‘Quyền lực ngầm’ của bà Trương Mỹ Lan và chuyện mua chuộc cán bộ

20/11/2023 05:00:00

Kết luận điều tra chỉ ra rằng, bà Trương Mỹ Lan đã dùng "quyền lực ngầm", biến Ngân hàng SCB thành công cụ tài chính để cấp vốn cho Vạn Thịnh Phát. Nữ đại gia cũng không tiếc tiền mua chuộc cán bộ.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch có hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp, gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nằm trong nhóm Định chế tài chính Việt Nam, Ngân hàng SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được bà Trương Mỹ Lan sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Bà Trương Mỹ Lan mặc dù không nắm giữ chức vụ nào tại Ngân hàng SBC nhưng là người có "quyền lực ngầm" tại ngân hàng này, vì từ khi sáp nhập (năm 2012), 85%-91,5% tổng số cổ phần SCB luôn do chính bà Lan và các cá nhân thân tín và pháp nhân của nữ đại gia này đứng tên sở hữu.

‘Quyền lực ngầm’ của bà Trương Mỹ Lan và chuyện mua chuộc cán bộ
Bà Trương Mỹ Lan.

Với việc nắm giữ số cổ phần chi phối, bố trí người thân tín giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB (HĐQT, Ban điều hành), mọi hoạt động của ngân hàng này đều cơ bản phục vụ hoạt động của bà Trương Mỹ Lan. 

Thực tế, bà Lan đã sử dụng SCB để huy động vốn, nhưng thay vì điều hành hoạt động theo quy định của pháp luật, bà Lan đã sử dụng “quyền lực ngầm” của mình để chỉ đạo các đồng phạm hợp thức hồ sơ để rút tiền phục vụ cho mục đích cá nhân.

Theo CQĐT, từ 1/1/2018 - 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, đến nay các khoản vay này còn nợ hơn 545.039 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 415.666 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt này đều phục vụ cho mục đích cá nhân của bà Lan.

Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, CQĐT xác định trách nhiệm của bà Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 304.096 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi tham ô tài sản của bà Lan còn gây thiệt hại hơn 129.372 tỷ đồng.

Để có thể rút tiền của SCB, thậm chí bà Trương Mỹ Lan còn đề nghị chồng là ông Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, quốc tịch Trung Quốc), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square giúp sức. 

Được vợ trao đổi, đề nghị lấy tài sản Dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do bà Lan chỉ định tại Ngân hàng SCB, ông Cơ đã ký các thủ tục bảo đảm khoản vay theo đề nghị của bà Lan dù bản thân không có nhu cầu vay vốn.

Việc ông Cơ ký các thủ tục, hợp thức hóa hồ sơ vay vốn cho bà Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại đối với Ngân hàng SCB số tiền gốc, lãi là hơn 39.217 tỷ đồng.

Bà Lan còn khai, các thủ tục Biên bản họp, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông Công ty Times Square về việc bảo lãnh, thế chấp dự án Times Square cho các khách hàng vay vốn là yêu cầu bắt buộc, phải đảm bảo các thủ tục này mới được vay vốn tại SCB. Các thủ tục này được lập, ký khống, hợp thức hồ sơ.

Dùng tiền mua chuộc cán bộ

Trong thời gian xây dựng, phê duyệt, triển khai Kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015- 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) triển khai 3 Đoàn thanh tra tiến hành hoạt động thanh tra đối với Ngân hàng SCB.

Kết luận điều tra chỉ ra rằng, trong 3 đoàn thanh tra trên, Đoàn thanh tra liên ngành năm 2017- 2018 có phạm vi, nội dung thanh tra toàn diện đối với Ngân hàng SCB.

‘Quyền lực ngầm’ của bà Trương Mỹ Lan và chuyện mua chuộc cán bộ - 1
Bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và chồng là ông Chu Nap Kee Eric. Ảnh: nhadautu.vn

Kết quả thanh tra là cơ sở đánh giá đúng tình hình, thực trạng tín dụng, nợ xấu, cơ cấu nợ của Ngân hàng SCB theo Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015- 2019, tình trạng sở hữu cổ phần, kiểm soát, điều hành tại SCB của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Việc này để Chính phủ và NHNN có các giải pháp, biện pháp xử lý hợp lý.

