Như tin đã đưa, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố bị can Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC; Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga (cùng em gái ông Quyết) và Hương Trần Kiều Dung, cựu phó chủ tịch Tập đoàn FLC, về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ngoài ra, có 16 bị can khác bị đề nghị truy tố tội Thao túng thị trường chứng khoán theo khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn xác minh dấu hiệu tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước của Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Trịnh Văn Quyết) và các đối tượng liên quan.
Cụ thể, ngày 29/3/2022, Bộ Công an thi hành lệnh khám xét tại Phòng Công nghệ thông tin, Văn phòng Công ty Tập đoàn FLC, trích xuất dữ liệu lưu trữ email [email protected] của Huế từ một máy chủ, phát hiện ngày 10-6-2020 có hình ảnh Công văn số 640/TTGSNH1. Đây là công văn ngày 2-6-2020 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài "Về việc đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp, kèm theo Danh sách 5 doanh nghiệp và 5 cá nhân đại diện pháp luật". Đáng chú ý, phía trên bên trái công văn được đóng dấu "Tối mật".
Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trưng cầu Cục An ninh chính trị nội bộ giám định Công văn 640 nêu trên, để làm rõ việc văn bản này có phải tài liệu bí mật nhà nước tại thời điểm ban hành không? Thuộc độ mật và danh mục bí mật Nhà nước trong lĩnh vực nào?
Vào cuộc xác minh, cơ quan chuyên môn xác định "mẫu giám định không phải là tài liệu bí mật nhà nước tại thời điểm ban hành". Do vậy, Bộ Công an kết luận hành vi lưu trữ hình ảnh bản photo là Công văn số 640 trong email của Trịnh Thị Minh Huế không đủ yếu tố cấu thành tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2016, các cổ đông thực tế chỉ đóng góp hơn 1.100 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty CP Xây dựng Faros với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong khoảng thời gian này, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân liên quan lập khống và ký khống hồ sơ và chứng từ góp vốn, làm tăng khống vốn chủ sở hữu của Công ty CP Xây dựng Faros lên 4.300 tỷ đồng.
Sau đó, các bị can đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros trên Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh để bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ hành vi phạm tội và ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với 4 bị can, gồm: Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung; cũng như ra Quyết định khởi tố bị can đối với 1 bị can Nguyễn Thiện Phú về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản," theo quy định tại khoản 4, Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngày 28/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra vụ án hình sự số 34 và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5). Cơ quan này đề nghị truy tố Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 211 và khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ủy thác điều tra cho 200 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thuộc các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương để tiến hành tiếp nhận đơn trình báo, xác minh, và ghi lời khai của các nhà đầu tư vẫn còn sở hữu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros.
Tổng hợp
PTH (SHTT)