Những phát ngôn ấn tượng
Vụ án chuyến bay giải cứu đang trong phần xét hỏi. Dư luận đang rất quan tâm và theo dõi về phiên tòa đặc biệt này.
Nói là đặc biệt vì nó rơi vào hoàn cảnh “đặc biệt”, đối với những công dân “đặc biêt”- chạy đại dịch Covid- 19. Trong vụ án, quan chức cấp cao có thứ trưởng, phó chủ tịch tỉnh, còn lại là cấp hàm vụ trưởng như phó giám đốc công an, cục trưởng,…
Nhìn tổng quát, vụ án có thể chia thành hai nhóm đối tượng: Đưa và nhận hối lộ. Trong 54 bị can thì có đến 21 bị can bị truy tố về tội nhận hối lộ; 23 bị can bị truy tố về tội đưa hối lộ; 8 bị can còn lại là môi giới hoặc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn. Tội danh cụ thể ra sao, mức án thế nào sẽ được tòa xét xử công khai và sẽ bị truy tố.
Chỉ sau 4 ngày xét xử, đã xuất hiện những phát ngôn ấn tượng của các bị cáo là quan chức. Đây mới chỉ là những lời khai ban đầu, chắc chắn sau này sẽ còn những phát ngôn ấn tượng khác.
Trong phần trả lời xét hỏi của Toà án, ông cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng 59 tuổi, là người đầu tiên bị xét hỏi và là một trong 8 cựu quan chức Bộ Ngoại giao bị truy tố tội nhận hối lộ.
Ông Tô Anh Dũng biện minh: “Khi nhận tiền, bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật” và giải thích: “Bị cáo không dám làm gì sai để lợi dụng nhận tiền doanh nghiệp, bị cáo không liên kết, bàn bạc với ai hay gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gặp, bị cáo cũng không đòi hỏi gì”.
“Không nhận thức được nhận tiền là vi phạm pháp luật” là câu phát ngôn ấn tượng nhất. Chưa bàn đến Luật phòng chống tham nhũng tiêu, cực hành, ngay 19 điều đảng viên không được làm cũng đã quy định rất rõ. Trong điều 15, đã cấm tuyệt đối không nhận quà cáp dưới mọi hình thức để tác động đến người khác dẫn đến quyết định sai. Là lãnh đạo một bộ quan trọng bậc nhất mà ông lại không nhận thức được thì ông lãnh đạo ai?
Ông Trần Văn Tân là cựu Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, thuộc loại cán bộ trẻ nhất của nước ta và có trình độ cao. Khai trước toà ông cho rằng: “Bị cáo nhận thức rằng đây là tiền doanh nghiệp, không phải tiền ngân sách nên bị cáo nhận”.
Theo bị cáo Tân “Bị cáo cũng nghĩ sẽ trả lại Hằng (bà Hằng là Phó Giám đốc một công ty) trong lần nhận đầu tiên (600 triệu đồng - theo cáo trạng), nhưng sau đó phòng, chống dịch nhiều áp lực, thời gian trôi qua. Đồng thời, bị cáo cũng nghĩ theo quy định thì mình có trả lại tiền cho doanh nghiệp cũng có thời gian nhất định, nhưng lúc nghĩ tới thì đã qua thời hạn đó rồi nên không trả lại. Đây là sai sót của bị cáo".
Lời khai cho thấy ông Tân đã nghĩ đó không phải tiền ngân sách nên nhận cũng không sao, nhưng sau đó ông lại nghĩ trả lại. Có gì đó rất mâu thuẫn. Có gì thôi thúc, có gì đánh thức lương tâm ở đây chăng? Và chính đồng tiền đã có sự mê hoặc khủng khiếp nên không thể trả lại? Để sau đó lại tiếp tục nhận đến 9 lần với số tiền 5 tỷ đồng.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn cựu Phó GĐCA Hà Nội phạm tội do “tình thương”. Ông khai: “Tôi coi Hằng như em gái, tôi rất thương, khi Hằng đề nghị thì tôi nói để tôi liên hệ. Tôi sẽ hỏi anh em trên bộ có giúp gì không”.
