Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm qua, các lực lượng chức năng đã khởi tố, điều tra 1.260 vụ án có yếu tố nước ngoài hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia. Trong tổng số 2.041 bị can, có 692 người nước ngoài.
Đáng chú ý, tại TP.HCM có hàng chục vụ án liên quan đến người nước ngoài chuyên lừa đảo các quý bà dưới hình thức gửi quà tặng được khuyến cáo rất nhiều nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy.
Thiếu thốn hay tham lam?
Với nhiều ứng dụng trò chuyện qua mạng được phổ biến, nhiều người đã có thể dễ dàng kết nối với người nước ngoài. Cũng từ đó, một số người nước ngoài đã sử dụng mạng xã hội kết nối với các quý cô, quý bà để trò chuyện, tâm sự và... lừa đảo.
"Chiêu" thường dùng nhất là trong khi nói chuyện, những người đàn ông ngoại quốc thường than thở rằng bị áp lực công việc và "thòng" thêm "cũng chính vì áp lực nên mang về một khoản thu nhập kha khá, có của để dành". Sau khi các quý bà bắt đầu tin, các đối tượng này bắt đầu lả lơi "thả thính".
Phần đông những nghi can nói rằng đang rất cô đơn, muốn sang Việt Nam kết hôn và sau đó sẽ mua nhà, mua xe rồi sống cuộc đời còn lại ở Việt Nam. Trong số hàng trăm quý bà gửi đơn đến Phòng PC46 Công an TP.HCM tố cáo, yêu cầu phong tỏa tài khoản thì có không ít người có trình độ cao, am hiểu các vấn đề xã hội.
Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM từng tham gia xét xử nhiều vụ án các quý bà bị lừa đảo nhấn mạnh: "Thông thường, những băng nhóm này do kẻ cầm đầu thường giấu mặt nên việc phát hiện, truy cứu cũng chỉ xử lý đàn em của những đối tượng này. Một khi tiền đã chuyển đi thì rất khó thu hồi vì các đối tượng sau khi nhận được tiền sẽ rút ra ngay lập tức.
Bên cạnh đó, người dân cần phải hiểu rằng việc dùng thủ thuật photoshop để làm những hóa đơn vận chuyển, hóa đơn hải quan là chuyện rất dễ dàng. Bọn lừa đảo thường làm giả các giấy tờ thể hiện nội dung bưu phẩm được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, nếu không cẩn trọng sẽ dễ mất tiền tỷ. Cho nên, chị em phụ nữ cần cân nhắc khi nói chuyện với người lạ trên mạng nhằm tránh mất tiền oan uổng".
Gần đây nhất, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án được điều tra theo đơn tố cáo của bà Thủy (50 tuổi, ngụ TP.HCM).
Bà Thủy là cô giáo và thường xuyên lên mạng Facebook kết bạn. Bà làm quen với Pronore Roland Etzebeth được một thời gian thì người này nói đang sống ở Israel nhưng có quốc tịch Mỹ và đang công tác tại chiến trường Afghanistan.
Tâm sự qua lại, Pronore nói rằng không muốn sống cuộc đời độc thân và có ý định sang Việt Nam cưới vợ. Pronore nhờ bà H. nếu có mối nào thì giới thiệu.
Khi bà Thủy bắt đầu tin tưởng, Pronore nói có một số tiền lớn muốn gửi sang Việt Nam nhờ bà cất giùm để khi qua Việt Nam cưới vợ thì có sẵn tiền. Bà Thủy đã cung cấp địa chỉ, số điện thoại liên lạc, số chứng minh cho Pronore.
Sau đó, người phụ nữ rơi vào chiếc bẫy muốn nhận thùng quà bên trong có hàng trăm ngàn USD thì phải đóng thuế hải quan. Bà Thủy đã chuyển 1,4 tỷ đồng nhưng không nhận được món quà nào, trong khi đó Pronore đã chặn Facebook của bà.
Tương tự, bà Nhân (47 tuổi) ly hôn chồng đã nhiều năm nên thường lên mạng tán gẫu với đàn ông ngoại quốc dù không rành tiếng Anh.
"Có gì khó đâu, mình lên Google dịch ra xong copy sang, tương tự khi người ta trả lời bằng tiếng Anh thì mình cũng nhờ Google dịch ra tiếng Việt", bà Nhân cho biết.
Từ "dịch qua dịch lại" mà bà Nhân đã dính bẫy của một nhóm lừa đảo. Ban đầu người đàn ông lừa đảo nói nhờ bà Nhân mua nhà sẽ trích hoa hồng, sau đó hứa gửi 300.000 USD.
"Anh ta nói cứ chuyển khoản sẽ nhận được thùng tiền. Tôi tin tưởng nên chuyển hàng trăm triệu đồng sau đó quà không nhận được mà người tình cũng khóa Facebook, "nhân viên hải quan" thì tắt máy", nạn nhân cay đắng nói.
Đã cảnh báo nhưng vẫn sập bẫy
Trước tình hình nhiều băng nhóm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã nhiều lần cảnh báo người dân trên các phương tiện truyền thông.
Trong một cuộc họp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng tại TP.HCM, đại tá Nguyễn Minh Thông, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, chia sẻ: "Trong số bị hại có cả những người có học thức cao nhưng vẫn bị lừa rồi đến cầu cứu cơ quan chức năng.
Khó khăn trong công tác điều tra, phá án những vụ như trên là kẻ cầm đầu thường giấu mặt. Các băng nhóm nước ngoài thường cấu kết với người Việt Nam trong nước để lừa đảo; nhờ người Việt dùng thông tin cá nhân hoặc bạn bè, người thân mở tài khoản ngân hàng làm phương tiện phạm tội.
Theo đại tá Thông, các băng nhóm hoạt động rất kín kẽ và tinh vi. Khi đường dây của chúng bị phát hiện thì ngay lập tức cắt đứt mọi liên lạc, cao chạy xa bay. Ngoài ra, nhiều nạn nhân sau khi biết bị lừa vì ngại tố cáo nên công tác phong tỏa tài khoản không được kịp thời, các đối tượng đã rút hết tiền trong các tài khoản.
Lãnh đạo Phòng PC46 Công an TP.HCM khuyến cáo: "Để tránh bị mất tiền dành dụm cả đời, người dân cần cẩn trọng với những người quen trên mạng và chưa một lần gặp mặt. Ngoài những chiêu như hứa gửi quà và nhân viên hải quan gọi điện, các nhóm lừa đảo còn lập nhiều trang web giả công ty vận chuyển, nhắn đường link yêu cầu nhập mật khẩu đăng nhập để lừa đảo, rút tiền".
Quý bà Thụy Sĩ cũng sụp bẫy
Thông qua mạng xã hội Facebook, chị Josette Hermes (34 tuổi, quốc tịch Thụy Sĩ, tạm trú quận 2, TP. HCM) kết bạn với một người đàn ông tên là Peter Paschal (quốc tịch Mỹ).
Sau nhiều lần nói chuyện, Peter Paschal muốn nhờ địa chỉ chị Josette Hermes để gửi một gói hàng về Việt Nam, trong đó có rất nhiều tiền và kèm theo một tập hồ sơ về đầu tư ở Việt Nam.
Sau đó, một người đàn ông gọi điện cho chị Hermes yêu cầu chuyển tiền đóng phí hải quan sẽ nhận được thùng quà có tiền. Tin lời, chị Hermes chuyển 2.900 USD nhưng không nhận được quà nên ngậm ngùi đi báo công an.
Theo Phạm Dũng (Nld.com.vn)