Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo Rà soát, đánh giá, chính sách pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) tổ chức mới đây.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người.
Riêng khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ đô la mỗi năm.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012- 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người.
Qua điều tra, rà soát cho thấy, trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em.
Phần lớn các nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơn và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, làm nông nghiệp hoặc không có việc làm, không biết chữ và khoảng 6,8% nạn nhân là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên.
Trên 98% nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, trong đó chủ yếu sang Trung Quốc (trên 90%). Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục.
Các đường dây buôn bán qua biên giới
Tại Việt Nam, những năm gần đây, hoạt động buôn bán người diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi, đặc biệt thường diễn ra tại các khu vực vùng sâu vùng xa, nông thôn, khu vực biên giới, giáp ranh với các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào…
Ông Vũ Thế Phấn, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - Bộ Quốc Phòng cho biết, từ năm 2011 đến nay các đơn vị bộ đội biên phòng đã phát hiện, điều tra, xử lý 248 vụ/462 đối tượng phạm tội mua bán người qua biên giới.
Trong đó tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc được xác định là tuyến trọng điểm về hoạt động của tội phạm mua bán người, tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Lào Cai.
Địa bàn biên giới vừa là nơi các đối tượng này tuyển mộ, lừa gạt, chứa chấp nạn nhân vừa là địa bàn trung chuyển, vận chuyển, chuyển giao nạn nhân qua biên giới.
“Do mất cân bằng giới tính, nhu cầu lao động, nhất là lao động nữ phục vụ trong các cửa hàng dịch vụ nhạy cảm, gội đầu, massage, mại dâm… tại Trung Quốc rất cao; bên cạnh đó, do tác động của chính sách dân số, tỉ lệ nam nữ trong dân số nước này ở một số nơi không cân đối nên một số nam giới Trung Quốc có nhu cầu tìm kiếm phụ nữ Việt Nam làm vợ.
Từ đặc điểm rất đặc thù này, đối tượng hoạt động phạm tội mua bán người qua biên giới đã triệt để lợi dụng, chúng hình thành các đường dây xuyên quốc gia, có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng trong nội địa, đối tượng ở khu vực biên giới và đối tượng ở phía ngoại biên đối diện để lừa gạt phụ nữ, trẻ em gái từ địa bàn các tỉnh nội địa đưa qua biên giới bán cho người Trung Quốc”, ông Phấn cho biết.
Cũng theo ông Vũ Thế Phấn, nạn nhân bị mua bán sang biên giới với nhiều mục đích khác nhau, song chủ yếu nhằm bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục, hôn nhân trái pháp luật, nhiều nạn nhân bị bán sâu vào các địa bàn nội địa của Trung Quốc nên việc giải cứu nạn nhân gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã phát hiện một số đối tượng người Việt Nam câu kết với đối tượng ở nước ngoài tuyển mộ, vận chuyển phụ nữ quốc tịch Indonesia quá cảnh qua Việt Nam để đưa đi Trung Quốc.
Là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, những năm gần đây, tình hình buôn bán người tại Lào Cai diễn ra phức tạp.
Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lào Cai cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 Lào Cai phát hiện 392 vụ, giải cứu và tiếp nhận 585 nạn nhân bị buôn bán qua biên giới.
Giai đoạn 2016 – 2018 phát hiện 187 vụ/138 đối tượng, giải cứu và tiếp nhận 237 nạn nhân.
Các đối tượng tội phạm thường dùng những thủ đoạn hết sức tinh vi để lừa những phụ nữ, trẻ em nhẹ dạ cả tin như: có một việc làm nhàn hạ có thu nhập cao (bán hàng lương tháng từ 5 – 7 triệu đồng), giả vờ yêu đương rủ đi chơi hoặc dẫn về ra mắt gia đình rồi mang thẳng sang Trung Quốc bán, một số đối tượng đánh vào tâm lý của những phụ nữ có gia đình nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc rồi dụ dỗ sang Trung Quốc lấy chồng sẽ có cuộc sống giàu sang, sung sướng, được chiều chuộng và không phải làm gì vì Trung Quốc rất thiếu phụ nữ.
Song thực tế, những phụ nữ này lại bị bán làm vợ cho những người đàn ông già, nghèo, tật nguyền không có đủ tiền để cưới vợ bản xứ.
Họ phải phục vụ tình dục, trở thành máy đẻ và lao động cật lực, bất đồng ngôn ngữ, bị đánh đập, giam giữ tại gia đình nhà chồng ở Trung Quốc và rất khó có cơ hội được trở về Việt Nam.
Cũng theo ông Long, chỉ có khoảng 1,8% những phụ nữ bị bán sang Trung Quốc có thể tự trở về, mà phần lớn là qua hình thức trao trả song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Đa số các nạn nhân khi trở về đều gặp các vấn đề về tâm lý và sức khoẻ, một số nạn nhân có biểu hiện tâm thần, một số mang thai ngoài ý muốn, rất nhiều người trong quá trình trốn thoát chỉ có duy nhất một bộ quần áo mặc trên người, không có giấy tờ tùy thân.
Những nạn nhân này rất cần được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, mặc…., được đảm bảo an toàn, được chăm sóc y tế, phục hồi tâm lý, được học nghề và giới thiệu việc làm có thu nhập để ổn định cuộc sống, được tiếp tục đi học văn hóa.
Đặc biệt, họ mong muốn được gia đình, cộng đồng cảm thông chia sẻ với nỗi đau mà họ phải chịu đựng, không phán xét họ tại sao họ lại bị lừa và mong muốn kẻ phạm tội phải chịu sự trừng phạt của pháp luật”, ông Nguyễn Tường Long cho biết./.
Theo Nguyễn Trang (Vov.vn)