Trước Tòa ông quả quyết mình là vô tư, là thương người: "Tôi nhận từ Hằng bao nhiêu tôi chuyển thẳng cho Hưng chứ không ghi chép gì cụ thể cả. Tôi rất vô tư trong chuyện này. Sau khi ngồi tính toán lại, tôi đã nhận của Hằng 2,650 triệu USD để lo việc".
Nhưng số tiền ấy ông có đưa đủ hay không lại là câu chuyện sẽ còn được làm rõ ở toà án.
Một cựu đại sứ, ông Vũ Hồng Nam, cũng có phát ngôn khá ấn tượng. Ông khai nhận: “Khi nhận được tiền, bị cáo đã hốt hoảng và xin được trả lại”. Nhưng thật trớ trêu, ông không trả lại được vì người đưa không nhận lại. Cũng chính là sự nể nang, mà nói như bị cáo là không kiên quyết, nên mắc sai lầm.
Do lòng tham dẫn dắt
Trên đây là những phát ngôn của quan chức của ta, những người đã từng là công bộc của dân, có người đã từng đi khắp Đông, Tây, Nam, Bắc, có người là cán bộ trẻ đang lên vậy mà lại có những phát ngôn, có những hành động “lạ” như vậy.
Nói là lạ vì nó khác với suy nghĩ của những người bình thường. Lạ vì có những hành động cũng khác phần đông bộ phận còn lại. Thật sự đây là đội ngũ cán bộ đã được trang bị đầy đủ trình độ, kiến thức về lý luận và về hoạt động thực tiễn.
Công tác chọn lọc cán bộ của ta cũng được thực hiện rất chặt chẽ. Ngày xưa là 3 bước, bây giờ là 5 bước, và công tác cán bộ là của cấp uỷ vậy tại sao vẫn còn đề lọt những cán bộ như vậy? Chúng ta thường nói phải chọn lọc thông qua thực tiễn, nghĩa là phải có thành tích đồng thời phải được đào tạo. Vậy chức vụ ấy, phát ngôn ấy liệu đã xứng đáng?
Chắc chắn một điều nữa họ đều là đảng viên. Luật chống tham nhũng đã được học, 19 điều đảng viên không được làm cũng đã được nghiên cứu, thế mà khi họ nhận tiền lại cho rằng không sai phạm, còn phân biệt nhận tiền doanh nghiệp thì không sai, chỉ có nhận tiền nhà nước thì mới sai? Phải chăng chuyện “hành doanh nghiệp” cũng từ nhận thức này? Và câu chuyện doanh nghiệp làm gì cũng đều phải lo lót xuất phát từ luận điểm này?
Thật ra bản chất vẫn là không thắng nổi đồng tiền. Vẫn bị đồng tiền chi phối. Khi nhận lần đầu, ông cựu Thứ trưởng còn nói chỉ nhận lần này thôi, nhưng tiếp đến những lần sau thì chính ông lại bị đồng tiền mê hoặc, dẫn lối.
Đúng là câu nói dân gian thật cay nghiệt nhưng cũng thật đúng: Việc gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.
Rõ ràng không phải do nhận thức mà do không thắng nổi lòng tham trước kim tiền. Tất cả là do lòng tham. Đồng tiền đã hạ gục ngã tất cả, đồng tiền đã biến họ thành con người khác, biến họ thành những người “nhìn nhau qua lỗ đồng xu”.
Rồi đây những người phạm tội sẽ phải nhận những hình phạt thích đáng về những hành vi của mình gây ra, song qua đây mới thấy công cuộc phòng chống tham nhũng vẫn còn rất cam go, những kiểu lo lót, chạy chọt như vậy vẫn còn đất để tồn tại.
Và cuộc chiến chống tham nhũng vẫn chưa thể nào ngừng nghỉ.
Theo Nguyễn Đăng Tấn (VietNamNet)