Ngày 20/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục của Sở GDĐT Hà Giang, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự.
Ông Lương bị cáo buộc liên quan đến việc nâng điểm cho 114 bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia của thí sinh trên địa bàn, trong đó có con của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.
Rất khó để một mình ông Lương làm
Trước đó, khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2018, mạng xã hội xuất hiện thông tin nghi vấn điểm thi của Sở GD&ĐT Hà Giang.
Ở khối thi A1, Hà Giang có 36 bài thi đạt trên 27 điểm, trong khi cả nước chỉ có 76 học sinh đạt mức điểm này. Như vậy, Hà Giang (với 5.000 thí sinh) chiếm tới gần một nửa số bài thi đạt trên 27 điểm của cả nước.
Nói với Zing.vn, nhiều thí sinh ở Hà Giang cho rằng kết quả không phản ánh đúng lực học thực chất của nhiều học sinh. Có tình trạng thí sinh học không nổi trội lại đạt điểm cao bất thường hơn cả những người được đi thi quốc tế.
Sau khi xác minh, hôm 17/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết kết quả xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng thuộc Sở GD&ĐT Hà Giang, là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.
Về việc sửa điểm, đại diện Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83 - Bộ Công an), nói ông Vũ Trọng Lương được Sở GD&ĐT Hà Giang phân công sử dụng máy tính để quét bài thi trắc nghiệm. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, ông Lương đã tải đáp án về và lưu trong máy.
Điều tra ban đầu cho thấy lúc này, có nhiều tin nhắn gửi số báo danh thí sinh và mức điểm đến số điện thoại ông Lương để nhập vào máy tính. Quy trình thực hiện khoảng 6 giây cho một trường hợp.
Ông Khương cũng cho hay quy trình thanh tra của Bộ GD&ĐT, sở và của công an giám sát chưa chặt chẽ khi để ông Lương xử lý tất cả, trong khi thành viên ban giám sát ở đó. Những thành viên tham gia về cơ bản không nắm được thao tác, quy trình nên để ông Lương qua mặt.
Ông Lương đã có thời gian hơn 2 giờ (từ 12h đến 14h38 ngày 27/6) chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về phòng khảo thí. Trong thời gian này, ông này đã mở ổ khoá niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án.
Quá trình theo dõi lại camera lắp tại Sở GD&ĐT Hà Giang chưa phát hiện thêm cá nhân nào cùng tham gia với ông Lương trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, A83 nhận định rất khó để một mình ông Lương có thể làm hết những việc như vậy trong khoảng thời gian đó.
Chiều 19/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ việc về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự.
'Các cháu không có lỗi gì cả'
Theo thống kê, có 102 bài thi Toán đã chênh từ 0,1 đến 8 điểm, 85 bài thi Vật lý chênh từ 1 đến 7,75 điểm, 56 bài thi Hóa học chênh lệch từ 1 đến 8,75 điểm. Môn Sinh có 8 bài thi chênh từ 1 đến 4,25 điểm, môn Lịch sử và tiếng Anh lần lượt có 9 và 52 bài thi đã chênh lệch từ 1 đến đến 7,8 điểm.
Kết quả ra soát cho thấy 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng điểm đã chênh lệch từ hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với thí sinh chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh được tăng lên 26,8 điểm; thậm chí 29,95 điểm so với bài chấm thẩm định.
Trước khi vụ việc phanh phui, phụ huynh, học sinh phản ánh, một trong số những thí sinh có điểm cao bất thường được cho là con của một lãnh đạo tỉnh Hà Giang.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn trong buổi họp báo chiều 17/7 về vấn đề trên, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang, cho hay việc con của lãnh đạo tỉnh dự thi THPT quốc gia là điều đương nhiên. Kỳ thi có rất nhiều đối tượng dự thi, trong đó có cả con lãnh đạo.
Tuy nhiên, không có lãnh đạo nào nói phải làm việc để đưa con họ vào trường nào cả. Vì vậy, sai ở đâu, sai ở điểm nào, ai sai, cơ quan điều tra đang làm việc.
Có con nằm trong danh sách được nâng điểm lần này, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, cho biết con gái ông học ở trường chuyên của tỉnh. "Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”, Bí thư Hà Giang nói.
Vị lãnh đạo tỉnh Hà Giang chia sẻ con gái ông học chuyên Anh Văn, nằm trong top đầu của lớp. Về việc có xin điểm hay không, ông cho biết đang nắm thông tin xem lãnh đạo hay ai đó nhắn tin để thực hiện việc can thiệp điểm thi THPT ở Hà Giang.
Bên cạnh đó, Bí thư Triệu Tài Vinh nhận định cần nhìn nhận đúng xem các cháu học như thế nào, chứ cứ nhìn hình ảnh con lãnh đạo thì các cháu xấu cả là không được.
“Các cháu không có lỗi gì cả. Con tôi năm nay thi tốt nghiệp như thế này không phải lỗi của cháu, không phải lỗi của tôi. Báo chí cần định hướng tốt để dư luận có cái nhìn tốt nhất, con lãnh đạo nói chung chất lượng học có đúng như thế không mới là quan trọng”, ông mong muốn.
Có sự bao che, tiếp tay của người khác?
Đề cập vụ việc, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An) cho rằng hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng.
Trường hợp người thân học sinh nhờ cán bộ nâng điểm và kèm theo đó là việc trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ đưa tiền, lợi ích khác cho ông Lương thì có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ, quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Hình phạt cao nhất đối với tội này lên đến 20 năm nếu của hối lộ (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác) trị giá 1 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhờ mang tính chất tình cảm, không có việc đưa hối lộ thì có thể không bị xem xét về tội này. Việc có đưa hối lộ hay không do cơ quan điều tra tiến hành toàn diện, khách quan chứ không chỉ căn cứ vào lời khai từ phía phụ huynh học sinh.
Luật sư Vinh nói nếu ông Lương có hành vi nhận hoặc sẽ nhận tiền, lợi ích vật chất khác để nâng điểm cho học sinh thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Nhận hối lộ. Tôi này có khung hình phạt cao nhất đến tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ 1 tỷ đồng.
Còn tiến sĩ luật Lê Văn Thiệp (Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư Hà Nội) đặt ra nghi vấn với khoảng thời gian 2 giờ để quét từng bài thi vào máy tính rồi chỉnh sửa điểm cho hơn 114 thí sinh theo thông tin được cung cấp trước, không phải sắp xếp theo vần thứ tự, thì việc đó không có khả năng thực hiện.
Ông Thiệp đánh giá trong vụ việc này, có thể có sự bao che, tiếp tay của một số người khác để ông Vũ Trọng Lương trực tiếp thực hiện việc sửa, nâng điểm cho thí sinh. Thậm chí, có cả sự tham gia của bộ phận giám sát.
"Một cá nhân không thể thực hiện được việc sửa điểm trong khoảng thời gian đó. Vụ việc nhất định phải có đồng phạm, phải có người tiếp tay", luật sư Thiệp nhận định.
Điều 356: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Theo Bá Chiêm (Tri Thức Trực Tuyến)