Sáng 31/8, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Bộ Công an, TAND Tối cao, Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan tổ chức họp báo công bố quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước.
Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định đặc xá cho 2.434 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 1 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2022. Quyết định đặc xá này có hiệu lực từ ngày 1/9.
Tại họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho hay, khác với những lần đặc xá trước, quyết định về đặc xá lần này đã có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được đề nghị đặc xá và các trường hợp không đề nghị đặc xá. Do đó, số phạm nhân được đặc xá lần này cũng ít hơn so với các lần đặc xá trước.
Trả lời báo chí, đại diện các bộ ngành trả lời về công tác đặc xá năm nay, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho hay, sau khi rà soát hồ sơ thì có 16 phạm nhân người nước ngoài đủ điều kiện đã được Chủ tịch nước đặc xá. Cụ thể, phạm nhân có quốc tịch Úc 1 người, Canada 1 người, Mỹ 3 người, Trung Quốc 4 người, Pháp 1 người, Campuchia 2 người, Nigeria 1 người, Malaysia 1 người, Lào 1 người.
Về tổng số tiền mà những người được đặc xá lần này đã thực hiện (bồi thường thiệt hại, nộp án phí, trả lại tài sản…), theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long là 67 tỷ đồng. “Người thực hiện nhiều nhất trong quá trình chấp hành án là trên 4 tỷ đồng, đó là phạm nhân Huỳnh Tiến Dũng”, Thứ trưởng Long thông tin.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, có 8 phạm nhân thuộc các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo được hưởng đặc xá năm 2022.
Với trường hợp Phan Sào Nam trong vụ án đánh bạc trên mạng được báo chí đặt câu hỏi, ông Long khẳng định, Phan Sào Nam không được đặc xá trong lần này.
Liên quan đến việc Chủ tịch nước ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án, trong đó có 2 bị án là người nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà nói, “đây không phải là những trường hợp được đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá”.
Theo ông Phạm Thanh Hà, việc Chủ tịch nước ân giảm án tử hình cho 10 phạm nhân được thực hiện theo thẩm quyền của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự.
Ân giảm án tử hình là thẩm quyền của Chủ tịch nước giảm hình phạt tử hình theo bản án đã có hiệu lực pháp luật xuống tù chung thân, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Chính sách này nhằm mở ra cho những người có án tử khả năng ăn năn hối cải, cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội.
Phan Sào Nam, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online, là “nhân vật số 2” trong vụ án đánh bạc quy mô lớn qua game bài Rikvip/Tip.club.
Theo bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội năm 2019, Phan Sào Nam bị tuyên phạt 5 năm tù về các tội “tổ chức đánh bạc” và “rửa tiền’’, buộc nộp lại số tiền hơn 929 tỉ đồng; tịch thu, sung công quỹ số tiền hơn 548 tỉ đồng. Tổng cộng số tiền là 1.475 tỉ đồng. Sau đó, Phan Sào Nam đã khắc phục 1.284 tỉ đồng.
Trong thời gian chấp hành án, TAND tỉnh Quảng Ninh bất ngờ chấp nhận đề nghị của Trại giam Quảng Ninh về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam 2 lần. Phạm nhân Phan Sào Nam ra tù ngày 6.2.2021.
Sau đó, tháng 2.2022, Phan Sào Nam đã tự nguyện đến Công an Q.Tây Hồ (Hà Nội) trình diện và được chuyển đến trại giam để chấp hành nốt hơn 20 tháng tù còn lại. Nhiều cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh cũng bị kỷ luật vì liên quan việc tha tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam.
HL (Nguoiduatin.vn)