Hơn 1,8 triệu USD tiền 'chạy án' đi đâu?
Trước đó, diễn biến xét xử cho thấy còn nhiều mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo.
Trong số 54 người, Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an) là bị cáo duy nhất kêu oan.
Theo cáo buộc của Viện kiểm sát, sau khi vụ án “chuyến bay giải cứu” được khởi tố, các bị cáo Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (đều là Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) đã liên hệ nhờ cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) “tìm cửa” chạy án.
Để thực hiện ý đồ, Hằng và Sơn đưa 2,8 triệu USD cho ông Tuấn, song tài liệu điều tra thể hiện, ông Tuấn chỉ nhận hơn 2,65 triệu USD. Sau khi nhận tiền, ông Tuấn khai đưa hết cho Hoàng Văn Hưng, để Hưng “lo lót” điều tra viên, Viện kiểm sát…
Tại tòa, bên công tố và kiểm sát xét xử nhận định Hưng đã "đưa thông tin gian dối" để chiếm đoạt 800.000 USD của bị cáo Hằng và Sơn.
Còn bị cáo Hưng khi tự bào chữa đã nhiều lần phản bác quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát và “thách” đưa bằng chứng về việc bị cáo nhận tiền.
Suốt phần xét hỏi, Hưng nhiều lần thắc mắc, đề nghị Viện kiểm sát làm rõ mâu thuẫn “về số tiền ông Tuấn đưa cho Hưng là hơn 2,65 triệu USD, trong khi Viện kiểm sát chỉ cáo buộc Hưng lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD. Vậy hơn 1,8 triệu USD còn lại đang ở đâu?”
"Tôi đề nghị Viện kiểm sát phải chứng minh số tiền 1,8 triệu USD đã đi đâu về đâu, liệu có phải ông Tuấn cũng lừa đảo không?", bị cáo Hưng nói và đặt dấu hỏi rằng nếu ông Tuấn đã nộp lại 1,8 triệu USD thì "có phải cũng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?".
Đối với số tiền 800.000 USD bị cáo buộc lừa đảo, Hưng liên tục đề nghị Viện kiểm sát phải chứng minh cụ thể từng lần “đưa nhận tiền như thế nào, ở đâu, đưa vào ngày, giờ nào”
Riêng số tiền 450.000 USD đựng trong chiếc cặp số ông Tuấn nhờ người chuyển cho Hưng, cựu điều tra viên này cũng đề nghị viện kiểm sát nêu ra "căn cứ nào mà viện kiểm sát xác định trong cặp chứa 450.000 USD".
Theo Hưng phân tích, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng còn có dấu hiệu của tội “không tố giác tội phạm” khi không tố cáo hành vi của bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Blusky)….
Bản án nào cho cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế?
Trong số 54 bị cáo, Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) là người bị đề nghị án tử hình với cáo buộc Nhận hối lộ "công khai, trắng trợn nhất". Tổng số tiền Kiên nhận lên tới 42,6 tỷ đồng, 253 lần, trong đó 228 lần qua chuyển khoản.
Viện kiểm sát đánh giá bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) là người bị HĐXX chất vấn nhiều nhất, bởi anh ta dù đã nhận tội song vẫn trả lời quanh co, chưa chịu thừa nhận hành vi ‘ép’ đại diện các doanh nghiệp phải đưa hối lộ mới được cấp phép các chuyến bay. Ngoài ra, Kiên chưa thành khẩn khai rõ việc sử dụng số tiền nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng.
Khi nói lời sau cùng, bị cáo Kiên đã nói: “Từ khi bị bắt, bị cáo đã thành khẩn khai báo, giúp cơ quan điều tra làm rõ nhiều nội dung vụ án… Xin cho bị cáo một cơ hội sống, cơ hội trở về để được phụng dưỡng cha mẹ, dạy dỗ con cái”. Quá trình xét xử, Kiên và gia đình đã thực hiện các bước để khắc phục hậu quả.
Phân tích về hành vi, mức độ phạm tội của bị cáo Phạm Trung Kiên, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho rằng, trước khi tuyên án, nếu Phạm Trung Kiên nộp lại 3/4 số tài sản đã nhận hối lộ và được HĐXX ghi nhận một trong hai tình tiết là "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm" hoặc "lập công lớn" thì về nguyên tắc bị cáo này sẽ thoát án tử hình.
Nếu trường hợp bị cáo Kiên không hội đủ các điều kiện nêu tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP và Điều 40 Bộ Luật Hình sự 2015, hoặc dù bị cáo nộp lại, tác động người thân nộp lại số tiền tham ô theo quy định nhưng HĐXX không ghi nhận tình tiết "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm" và"lập công lớn", theo điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS, thì với quy định của Điều luật nêu trên, bị cáo Kiên "cũng không chắc chắn" thoát mức án cao nhất.
Theo Hoàng An (Tiền Phong)