Trong hai số trước, Pháp Luật TP.HCM phản ánh hiện trạng nhộn nhịp của sugar baby - sugar daddy (con nuôi - cha nuôi) như loại hình mại dâm biến tướng.
Các chuyên gia phân tích hiện trạng trên dưới góc độ pháp luật và chỉ ra các dấu hiệu vi phạm.
Môi giới sugar baby - sugar daddy là phạm luật
TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, khẳng định nhu cầu giao lưu giữa các cá nhân như môi giới kết hôn, kết bạn thông qua các mạng xã hội (MXH) hoặc theo các sở thích khác là một điều tất yếu trong xã hội và được pháp luật bảo vệ nếu không có hành vi sai trái.
Tuy nhiên, khi việc giao lưu thông qua các MXH có thu phí dưới dạng dịch vụ môi giới thì nó phải tuân theo các quy định của pháp luật về kinh doanh, dịch vụ.
Điều 123 BLDS 2015 đã quy định các giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
Việc đăng tuyển, môi giới sugar baby - sugar daddy trên các nền tảng MXH là không phù hợp đạo đức xã hội, trái với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ MXH.
Các chủ nhân thực sự của các nhóm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính do có hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” theo điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 (mức phạt 10-20 triệu đồng đối với tổ chức; cá nhân bị phạt 1/2 so với tổ chức).
Chia sẻ thêm, TS Phan Anh Tuấn cho rằng việc xác định các trang MXH có dịch vụ môi giới sugar baby - sugar daddy là không khó đối với các cơ quan chức năng. Việc ngăn chặn, xử lý hành chính triệt để sẽ tránh được tội phạm liên quan đến mua bán dâm trá hình.
Còn ThS - luật sư Cao Ngọc Sơn, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang, phân tích: Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…
Theo ông Sơn, hành vi đăng tải thông tin “con nuôi - cha nuôi” trên các MXH cũng có thể bị xử phạt theo Nghị định 15/2020 (cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung dâm ô, đồi trụy, trái đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc… Mức phạt 30-50 triệu đồng đối với tổ chức; cá nhân bị phạt 1/2 so với tổ chức).
Có thể bị xử lý hình sự
Về mối quan hệ “con nuôi - cha nuôi” có vi phạm pháp luật hay không, TS Phan Anh Tuấn nêu quan điểm: Ranh giới quan trọng để xác định hành vi bị coi là tội phạm: mua dâm người dưới 18 tuổi, môi giới mại dâm với mối quan hệ “con nuôi - cha nuôi” bình thường (đổi chác tình - tiền)... đó là trong việc môi giới có dấu hiệu thỏa thuận về việc mua bán dâm hay không?
“Dấu hiệu mua bán dâm có thể lồng ghép trong nhiều thỏa thuận khác nhau nhưng chỉ cần có dấu hiệu này là có cơ sở pháp lý để xử lý. Đây là điều mà các cơ quan chức năng cần phải chứng minh khi xử lý hình sự” - TS Phan Anh Tuấn nói.
Trong trường hợp người đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 145 BLHS.
Trường hợp sử dụng dịch vụ để môi giới mua bán dâm thì sẽ bị xử lý về tội môi giới mại dâm (Điều 328 BLHS); người thực hiện hành vi mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi thì có thể bị xử lý về tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329 BLHS)...
ThS - luật sư Cao Ngọc Sơn cho rằng tuy khó chứng minh nhưng các cơ quan điều tra sẽ có các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh, phân biệt giữa hành vi mua bán dâm trá hình và quan hệ tình cảm thông thường. Đó là các giao dịch về môi giới, chuyển tiền, các thỏa thuận trao đổi tiền, lợi ích vật chất với nhu cầu về tình dục.
Hiện hoạt động mại dâm thông thường chỉ bị xử phạt hành chính nhưng xử lý nghiêm với môi giới mại dâm, mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi...
Không nên “chui đầu vào rọ”
Mối quan hệ “con nuôi - cha nuôi” không lành mạnh, vượt ngoài tầm dự liệu của pháp luật, làm cho đời sống xã hội chịu sự ảnh hưởng tiêu cực theo.
Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế để nhận diện, định danh và có những quy phạm quản lý sao cho phù hợp nhất.
Cụ thể, đó là các biện pháp bảo đảm tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động trên không gian mạng, kịp thời xử lý những hành vi trái pháp luật, xâm phạm trật tự công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Đối với những người trực tiếp tham gia các quan hệ này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trước hết, đó là các vấn đề về bệnh tật, sức khỏe, hạnh phúc gia đình, danh dự, nhân phẩm. Tiếp theo đó là việc tài sản có thể bị lợi dụng, bị chiếm đoạt và có nguy cơ vướng vào vòng lao lý với các chế tài nghiêm khắc nhất.
Với những người chưa tham gia mối quan hệ “con nuôi - cha nuôi” cần tuyệt đối thận trọng, cảnh giác, không vì tò mò hay những nhu cầu không thực sự cần thiết để mạo hiểm “chui đầu vào rọ”.
ThS CAO NGỌC SƠN, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang
Theo Hoa Thi (Pháp Luật TPHCM)