Những năm 90 của thế kỷ trước, những vụ án cướp tài sản bằng phương pháp đánh thuốc mê, thuốc độc đã từng gây xôn xao dư luận các tỉnh thành phía Nam. Đặc biệt khi Trần Thị Chắc - "phù thủy gây mê" khiến hàng chục người bị hại, thậm chí còn có người phải bỏ mạng bị bắt giữ lại càng cho thấy được sự nguy hiểm cũng như tàn độc của loại hình tội phạm này.
Trần Thị Chắc đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân 17 tỉnh thành phía Nam trong vòng nhiều năm trời mới bị sa lưới. Trong khoảng thời gian đó đã có 5 người phải bỏ mạng, gần 80 người bị gây mê, đầu độc, hàng loạt tài sản có giá trị lớn bị đánh cắp. Và những tưởng sau khi "phù thủy gây mê" này bị bắt giữ và nhận bản án cao nhất, những đối tượng đã đang sử dụng loại phương thức gây án "không hung khí" này sẽ thu tay.
Thế nhưng chỉ một vài năm sau, đã tiếp tục xuất hiện một "phù thủy gây mê" khác với thủ đoạn còn tàn độc hơn gấp nhiều lần Trần Thị Chắc khiến dư luận cả nước không khỏi rúng động. 13 người là nạn nhân đã phải bỏ mạng dưới bàn tay của "sát thủ" này. Và một lần nữa, người gieo rắc những cái chết đầy tức tưởi, oan khuất cho các nạn nhân lại là một người phụ nữ với vẻ ngoài xinh đẹp, giọng nói dễ nghe lại khiến dư luận không khỏi phẫn nộ, sợ hãi khi biết "chân dung" hung thủ.
Những cái chết bí ẩn liên quan đến người phụ nữ tên Vân
Vào chiều 28/6/2000, bà Trần Thị Xinh - chủ xe khách mang BS: 53L-32xx, mặt mày tái nhợt, chân tay lạnh, co rúm rồi ngất xỉu phải nhập viện khẩn cấp tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Tại BV, các bác sĩ xác định bà Xinh bị “ngộ độc thức ăn”, các bác sĩ tiến hành cấp cứu, cho bà nằm lại để điều trị và hôm sau, 29-6-2000 bà dần dần hồi phục.
Thế nhưng 2 ngày sau, vào ngày 1/7/2000 trong lúc đến bến xe Miền Đông để đi viếng tang ông Nguyễn Văn Đông (SN 1955, ngụ Bình Dương) là tài xế lái thuê cho xe khách nhà mình thì bà Xinh lại một lần nữa ngất xỉu, gục xuống bàn và bất tỉnh ngay trước cổng bến xe. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng vào 9 giờ 15 phút cùng ngày bà đã qua đời ở bệnh viện.
Và điều kì lạ là trước đó, vào ngày 29/6/2000, thời điểm bà Xinh đang nằm viện tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, ông Đông lúc này vẫn còn sống và đã đến thăm bà Xinh, tuy nhiên trong cùng ngày ông Đông bất ngờ bị đột ngột quỵ và hôn mê. Mặc dù được các bác sĩ tập trung cấp cứu nhưng ông Đông cũng đã không qua khỏi.
Hai người quen biết nhau đang khỏe mạnh bỗng dưng bị ngất rồi tử vong đã tạo ra không ít sự hoài nghi cho người thân các nạn nhân lúc bấy giờ. Thế nhưng, chưa kịp làm sáng tỏ sự hoài nghi đó thì vào ngày gia đình đang tổ chức đám tang cho bà Xinh thì bất ngờ một người phụ nữ tên là Lê Thanh Vân xuất hiện.
Những tưởng người phụ nữ này đến để chia buồn cùng gia đình nhưng bất ngờ người này lại đưa ra một tờ giấy viết tay với nội dung bà Xinh đã bán cho Vân chiếc ô tô khách mà gia đình bà Xinh đang sở hữu với giá 200 triệu đồng. Thời gian bán là 5 ngày trước đó. Lúc này một số người quen với bà Xinh khi còn sống đã nhận ra người phụ nữ này.
