Theo kết luận điều tra, tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng chấp thuận đề xuất của Bộ GTVT về việc chuyển giao quyền thu phí tuyến cao tốc TP HCM- Trung Lương, Đinh Ngọc Hệ dùng quan hệ của mình để nhờ cậy ông Đinh La Thăng.
Hệ nhờ ông Thăng gọi điện cho ông Dương Tuấn Minh (khi đó là TGĐ Tổng Công ty Cửu Long, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT) để giới thiệu Hệ, đề nghị ông Minh sắp xếp thời gian làm việc.
Hai ngày sau, Út "trọc" trực tiếp gọi điện cho ông Minh, nói đã được ông Thăng gọi điện giới thiệu, muốn đến làm việc.
Ông Minh hẹn sang tuần sẽ sắp xếp lịch làm việc, nhưng khi đó ông Thăng tiếp tục điện thoại cho ông Minh, yêu cầu bố trí lịch làm việc cụ thể và chuyển máy cho Đinh Ngọc Hệ trực tiếp trao đổi với ông Minh.
Út "trọc" sau đó đã đến gặp ông Minh trao đổi và đề nghị hỗ trợ các công việc liên quan, trong đó có đề nghị cho Công ty Yên Khánh được tham gia đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TP HCM- Trung Lương.
Qua tiếp cận, nghiên cứu về quy chế bán đấu giá quyền thu phí, Hệ biết quy định bắt buộc để được tham gia đấu giá là bên tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện tình hình tài chính lành mạnh và kinh doanh 2 năm liên tiếp không lỗ.
Thực tế, năm 2011 và 2012, Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Út "trọc" kinh doanh thua lỗ, không đủ điều kiện để tham gia đấu giá, không có năng lực tài chính để thanh toán tiền trúng đấu giá.
Vì vậy, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo cấp dưới sửa chữa số liệu báo cáo tài chính của 2 công ty, làm giả báo cáo kiểm toán rồi mang đi sao y chứng thực.
Thời điểm tổ chức buổi đấu giá, chỉ có hai công ty của Hệ tham gia và kết quả là Công ty Yên Khánh trúng đấu giá với giá hơn 2.004 tỷ đồng.
Sau này, khi Cơ quan công an vào điều tra, ông Minh khai: Sở dĩ Tổng Công ty Cửu Long không đề nghị sớm chấm dứt trước hạn hợp đồng với Công ty Yên Khánh khi công ty này vi phạm nghĩa vụ thanh toán là do ông Minh biết Đinh Ngọc Hệ có quan hệ thân thiết với ông Đinh La Thăng.
Thậm chí, ông Minh từng bị ông Thăng mắng khi yêu cầu công ty của Hệ thanh toán đúng theo hợp đồng: “Anh làm việc quan liêu lắm. 800 tỷ không phải nhỏ. Nhà đầu tư người ta cũng có khó khăn nên để họ từ từ đóng”.
Can thiệp điều chỉnh doanh thu
Vẫn theo kết luận điều tra, đầu năm 2015, dù đã tìm cách giảm doanh thu bằng cách thủ công (cho nhân viên nhặt vé do tài xế qua trạm vứt lại để tập hợp, xóa số seri các vé đã nhặt, in lại vé mới), nhưng báo cáo số liệu thu phí của Công ty Yên Khánh vẫn cao, doanh số giảm không nhiều.
Lúc này, Đinh Ngọc Hệ tổ chức buổi họp và chỉ đạo: “Phải làm giảm doanh thu đi, không để doanh thu thực tế vì doanh thu thực tế đang quá cao, các bộ phận triển khai đi...”
Mục đích làm giảm doanh thu nhằm chiếm đoạt tiền thu phí, sử dụng theo các mục đích cá nhân của Út "trọc".
Mục đích xa hơn nữa là để khi hết thời gian thu phí 5 năm, Công ty Yên Khánh báo cáo việc thu phí thua lỗ để tiếp tục xin được gia hạn thời gian thu phí với số tiền phải nộp để mua quyền thu phí thấp hơn giá đã mua đấu giá.
Triển khai chỉ đạo của Hệ, cấp dưới đã tìm người viết phần mềm, cài đặt, bảo trì phần mềm xâm nhập vào phần mềm của Bộ GTVT để làm giảm doanh thu.
Đầu năm 2018, do sắp hết thời hạn thu phí (ngày 31/12/2018), cấp dưới của Hệ cho người xóa dữ liệu trên hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu về việc thu phí thực tế của Công ty Yên Khánh.
Kết quả điều tra xác định, doanh thu thu phí thực tế từ 1/2014- 12/2018 của 4 trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP HCM- Trung Lương là hơn 3.266 tỷ, doanh thu bị điều chỉnh là hơn 2.431 tỷ đồng.
Với chiêu trò của mình, Út "trọc" đã chiếm hưởng hơn 725 tỷ đồng.
Theo T.Nhung (Vietnamnet.vn)