Tòa đã tuyên án phạt 6 bị cáo Nguyễn Văn Đài (sinh năm 1969, trú tại Khu tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 15 năm tù và phạt quản chế bị cáo Đài 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Phạm Văn Trội (sinh năm 1972, trú tại xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội) 7 năm tù, quản chế 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Nguyễn Trung Tôn (sinh năm 1972, trú tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) và Trương Minh Đức (sinh năm 1960, trú tại thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cùng bị phạt 12 năm tù, quản chế 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Nguyễn Bắc Truyển (sinh năm 1968, trú tại phường 4, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) 11 năm tù, quản chế 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Lê Thu Hà (sinh năm 1982, trú tại phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) 9 năm tù, quản chế 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Bản án sơ thẩm nhận định, hành vi của các bị cáo Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển đã thành lập và xây dựng “Hội anh em dân chủ” để lôi kéo những người có cùng quan điểm với mình hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân.
Bị cáo Trương Minh Đức và Lê Thu Hà không tham gia thành lập “Hội anh em dân chủ” nhưng khi bị lôi kéo vào Hội đã tích cực tham gia.
Tại phiên tòa, các bị cáo và các luật sư bào chữa cho rằng, việc các bị cáo sinh hoạt trên mạng Internet không thuộc trường hợp pháp luật cấm, nhóm sinh hoạt trên mạng không phải là thành lập hội.
Về điểm này, Hội đồng xét xử xác định: việc các bị cáo thành lập nhóm kín trao đổi, sinh hoạt thông qua mạng Internet, có nhiều người tham gia, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có cương lĩnh, điều lệ hoạt động, về bản chất đó là thành lập hội, là một tổ chức.
[Xét xử 6 bị cáo về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân]
Việc sinh hoạt thông qua mạng Internet chỉ là phương thức sinh hoạt của “Hội anh em dân chủ.” Thực tế, thông qua các buổi họp trên mạng Internet, “Hội anh em dân chủ” đã được kiện toàn cơ cấu tổ chức chặt chẽ, lôi kéo được nhiều người tham gia.
Mục đích của Hội này là đấu tranh nhằm thay đổi quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng. Đồng thời, đã bước đầu xây dựng lực lượng và đào tạo để có thể lãnh đạo đất nước khi các bị cáo đạt được mục đích.
Hành vi của các bị cáo không phải là đấu tranh cho dân chủ mà là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố các bị cáo về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, theo quy định tại Điều 79, Khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.
Hội đồng xét xử kết luận, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chính quyền nhân dân, do vậy cần xử lý nghiêm khắc để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Đài là người cầm đầu, giữ vai trò chủ mưu. Nguyễn Văn Đài đã cùng với các bị cáo Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Trần Đức Thạch thành lập “Hội anh em dân chủ.”
Từ khi thành lập, bị cáo Đài đã cùng bị cáo Trội phụ trách hoạt động ở khu vực miền Bắc, Đài được bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch thứ hai của “Hội anh em dân chủ” cho đến khi bị bắt.
Đài đã xây dựng Cương lĩnh hoạt động của “Hội anh em dân chủ”; bàn bạc, định hướng cách thức hoạt động, phát triển lực lượng, lôi kéo Lê Thu Hà tham gia “Hội anh em dân chủ”; đào tạo, hướng dẫn các thành viên về cách thức, kinh nghiệm hoạt động; lập dự án và liên hệ với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để vận động ủng hộ, nhận số tiền 71.726 USD và 9.161,31 euro tài trợ tài chính cho hoạt động của “Hội anh em dân chủ”; trực tiếp tuyên truyền chống Nhà nước.
Tại phiên tòa, bị cáo Đài chưa nhận thức được hành vi phạm tội, không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bản thân lại có tiền án về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên cần áp dụng mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác trong vụ án.
Bị cáo Phạm Văn Trội tham gia thành lập “Hội anh em dân chủ” và được bầu giữ vị trí Chủ tịch Hội này từ ngày 26/4/2015 cho đến tháng 12/2016 thì rút không tham gia “Hội anh em dân chủ.”
Tại phiên tòa, bị cáo Trội có thái độ khai báo thành khẩn và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, thể hiện sự ăn năn hối cải nên được Hội đồng xét xử cho áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Thêm vào đó, bị cáo Trội đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật nên đã tự bỏ không tham gia Hội, được coi là tình tiết tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo quy định tại Điều 16 - Bộ luật Hình sự 2015, nên được Hội đồng xét xử xem xét áp dụng mức dưới khung hình phạt cũng đủ tác dụng trừng trị, giáo dục bị cáo nói riêng, phòng ngừa tội phạm nói chung, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật./.
Theo PV (Vietnam+)