Họ cho biết, người phụ nữ này thường đi xe khách của bà Xinh và có quen biết với cả ông Đông, thậm chí người này còn nhận bà Xinh là “mẹ nuôi”. Tuy nhiên, vào thời điểm bà Xinh vừa mất, người phụ nữ này đã đến yêu cầu gia đình giao tài sản đã thỏa thuận khi bàn Xinh còn sống, khiến thân nhân của bà Xinh không khỏi nghi ngờ.
Do đó, ông Phạm Văn Thanh - chồng bà Xinh, đã làm đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, đề nghị điều tra làm rõ cái chết “bất đắc kỳ tử” của vợ ông, cũng như tài sản của gia đình là chiếc xe khách mà Vân đã quản lý.
Nhận được đơn thư từ gia đình bà Xinh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng vào cuộc điều tra. Quả nhiên, 2 cái chết của ông Đông và bà Xinh có rất nhiều điểm đáng ngờ.
Theo đó, cơ quan CSĐT đã điều tra được, vào tối ngày ông Đông tử vong (29/6), khi ông Đông vào bệnh viện thăm bà Xinh thì Lê Thanh Vân cũng có mặt tại đây. Trước đó 1 ngày (28/6/2000), trước khi xe xuất bến tại Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, bà Xinh có ngồi uống nước ngoài cổng bến xe và lúc này Vân cũng có mặt. Tuy nhiên, sau khi uống xong cốc chanh muối, bà Xinh có biểu hiện nôn ói, khó chịu, mệt mỏi. Đến chiều cùng ngày, khi đã xuống TP.HCM, bà Xinh đã “ngất xỉu” khi cùng Vân ăn hủ tiếu tại bến xe Miền Đông. Đây chính là ngày mà bà Xinh được đưa vào cấp cứu BV Gia Định.
Từ những dấu hiệu này của 2 nạn nhân gặp phải khiến cơ quan điều tra không khỏi nghi ngờ việc các nạn nhân cũng bị “đánh thuốc mê quá liều” như “phù thủy gây mê” Trần Thị Chắc đã ra tay trước đó ở Bình Thuận?
Để làm sáng tỏ, ngày 2 và 3-7-2000, CQĐT khám nghiệm tử thi hai nạn nhân, gửi mẫu đến Phân viện kiểm nghiệm của Bộ Y tế giám định. Tuy nhiên, việc giám định thường kéo dài trong lúc đối tượng nghi vấn có thể “biến mất” bất cứ lúc nào và biết đâu lại gây thêm án mới. Muốn đối tượng không trốn được, chỉ có cách là phải bắt giữ. Song dựa vào cơ sở nào để bắt giữ Vân mà không vi phạm pháp luật? Tình huống xử lý khó làm đau đầu Ban chuyên án.
Trong quá trình chờ đợi kết quả khám tử thi, cơ quan điều tra cũng đã tiến hành xác minh về nhân thân của người phụ nữ tên Lê Thanh Vân này. Quả nhiên, quá khứ của người phụ nữ này khiến cơ quan điều tra cũng phải kinh sợ.
Theo đó, Lê Thanh Vân có một quá khứ đáng sợ với một lô tiền án, tiền sự: tháng 12-1979 bị Công an Q10 bắt về hành vi giả danh đại úy quân đội để lừa đảo; tháng 3-1990 bị Công an Q5 bắt về tội giả mạo cấp bậc, chức vụ, giấy chứng nhận, tài liệu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, bị phạt 18 tháng tù và ngày 17-5-1993, Vân lại bị Tòa án Q10 xử phạt 4 năm tù về tội lừa đảo. Bản án này có thể đã nặng hơn nếu như có đủ chứng cứ chứng minh Lê Thanh Vân đầu độc giết chị Bùi Chung (ngụ tại P.11, Q.10).
Chị Bùi Chung cũng đã "đột ngột" tử vong sau khi được Lê Thanh Vân chăm sóc tại bệnh viện sau khi bị "ngộ độc" mì gà vào ngày 24/10/1992. Lúc này mọi người trong gia đình chị Chung đều bị ngộ độc nhập viện nhưng riêng Vân vẫn bình an vô sự. Một vài ngày sau, chị Chung "bất ngờ" tử vong dù trước đó đã dần hồi phục.
