Cục Hải quan TP HCM cho biết, từ giữa năm 2017, Hải quan TP HCM lập hồ sơ 34 DN khai báo 149 tờ khai hải quan nhập khẩu (NK) phần mềm (trong năm 2016, 2017) với tổng trị giá 181 triệu USD và đã phát hiện một số DN dùng thủ đoạn buôn lậu mới hết sức tinh vi khai khống nhập khẩu phần mềm có giá trị lớn nhằm chuyển ngoại tệ trái phép ra nước ngoài.
Đặc biệt, cuối năm 2017, Cục Hải quan TP HCM khám xét 2 lô hàng nhập khẩu qua cảng Cát Lái, phát hiện 2 DN nhập khẩu gần 1.800 máy tính cũ; khai khống phần mềm trị giá gần 3,7 triệu USD.
Cụ thể, vào ngày 18-12-2017, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tin học Nguyên Thảo mở tờ khai hải quan, khai báo hàng hóa NK thiết bị linh kiện máy tính, phần mềm quản lý nhân sự, tờ giấy chứa phần mềm; trị giá lô hàng hơn 1,8 triệu USD, thuế nhập khẩu và thuế VAT trên 15 triệu đồng.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phong Nhi cũng khai báo hàng hóa tương tự như trên, trị giá lô hàng gần 1,9 triệu USD, thuế nhập khẩu và thuế GTGT trên 17 triệu đồng.
Kết quả khám xét 2 lô hàng trên, cơ quan Hải quan phát hiện, hàng không khai báo hải quan gồm: 1.873 máy tính xách tay, 51 ổ cứng, 21 CPU, 2 chiếc iPad, tất cả đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Hàng khai khống có trị giá lớn, gồm phần mềm quản lý nhân sự và phần mềm kế toán trị giá 3.675.000 USD.
Cơ quan hải quan đã có đầy đủ căn cứ chứng minh việc khai khống NK hàng hóa có trị giá lớn của các DN nhằm chuyển tiền bất hợp pháp. Quá trình xác minh, xử lý vụ việc rất phức tạp, khó khăn do liên quan đến nhiều cơ quan.
Hải quan TP HCM đã có văn bản báo cáo Tổng cục Hải quan báo động về tình trạng thành lập “công ty ma” để phạm pháp và đề nghị được hỗ trợ trong việc phối hợp với các bộ, ngành, ngân hàng, cơ quan liên quan trong quá trình xác minh, xử lý theo trình tự pháp luật...
Theo đại diện Phòng Thanh tra - Kiểm tra (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh), 34 DN nêu trên khả năng cao là “DN ma”, thành lập ra để trục lợi thông qua hoạt động NK hàng hóa.
Cơ quan Hải quan đã tổ chức xác minh trụ sở đăng ký kinh doanh của 4/34 DN nghi vấn cho thấy: Tại địa chỉ đăng ký thành lập của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phong Nhi và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tin học Nguyên Thảo là một công ty chuyên cho thuê địa chỉ ảo; Công ty TNHH Thương mại XNK Hán Nguyên thì địa chỉ công ty đăng ký thành lập để hoạt động và khai báo trên tờ khai là không có thật, không liên hệ được với điện thoại…
Trước thực tế trên, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn 981/TCHQ-GSQL, chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các lô hàng nhập khẩu khai báo là phần mềm (như phần mềm kế toán, phần mềm đấu giá, phần mềm quản lý nhân sự,…) có giá trị lớn.
Phân luồng Đỏ kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra chi thực tế phần mềm sử dụng đối với những trường hợp này, phát hiện dấu hiệu nghi vấn thì kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn cụ thể.
Tổng cục Hải quan nhận định, một số DN có dấu hiệu chuyển ngoại tệ trái phép ra nước ngoài bằng thủ đoạn khai báo nhập khẩu khống phần mềm có trị giá lớn.
Theo đó, các DN nhập khẩu phần mềm này, đều có những đặc điểm như: Nhà XK chỉ là công ty thương mại, không phải công ty sản xuất phần mềm, tên hàng không rõ ràng, phần mềm được khai báo chung chung (phần mềm quản lý nhân sự, kế toán...), không có tên phần mềm cụ thể, không có nhà sản xuất, không có thời hạn sử dụng, thông tin về bản quyền và phương thức thanh toán là T/T (Telegraphic Transfer).
Bên cạnh đó, cách khai báo trên tờ khai cũng rất giống nhau về hình thức lẫn nội dung, chứng từ invoice, packing list, số lượng mặt hàng khai báo so với số trọng lượng của lô hàng không hợp lý.
Nhiều tiêu chí trên tờ khai khai báo sai, chữ ký giám đốc của một công ty tại các tờ khai hải quan có sự khác biệt, không thống nhất, có dấu hiệu giả mạo chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan…; Hàng hóa thực nhập khẩu là hàng đã qua sử dụng, chủ yếu là mặt hàng máy tính xách tay thuộc danh mục cấm nhập khẩu.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp nêu trên, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các lô hàng nhập khẩu khai báo là phần mềm (phần mềm kế toán, phần mềm đấu giá, phần mềm quản lý nhân sự...) có giá trị lớn.
Theo đó, phân luồng Đỏ kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra thực tế phần mềm sử dụng đối với những trường hợp này. Trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn thì kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn cụ thể.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, các DN này khả năng được thành lập nhằm mục đích lợi dụng chính sách nhập khẩu phần mềm thông qua vật chứa đựng (tách riêng trị giá phần mềm và trị giá vật chứa đựng) trên tờ khai hải quan với giá trị phần mềm rất cao để thực hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài bằng số tiền khai báo trên tờ khai hải quan đã được thông quan.
Lợi dụng chính sách quản lý phần mềm để nhập khẩu hàng hóa cấm nhập khẩu (thiết bị công nghệ thông tin đã qua sử dụng); Có dấu hiệu kê khai sai số thuế GTGT đầu vào và đầu ra (có dấu hiệu mua bán hóa đơn GTGT).
Theo Phan Đức (CAND Online)