Video Vũ 'nhôm' không nhận tội
Chiều 13/12, phiên xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79), ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á - DAB) và 24 bị cáo tiếp tục phần tranh luận.
Tự bào chữa bổ sung, giọng Vũ rành rọt, đôi lúc nghèn nghẹn: "Thực sự đến giờ phút này bị cáo rất mệt mỏi, nhưng không phải vì lý do sức khỏe mà bị cáo cảm thấy không được đối xử công bằng. Bị cáo cùng luật sư đã cố gắng hết sức để đưa ra các chứng cứ, tài liệu chứng minh vô tội nhưng hầu như VKS không quan tâm đến những chứng cứ này. Thực sự bị cáo rất buồn".
Về biên bản đối chất, Vũ cho rằng: "Có ăn gan trời cũng không dám nói sai cho cơ quan điều tra. Xin phép HĐXX cho bị cáo trình bày các nội dung liên quan. Nếu các chứng cứ đưa ra là vu khống, HĐXX có thể khởi tố bị cáo, nếu không mong tòa xem xét sai phạm của cơ quan tố tụng".
Vũ khai được đối chất với ông Bình sau khi nhận kết luận điều tra bổ sung. Tuy nhiên, Vũ và ông Bình không được ngồi đối diện hay đặt ra bất kỳ câu hỏi nào. Kiểm sát viên đã đập bàn quát tháo, nói Vũ "mày là thằng tù thì không có quyền đòi hỏi".
"Hôm đó cơ quan điều tra đã mớm cung cho anh Bình. Bị cáo có ghi không đồng ý về nội dung biên bản và cho biết không muốn nhận bản án mà mình hoàn toàn không có tội", Vũ khai.
Vũ cho biết thêm, sau buổi làm việc đã hỏi luật sư (thời điểm đó) của mình vì sao không phản ứng khi kiểm sát viên lăng nhục, ông này nói "mình là cá nằm trên thớt". Bị cáo vì thế đã làm đơn từ chối luật sư.
Đối với cáo buộc ký và nộp khống 200 tỷ đồng, Vũ tiếp tục kêu oan, khẳng định đây là khoản vay dân sự với ông Bình. Trong trường hợp không được đối chất tại tòa, Vũ muốn HĐXX và VKS làm rõ việc ông Bình có hay không cho mượn số tiền này.
"Nếu bị cáo và luật sư đưa ra những chứng cứ đúng thì mong VKS rút lại buộc tội. Còn không, VKS hãy đối chất với bị cáo tới cùng. Đừng đẩy bị cáo vào oan sai thì tội cho bị cáo", Vũ nói, giọng cương quyết.
Tới lượt mình, ông Trần Phương Bình xác nhận "trong phiên đối chất cán bộ điều tra có to tiếng, nhưng không đến mức khủng bố tinh thần" như Vũ nói. Ngoài ra, nguyên Tổng giám đốc DAB khẳng định không bàn bạc với ông Vũ về việc thu khống 200 tỷ, mà chỉ nghĩ rằng Vũ biết.
Khẳng định không bị ép cung, ông Bình cho biết khi làm việc với cơ quan điều tra từng khai dùng 200 tỷ đồng của DAB cho Vũ mượn. Nhưng cán bộ điều tra sau đó giải thích "nếu DAB cho vay thì phải có hợp đồng tín dụng cụ thể" nên ông đã khai lại rằng "cho Vũ vay".
Ngoài ra, ông Bình cũng phủ nhận việc thông cung. "Bị cáo đọc thấy nội dung khai với cán bộ điều tra phù hợp thì bị cáo ký", ông trình bày. Đối với yêu cầu xin đối chất của Vũ, nguyên Tổng giám đốc DAB cho rằng "không mang lại điều gì mà lại mất thời gian".