Ngay sau đó, gia đình chị Chung tố cáo Vân lừa đảo chiếm đoạt tiền và đầu độc giết chết chị Chung. Kết quả giải phẫu tử thi do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện, cũng xác định chị Chung chết trong trạng thái choáng nhiễm trùng, nhiễm độc. Nhận thấy tố cáo là có cơ sở, Công an Q10 đã đề nghị Phòng CSĐT Công an TP.HCM phối hợp điều tra, nhưng do không đủ chứng cứ nên tòa án chỉ kết án được Vân về tội danh lừa đảo.
Trong khi việc điều tra vụ ông Đông - bà Xinh vẫn chưa có kết quả thì CQĐT ghi nhận thêm một cái chết tương tự khác có “dính” đến Lê Thanh Vân, xảy ra trước đó.
Ngày 6-4-2000, anh Nguyễn Thanh Sơn (ngụ xã An Linh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) cùng vợ chồng người em trai là Nguyễn Thanh Tuấn và vợ chồng người chị lên huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước khai thác cây rừng. Trong quá trình đi rừng, anh Sơn có quen biết một người phụ nữ tên là Lee Ly Lan.
Sáng 9-4, quá trình nấu đồ ăn sáng, Lan có nấu thêm cho anh Sơn một phần. Dọc đường đi anh Sơn bị ói mửa và kêu chóng mặt, nhức đầu. Vào nhà ông Sang nghỉ đến sáng 10-4, Sơn nói trong người không được khỏe nên mấy chị em đi trước còn anh và Lan ở lại, hẹn sẽ theo sau. Thế nhưng đến ngày 14-4, Nguyễn Thanh Tuấn nhận được tin Sơn đã chết, anh liền quay lại xã Thọ Sơn gặp Lan rồi cùng về Phú Giáo để lo đám tang cho anh mình.
Liên tục những cái chết bí ẩn của nhiều người đều có liên quan đến người phụ nữ tên Vân này, đặc biệt trong vụ án mới nhất liên quan đến bà Xinh, cơ quan điều tra cũng đã xác minh thấy Lê Thị Vân hoàn toàn không có khả năng tài chính để mua ô tô và tờ “giấy bán xe” của bà Xinh được chuyển đến Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TP.HCM giám định, được xác định là... giấy gian.
Các tình tiết trùng hợp cộng với kết quả giám định cho thấy khả năng Lê Thanh Vân có ý đồ chiếm đoạt chiếc xe BS: 53L-3259 rất có thể thị đầu độc nạn nhân nên đã triệu tập người đàn bà này.
Tuy nhiên, những kết quả giám định từ những chất độc thu được từ người đàn bà này không tìm thấy độc chất trong mẫu (phủ tạng ông Đông, bà Xinh) theo kết quả giám định từ Bộ Y tế trả về, dẫn đến việc không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn, nên chỉ có thể trả tự do, cho Vân được tại ngoại từ ngày 15-1-2001.
Trong lúc Ban chuyên án đang tìm cách để áp dụng biện pháp ngăn chặn nhằm phòng ngừa thị gây án mới nhưng cũng mất gần hai tháng sau, mới tìm được biện pháp phù hợp thì người đàn bà này đã kịp liên quan đến vụ chị Vi Thị Thanh (ở ấp 3, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị “mất tích”.
Và lần này, dưới những chứng cứ không thể chối cãi, Lê Thanh Vân đã phải khuất phục, khai nhận tội ác đầu tiên của mình.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm bị bắt trở lại vào tháng 10/2001, Lê Thanh Vân đã khiến cơ quan điều tra cũng phải khiếp sợ trước những "thành tích" dày đặc liên quan đến các vụ án trong quá khứ của người đàn bà này.
Cùng với vụ ông Nguyễn Văn Đông, bà Trần Thị Xinh, anh Nguyễn Thanh Sơn, vụ chị Bùi Chung, CQĐT còn ghi nhận thêm những vụ chết người khác có liên quan trực tiếp đến Vân.