Tuy nhiên, quá trình thanh tra tại SCB, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan TTGSNH, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và các thành viên Đoàn thanh tra đã có các sai phạm, vi phạm nghiêm trọng, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất từ SCB để bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho NHNN.

Việc này khiến NHNN không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Kết quả điều tra cho thấy, quá trình thanh tra, Đoàn Thanh tra đã nhiều lần nhận tiền, quà và lợi ích vật chất từ SCB. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH đã nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo SCB tổng cộng 390.000 USD (tương đương 8,7 tỷ đồng).

Trưởng đoàn Đỗ Thị Nhàn bị cho là đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD. Bà Nguyễn Thị Phụng, Phó trưởng đoàn thanh tra khai nhiều lần nhận tổng số 20.000 USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn.

Đỗ Anh Tuấn, Tổ trưởng tổ thanh tra số 3: 4 lần nhận tổng cộng 40.000 USD; Trần Văn Tuấn, Tổ trưởng tổ thanh tra số 4: đã 4 lần nhận tổng cộng 6.000 USD và 40 triệu đồng.

‘Quyền lực ngầm’ của bà Trương Mỹ Lan và chuyện mua chuộc cán bộ - 2
Các bị can vụ Vạn Thịnh Phát

Lê Thanh Hà, Tổ trưởng tổ thanh tra số 5: 5 lần nhận tổng cộng 14.000 USD và 100 triệu đồng. Trương Việt Hưng, thành viên tổ thanh tra số 4: nhận 5.000 USD (bị can chưa thừa nhận việc nhận tiền và quà từ SCB).

Nguyễn Duy Phương, thành viên tổ 4: 2 lần nhận tổng cộng 5.000 USD và 20 triệu đồng (trong đó số tiền 5.000 USD Phương khai không nhớ, nhưng tài liệu điều tra cho thấy, SCB đã đưa 5.000 USD cho Phương). Nguyễn Văn Thùy, thành viên tổ 1: 6 lần nhận tổng cộng 21.000 USD và 60 triệu đồng.

7 thành viên còn lại, trong đó có 3 cán bộ của Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 1 thanh tra viên thuộc Thanh tra Chính phủ nhận người ít nhất là 100 triệu, người nhất nhiều là 9.000 USD.

Làm ngơ trước sai phạm

Kết luận điều tra cũng cho thấy, từ năm 2016 - 9/2022, Cục II và NHNN Chi nhánh TP.HCM đã không triển khai quyết liệt biện pháp kiểm tra, thanh tra định kỳ/đột xuất đối với ngân hàng SCB theo chức năng, nhiệm vụ mà chỉ triển khai biện pháp giám sát an toàn vi mô theo quy định của pháp luật và biện pháp giám sát qua báo cáo của chính SCB.

Trong quá trình giám sát từ năm 2016-2022, Tổ giám sát đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/ thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được lãnh đạo Thanh tra giám sát (TTGS) NHNN Chi nhánh TP.HCM (cơ quan được NHNN giao chủ trì công tác giám sát) chấp thuận vì nhiều lý do khác nhau.

Thậm chí, các ông/bà: Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, Nguyễn Thị Phi Loan và Nguyễn Tín với vai trò là lãnh đạo Cục II, NHNN Chi nhánh TP.HCM, TTGS NHNN Chi nhánh TP.HCM đã ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực các hành vi sai phạm và thực trạng tài chính be bét của ngân hàng SCB lên NHNN và Cơ quan TTGS NHNN; không kiến nghị NHNN đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện để kịp thời xử lý các sai phạm.

Quá trình thực hiện chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát đối với ngân hàng SCB, các cá nhân nêu trên đã nhận của SCB từ 470 triệu đồng – 1,8 tỷ đồng.

Theo T.Nhung (VietNamNet)

Nổi bật