Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh vừa ra quyết định phục hồi điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phục hồi điều tra bị can đối với Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (bạn thân của Phương Nga).
Trước diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án “đại gia và người đẹp” này, dư luận quan tâm về việc giám định các tài liệu liên quan đến vụ án có phức tạp hay không? Và trong thời gian sau gần 1 năm tạm đình chỉ điều tra vụ án, đến nay lại khôi phục điều tra thì có phù hợp không…?
Xung quanh vấn đề giám định tài liệu, chữ viết trên nilon, dưới góc nhìn của một chuyên gia về kỹ thuật hình sự, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật hình sự, trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân I cho biết, đây là trường hợp khá đặc biệt, bởi vụ án được dư luận rất quan tâm.
“Trên thực tế, ở Việt Nam, trong các vụ tranh chấp dân sự đã xảy ra các trường hợp tương tự về chữ viết trên ấn phẩm nilon, nhưng ở quy mô, tính chất lớn như thế này thì rất hiếm. Việc giám định chữ viết bằng hóa học trên nilon cũng khá phức tạp. Nó còn tùy thuộc vào đặc tính cấu trúc bề mặt vật liệu nilon là PE, PS hay PP… Nó có độ nhàu khác nhau hoặc tùy cách bảo quản như thế nào và khi nó không còn nguyên trạng nữa thì sẽ khó khăn hơn khi giám định”, Đại tá Sơn chia sẻ.
Còn theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp của Công an TP.Hà Nội phân tích: “Đối với việc phục hồi điều tra trở lại, trong luật quy định, khi không còn căn cứ để tạm đình chỉ thì cơ quan tố tụng có thể phục hồi điều tra để giải quyết tiếp”.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nhìn nhận: “Trong vụ này, theo như tôi được biết qua báo chí, khi tòa trả hồ sơ để điều tra lại thì có liên quan đến việc giám định tài liệu, trong đó có những thư thông cung. Vì vậy, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định lại các tài liệu đó. Tuy nhiên, việc giám định này rất phức tạp, bởi vì nó không phải viết trên giấy thông thường mà viết trên nilon.
Cho nên việc giám định khó khăn hơn và phải tốn nhiều thời gian, không thể hoàn thành ngay được. Trong khi đó, việc điều tra thì có thời hạn, vì thế khi hết thời hạn điều tra mà vẫn chưa có kết quả giám định, cơ quan tố tụng có thể tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can để chờ kết quả giám định. Và khi có kết quả giám định rồi, lúc đấy không còn căn cứ tạm đình chỉ nữa thì người ta phục hồi để điều tra thôi. Trong thời gian gần 1 năm sau phục hồi điều tra lại thì cũng bình thường, thậm chí lâu hơn vẫn được. Khi nào hết lý do tạm đình chỉ thì phục hồi điều tra”.
Theo Nguyễn Hường (Người Đưa Tin)