Tham gia tranh luận, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (tham gia bảo vệ Vũ từ lúc hồ sơ chuyển sang toà) cho rằng, VKS kết luận thân chủ vu khống cơ quan tố tụng là quá vội vàng. Theo luật sư, trong biên bản, Vũ thể hiện rõ đã bị điều tra viên và kiểm sát viên lăng mạ, sỉ nhục. Tuy nhiên, VKS chưa xác minh những người liên quan gồm luật sư của Vũ trong giai đoạn điều tra cùng hai cán bộ trại giam T16.
Đối với ý kiến của VKS cho rằng "tại sao trong biên bản, luật sư không nêu ý kiến", luật sư Trạch chỉ ra trong Luật Tố tụng Hình sự quy định rõ việc luật sư ngồi dự cung, nếu người lấy cung hỏi thì mới được có ý kiến. "Quy định này gây bất lợi cho bị can và cần được sửa đổi", luật sư đánh giá.
Khẳng định cơ quan điều tra vi phạm tố tụng, luật sư dẫn ra buổi đối chất không được ghi âm, ghi hình theo quy định. Ngoài ra, lời khai của ông Bình và Nguyễn Đức Vinh được đánh giá là "sinh đôi" khi có nhiều chỗ giống nhau từng dấu câu, cách xuống dòng.
Theo luật sư Trạch, biên bản đối chất không phải là vật chứng duy nhất để buộc tội bị cáo, song nó là thành tố quan trọng của chứng cứ. Từ đó, luật sư cho rằng cần cho các bị cáo đối chất tại tòa.
Đối với lập luận của VKS "trích xuất Vũ lấy lời khai do bị cáo liên quan đến nhiều vụ án khác", luật sư Trạch cho biết 3 vụ án mà thân chủ bị điều tra không liên quan đến C03 (Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an).
"Tôi nghĩ rằng vụ án này còn quá nhiều điểm cần phải làm rõ. Chứng cứ buộc tội thân chủ tôi rất mong manh", luật sư nhấn mạnh.
Về dân sự, luật sư Trạch đề nghị HĐXX không chấp nhận số tiền 292 tỷ đồng DAB yêu cầu Vũ bồi thường. Vì ngân hàng đã tính theo cách "lãi chồng lãi". Theo luật sư, tiền gốc 200 tỷ đồng cùng lãi 3,2 tỷ (tính từ 17/1/2014 đến 15/5/2014) đã được Vũ trả lại cho ông Bình đầy đủ.
Đối với 13,4 triệu USD, luật sư cho rằng đây là khoản tiền của Vũ vay ông Bình. "Cáo trạng xác định thân chủ tôi không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với khoản tiền này, do đó không thể yêu cầu ông Vũ bồi thường cho DAB được. Đồng thời, ông Vũ đã hứa trả lại không thiếu một đồng cho ông Bình", luât sư trình bày.
Đối đáp quan điểm của các bị cáo và luật sư trước đó, VKS cho rằng Vũ đã vu khống cơ quan tố tụng. Cơ quan công tố cũng ghi nhận sự ăn năn hối cải của những bị cáo còn lại, đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ DAB) cùng 3 người khác.
Trong phạm vi vụ án, ông Bình cùng đồng phạm gây thiệt hại của DAB hơn 3.600 tỷ đồng thông qua hàng loạt sai phạm. Hiện, ông Bình khắc phục 4 tỷ đồng, Vũ Nhôm khắc phục 203 tỷ... Nhà chức trách cũng kê biên hơn 125 triệu cổ phần DAB (24,88% vốn điều lệ) của ông Bình, bà Xuyến, Phan Văn Anh Vũ, Công ty Bắc Nam 79 và 18 cá nhân.
Ông Bình bị đề nghị mức án chung thân về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tổng mức hình phạt là chung thân.
Vũ Nhôm bị đề nghị 15-17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tổng hợp với mức án 8 năm tù của TAND Cấp cao tại Hà Nội là 23-25 năm. Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DAB) và những người còn lại án 2 năm tù treo đến 18 năm tù.
Theo Kỳ Hoa (VnExpress.net)