con trai không ra ngoài đánh điện tử, bố mẹ Sơn đành phải đầu tư tiền mua bộ dàn máy tính về nhà, phục vụ mấy ông con quý tử nhưng chỉ có cậu con trai lớn và cậu con trai út là hưởng ứng.
Trong khi anh và em trai chơi game ở nhà thì Sơn lại không chịu. Cậu ta lấy lý do ở ngoài quán đông người, sôi nổi hơn rồi mua máy mà không nối mạng, chỉ cho chơi những trò được tải về là o ép con cái….
“Giờ nghĩ lại cháu mới thấy mình sai. Ngày ấy cháu cứ nghĩ bố mẹ chỉ thương anh và em trai, cả nhà ghét cháu nhưng giờ thì cháu mới hiểu bố mẹ lo cho chúng cháu”, Sơn tâm sự.
Tháng nào bố mẹ Sơn cũng bố trí để cả nhà lên thăm Sơn. Những khi gặp anh trai, cậu em út lại ríu rít: “Ôi anh Sơn lớn nhanh thế nhỉ”, “anh Sơn có ria mép rồi”, “anh Sơn trắng hơn cả em”… khiến Sơn không nhịn được cười để rồi đêm đến, nghĩ lại mới cảm nhận được sự ấm áp mà người thân dành cho mình.
“Cháu lo cho em cháu ở nhà lắm. Lần nào nó lên đây, cháu hỏi nó có bị ai làm khó dễ không, nó chỉ cười, lắc lắc cái đầu. Mẹ thì không nói gì chỉ khóc. Cháu đoán ở nhà, mọi người cũng khổ vì điều tiếng do cháu gây ra”, Sơn tỏ ra chín chắn.
Hỏi Sơn đã có dự định gì cho tương lai, cậu ta cười nhẹ: “Án cháu còn dài, cháu có nghĩ cũng chẳng để làm gì vì biết đâu lúc về thời thế thay đổi. Cháu chỉ mong sớm được về, nếu có thể thì đi học tiếp còn không thì xin bố mẹ đầu tư cho đi xuất khẩu lao động vài năm kiếm chút vốn về làm ăn”.
Theo Mai Hạ (Nguoiduatin.vn)