Đó là vụ ông Nguyễn Trung Dzu ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM; bà Đào Thị Có tức nghệ sĩ Kim Cúc, trú phường Cô Giang, Q.1, TP.HCM, tạm trú tại thị trấn Trảng Bom, huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Tuy nhiên dù đã “trở lại” trại, xét hỏi thuận lợi hơn nhưng do người đàn bà này vẫn không thừa nhận những vụ án trên có liên quan đến mình nên cả mấy tháng sau, việc điều tra vụ án vẫn không tiến triển và những cái chết bí hiểm vẫn chưa được làm sáng tỏ. Điều đó khiến cho BGĐ CA tỉnh Bình Dương như ngồi trên đống lửa.
Chuỗi "án mạng" liên quan đến người đàn bà này vẫn chưa dừng lại ở đó.
Tháng 5/2002, CSĐT CA tỉnh Bình Dương nhận thêm nhiều thông tin về những cái chết bất đắc kỳ tử ở các nơi có liên quan đến Vân, trong đó đơn của chị Vũ Thị Nga ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Q3, có chồng là Trần Văn Khôi chạy xe ôm đi từ ngày 9-6-2001 đến nay không thấy về.
Ngoài ra, còn có những cái chết bí hiểm khác “dính” tới Lê Thanh Vân, như cái chết của anh Lê Văn Cẩm, SN 1963, ngụ P1Q8; ông Võ Hữu Khiêm ở phường 2, Q. Tân Bình; chị Hồ Thị Mộng Đào ngụ P1Q11... Thông tin liên quan nhiều nhưng Lê Thanh Vân vẫn trơ như đá, thời gian cho phép tiến hành điều tra thì không phải là vô hạn, CSĐT CA tỉnh Bình Dương đề nghị cho chuyển vụ án lên Bộ CA vì là án phức tạp, xảy ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều địa phương.
Ngày 7-1-2003, CSĐT Bộ Công an sơ kết điều tra vụ án, đưa ra mọi chi tiết để xem xét, đánh giá, xác định có đủ cơ sở khẳng định Lê Thanh Vân liên quan trực tiếp đến cái chết của Bùi Chung, Lê Văn Cẩm, Hồ Thị Mộng Đào, Võ Hữu Khiêm, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Văn Đông, Trần Thị Xinh, Đào Thị Có, Vi Thị Thanh và Trần Văn Khôi.
Thủ đoạn tàn độc
Ngày 1-9-2004, TAND tỉnh Bình Dương đưa Lê Thanh Vân ra xét xử, tuyên phạt mức án tử hình. Mặc dù sau đó, Lê Thanh Vân đã có đơn kháng cáo lên Chủ tịch nước nhưng với tội trạng quá tày đình, ngày 4-10-2005, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1159 bác đơn xin ân giảm án tử hình đối với Vân.
Đây là cái giá phải trả hoàn toàn xứng đáng cho những tội ác tày đình mà người phụ nữ này gây ra.
Nếu như có “danh sách tội phạm tàn ác nhất lịch sử tố tụng Việt Nam” thì Lê Thanh Vân có lẽ sẽ không nằm ngoài danh sách.
Chỉ trong thời gian khoảng 3 năm, Vân đã cướp đi sinh mạng của 13 người và khi xuống mồ, thị còn để lại một bản danh sách hàng loạt những cái chết đầy bất ngờ, bí ẩn khác với việc liên quan trực tiếp đến 8 vụ án khác gồm 16 người bị đầu độc, trong đó có 3 người chết, 13 người thoát chết nhờ được cấp cứu kịp thời.
Từng xử nhiều vụ án giết người nhưng với ông Nguyễn Dũng, nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Bình Dương thì vụ án của Lê Thanh Vân thực sự là một vụ oán không thể nào quên trong cuộc đời làm công tác xét xử. Trải qua hàng ngàn vụ án nhưng “kỳ án phù thủy” Lê Thanh Vân là trường hợp khiến ông không khỏi ám ảnh bởi thủ đoạn gây án hết sức tàn độc.
