Không có kit Việt Á thứ hai
Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát tại tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc) và lây lan đến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Trước tình hình trên, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để ứng phó trong đó có giao cho Bộ Khoa hoạc và Công nghệ (KH-CN) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch.
Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm (viết tắt là Đề tài) do Bộ KH-CN phê duyệt, Phan Quốc Việt (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế, kỹ thuật, Bộ KH-CN) đề xuất, tác động với lãnh đạo Bộ ký các văn bản triển khai thực hiện Đề tài.
Trong đó, giao Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Đề tài với nguồn kinh phí 18,9 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Trả lời câu hỏi của luật sư, Phan Quốc Việt nói khi tham gia Đề tài, Việt Á được nhận 10,8 tỉ đồng, sản xuất 20.000 kit. Hơn nữa, lúc đó tình hình dịch bệnh cấp bách nên Việt Á lấy công thức trong Đề tài để làm. “Tôi hiểu đó chỉ là thương thảo hợp đồng”, Việt khai.
Về việc được tham gia Đề tài, Việt khai rõ là do Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN) gọi điện thuyết phục. Vì vậy, bị cáo phản đối cáo buộc “thông đồng” để sản xuất kit xét nghiệm thương mại.
Đến nay, bị cáo thừa nhận những sai phạm mà đã bị quy kết nhưng cũng mong HĐXX xem xét bối cảnh phạm tội, đồng thời Việt cũng nói rằng có một số khoản tiền đưa hối lộ cho các cá nhân, bị cáo chủ động khai báo với CQĐT.
Liên quan đến việc giúp địa phương chống dịch, theo lời khai của “ông chủ” Việt Á, các địa phương đề nghị Việt Á ứng kit xét nghiệm cho họ bởi họ đang rất cần. Theo lời khai của Việt, dịch bệnh COVID-19 lúc đó quá mới, công tác phòng chống dịch rất căng thẳng nên các địa phương có nhờ bị cáo.
Tại tòa, Việt cũng khẳng định không có kit Việt Á thứ hai trên thế giới. Đây là loại kit rất đặc biệt và không có loại khác để đối chiếu. Kit xét nghiệm của Việt Á góp phần vào thành công của công tác phòng chống dịch.
Nói về những đóng góp của Việt Á, Phan Quốc Việt cho biết, Việt Á đã nghiên cứu kit cho Việt Nam chống dịch. Việt Á đã hỗ trợ gần như cả nước trong việc cung cấp thiết bị, giúp tăng công suất xét nghiệm. Việt Á đã thúc đẩy công tác gộp mẫu, giúp giảm chi phí xét nghiệm, tăng tốc xét nghiệm giúp khoanh vùng dịch…
Việt Á xin “gánh” trách nhiệm
Tại tòa, đại diện Công ty Việt Á cho biết, chất lượng kit xét nghiệm của Việt Á sản xuất được giám định là đủ tiêu chuẩn đáp ứng. Đại diện của Việt Á cũng cho biết hậu quả mà Phan Quốc Việt gây ra, phía công ty xin chịu trách nhiệm này. “Chúng tôi đã có đơn gửi tòa xin giảm nhẹ cho các bị cáo của Việt Á”, người đại diện trả lời trước câu hỏi của luật sư.
Khai về mối quan hệ với Phan Quốc Việt, bị cáo Trịnh Thanh Hùng nói, có quen biết Việt từ năm 2013 khi tham gia một đề tài trước đó. Với đề tài Bộ KH-CN giao cho Học viện Quân y lần này, bị cáo chỉ gọi điện thoại nhờ Việt tham gia vì lúc đó rất cần có sản phẩm chống dịch.
Tuy nhiên, bị cáo Hùng cho rằng bản thân vẫn bị CQĐT và Viện kiểm sát kết luận là “thông đồng với Phan Quốc Việt”. Điều này khiến bị cáo lăn tăn và cho biết luật sư của bị cáo cũng đã từng đặt vấn đề này trong quá trình xét xử ở Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của luật sư, theo bị cáo Trịnh Thanh Hùng, Bộ KH-CN chưa có kết luận công nhận kết quả của đề tài. “Không ai biết là dịch COVID-19 kéo dài bao lâu nên khi gọi điện cho Việt, tôi không nghĩ là để sản xuất thương mại”, bị cáo Hùng nói.
Cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cũng giải thích rõ Bộ KH-CN không có thẩm quyền thương mại hóa sản phẩm. Sản phẩm của Đề tài này chỉ là sản phẩm thử nghiệm nhằm phục vụ công tác chống dịch; không phải sản phẩm được thương mại hóa.
Về giá 470.000 đồng/kit, bị cáo Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế) nói rõ, đây là giá tạm tính, tạm thanh toán và đến nay vẫn chưa có giá chính thức. Giá tạm tính chỉ được dùng trong trường hợp Bộ Y tế mua và giá này chưa có giá trị quyết toán. Và theo bị cáo Liên, thương thảo này là cho 20.000 kit và giá này không có giá trị cho gói thầu sau.
Theo Lâm Vinh (An Ninh Thủ Đô)