Mới đây TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM ban hành thông báo cho các bị can biết việc tòa đã trả hồ sơ cho VKSND huyện này để điều tra bổ sung.
Theo đó, VKSND huyện Bình Chánh truy tố các bị can Phan Huy Hoàng, Nguyễn Cường, Nguyễn Hoài Phương, Phan Minh Phụng và Bạch Thanh Phong về tội Gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, TAND huyện Bình Chánh đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra, truy tố theo tội Cố ý gây thương tích (tội nặng hơn) đối với các bị can trên.
Đánh nhau vì chuyện đi tè
Theo hồ sơ, Phan Huy Hoàng và Phan Văn Liêm là hàng xóm, ông Liêm nhiều lần đứng tè quay mặt về phía nhà Hoàng. Vì Hoàng có ba đứa con gái, sợ ảnh hưởng không tốt đến các con nên Hoàng đã cùng vợ qua nhà ông Liêm để nói chuyện. Hai bên cãi nhau, ông Liêm đánh Hoàng chảy máu mũi. Thấy vậy, vợ Hoàng liền gọi điện thoại báo cho cha ruột biết.
Sau đó cha vợ của Hoàng đã kể lại sự việc cho Phương, Cường (con ruột), Phong (con rể) và Phụng (bạn của Cường) nghe. Cả nhóm cùng kéo đến nhà ông Liêm. Đến nơi, nhóm này xông vào ẩu đả với ông Liêm và Đẳng (con trai ông Liêm), đồng thời đập phá quầy thực phẩm của ông Liêm. Hậu quả là Đẳng bị thương tật 39%, còn ông Liêm bị thương nhẹ ở mắt.
Ban đầu Cơ quan điều tra và VKSND huyện Bình Chánh xác định đây là vụ án cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, do chưa đủ căn cứ xác định đối tượng trực tiếp gây thương tích cho con trai ông Liêm nên sau đó VKSND huyện Bình Chánh chỉ truy tố các bị cáo về tội Gây rối trật tự công cộng...
Tháng 9/2017, TAND huyện Bình Chánh xử sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo 6-9 tháng tù giam về tội này, đồng thời buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho cha con ông Liêm hơn 90 triệu đồng.
Xử phúc thẩm hồi tháng 3, TAND TP.HCM cho rằng hành vi đánh nhau hỗn loạn của các bị cáo là trước sân nhà chứ không phải nơi công cộng. Việc tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm đ, mục 5.1, phần I Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xét xử các bị cáo tội Gây rối trật tự công cộng là không phù hợp. Án sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm tội Gây rối trật tự công cộng nhưng lại buộc các bị cáo bồi thường tiền chi phí điều trị thương tích, giá trị tài sản thiệt hại do bị các bị cáo đập phá và bồi thường tổn thất về tinh thần là không có cơ sở.
Cạnh đó, theo tòa phúc thẩm, khi thấy ông Liêm cầm khúc cây thì Phương sợ ông Liêm dùng cây đánh cha vợ của Hoàng nên chạy đến giật khúc cây. Thấy vậy, Cường, Phong, Phụng, Hoàng xông vào cùng Phương đánh nhau hỗn loạn với ông Liêm và Đẳng (con trai ông Liêm). Đẳng bị thương tích vùng đầu với tỉ lệ 39%, còn ông Liêm bị thương tích nhẹ vùng mắt. Các bị cáo đều xác định chỉ dùng tay không để tấn công ông Liêm và Đẳng, không dùng hung khí, do đó không xác định được đối tượng trực tiếp gây thương tích cho ông Liêm và Đẳng.
Theo tòa, dù không thu được vật chứng là cây gỗ nhưng có đủ cơ sở khẳng định chính các bị cáo là những người trực tiếp gây thương tích cho Đẳng và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích cho Đẳng. HĐXX phúc thẩm nhận thấy có đủ cơ sở để truy tố các bị cáo về tội Cố ý gây thương tích.
Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng có căn cứ xác định các bị cáo phạm tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm. Vì vậy, tòa tuyên hủy án để điều tra lại.
Tòa có quyền xử tội nặng hơn
Sau khi điều tra lại, ngày 30/8, cơ quan điều tra Công an huyện Bình Chánh vẫn khẳng định các bị cáo phạm tội gây rối trật tự công cộng. Đối với Đẳng bị đánh gây thương tích, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án. Quá trình điều tra ban đầu và điều tra lại, không xác định được ai là người trực tiếp gây thương tích cho Đẳng nên không đủ căn cứ khởi tố.
Trên cơ sở này, VKSND huyện Bình Chánh vẫn truy tố các bị can về tội Gây rối trật tự công cộng.
Tiếp nhận hồ sơ và cáo trạng truy tố, TAND huyện Bình Chánh đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và truy tố theo tội Cố ý gây thương tích (tội nặng hơn). Theo tòa này, nếu hết thời hạn điều tra bổ sung mà VKSND huyện Bình Chánh vẫn giữ tội danh đã truy tố thì TAND huyện Bình Chánh sẽ xét xử các bị can về tội Cố ý gây thương tích.
Giới hạn của việc xét xử
Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố.
Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố thì tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
(Điều 298 BLTTHS năm 2015)
Theo Phong Hà (Pháp Luật TP.HCM)