Thủ đoạn gây án của Lê Thanh Vân là không “đụng hàng” với bất kỳ vụ án bằng phương pháp gây mê, đầu độc trước đây. Vân chỉ dùng chất độc xyanua. Và không ít người thắc mắc về loại hoá chất này. Tại sao Vân sử dụng liên tục trong vòng 4 năm, giết 13 mạng người mà Cơ quan điều tra vẫn không tìm thấy chất độc trong tử thi các nạn nhân?
Xyanua được xếp vào danh mục hoá chất rất độc hại, làm tê liệt hô hấp tế bào, chỉ cần một lượng cực nhỏ ở mức 0,15-0,20 gram là gây tử vong cho người lớn. Nạn nhân khi trúng độc sẽ có biểu hiện bất tỉnh, cứng gáy, thở ngắt quãng rồi ngừng thở, ngừng tim. Chính những đặc tính "lợi hại" như vậy, chất độc này đã được phát xít Đức sử dụng để thảm sát tù nhân trong Thế chiến 2.
Một đặc tính của xyanua là sau khi tiêu diệt sự sống liền “biến mất”. Và Lê Thanh Vân lại là người có chút kiến thức về y học nên đã lợi dụng điều này để phục vụ cho mục đích của mình.
Cơ quan điều tra nhiều lần tiến hành thực nghiệm chất độc trên động vật 4 chân với liều lượng độc tố từ nhẹ đến nặng nhưng kết quả vẫn không thấy xyanua.
Nguyên nhân là do các chất đường và Andehit phá huỷ xyanua nên liều lượng nếu tìm thấy nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế. Vì thế, các nạn nhân của Vân dù được khám nghiệm tử thi nhưng cán bộ pháp y đều không tìm thấy chất độc. Sự hung bạo của Vân cộng thêm sự “lợi hại” của xyanua khiến tính chất, quy mô của vụ án trở nên phức tạp do Cơ quan điều tra gặp rất nhiều khó khăn.
Trong một lần bị bắt, cơ quan công an đã khám xét được trong túi xách của Vân có một gói hóa chất màu vàng được giám định là hóa chất kịch độc đối với con người. Chỉ cần một lượng nhỏ từ 0,15 đến 0,20 gram là đủ làm chết một người có trọng lượng 70-90 kg. Thử nghiệm chất độc này đối với chó thì khoảng 7 phút sau chó chết. Điều này đủ để thấy được sự tàn độc của người phụ nữ này kinh hoàng đến mức độ nào.
Sau này khi bị bắt và đưa ra xét xử, Lê Thanh Vân tiếp tục khiến mọi người kể cả Thẩm phán không khỏi lạnh gáy về "hung khí" gây án trong các vụ án trước đây. Đó là một chiếc lọ nhựa chứa 2,802 gram bột chất độc xyanua (đủ để giết chết khoảng 20 người khoẻ mạnh).
Thế nhưng trước sự xét hỏi của Thẩm phán Trần Văn Tong, Chủ toạ phiên toà, Vân vẫn nói dối không ngượng miệng:
“Đó là lọ thuốc tang vật trong một vụ án xảy ra ở tỉnh Bình Thuận. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận và bác sĩ Lâm Thiên Tr. (công tác ở Bệnh viện Y Dược Tp. Hồ Chí Minh) nhờ bị cáo mang đi giám định để giúp bên Công an… phá án. Chẳng qua vì “tình người”, vì tin tưởng nên bị cáo nhận lời giúp chứ bị cáo đâu có biết đó là loại chất gì”.
Nhưng thứ “tình người” qua tay Lê Thanh Vân lại biến thành tội ác không thể dung thứ. Toàn bộ 13 nạn nhân vì được hưởng “tình người” của Vân mà không ai còn sống sót.
Trong số 13 nạn nhân "lìa đời" dưới tay Vân, có những người đã gần đất xa trời, thậm chí còn là người có "ân" với hung thủ.
Hành vi của Lê Thanh Vân là dã man, tàn bạo ngoài sức tượng tượng, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến toàn bộ xã hội phải căm phẫn. Do đó Tòa áp dụng hình phạt cao nhất đối với Lê Thanh Vân để giữ gìn trật tự trị an, an toàn xã hội là hoàn toàn tương xứng.
Theo Hạ Vũ (Nhịp Sống Việt)