Theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, nhiều lãnh đạo, cán bộ nhân viên của VNCB, cùng lãnh đạo của 14 công ty là “những cánh tay đắc lực” giúp ông Danh rút hàng nghìn tỉ đồng của VNCB.
Trong số này, có 11 bị can bị truy tố tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 25 bị can bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 7 bị can bị truy tố cả 2 tội.
Nâng khống tài sản từ 2.000 tỉ lên 5.000 tỉ đồng
Theo hồ sơ vụ án, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank (ngày 6.9.2012), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối TrustBank (sau này đổi tên là VNCB). Lúc này, ngân hàng đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát - Ngân hàng Nhà nước.
Do có nhu cầu cần tiền để chi trả lãi ngoài chăm sóc khách hàng, chi trả nợ cho công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh và các doanh nghiệp trong tập đoàn…, ông Danh lợi dụng nắm quyền chi phối và ở vị trí là Chủ tịch HĐQT VNCB, đã chỉ đạo HĐQT, ban Điều hành và ban Kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các chi nhánh VNCB thực hiện các hồ sơ khống để vay tiền, rút tiền của VNCB. Cáo trạng nêu, 36 bị cáo trong vụ án đã thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho VNCB hàng nghìn tỉ đồng.
Cụ thể, vào khoảng tháng 5.2013, ông Danh chỉ đạo cấp dưới tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking, triển khai thực hiện khống để rút hơn 63 tỉ đồng. |
Bộ Công an khám xét nhà của một bị can liên quan đến "vụ án Phạm Công Danh" Ảnh: KHẢ HÒA |
Trong thời gian từ 28.12.2012 đến 11.3.2014, do cần tiền để sử dụng trả nợ, ông Danh đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh, mua bán vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật. Ông Danh còn nâng giá tài sản bảo đảm là khu đất tại TP.Đà Nẵng (định giá chỉ với 2.000 tỉ đồng) để vay tại VNCB 5.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Danh còn chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển khoản hoặc rút tiền mặt 4.700 tỉ đồng để trả nợ cho BIDV 2.600 tỉ đồng và làm việc cá nhân khác.
Hồ sơ “ma”
Là những người giúp sức tích cực, cánh tay đắc lực của ông Danh, giúp ông Danh thực hiện hành vi trên có Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Lê Khắc Thái (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Viết Thắng (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang), Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban kiểm soát VNCB)… Những người này đều là những lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng nhưng trong quá trình thẩm định, xem xét hồ sơ cho vay không cân nhắc dẫn đến thiệt hại cho VNCB hàng nghìn tỉ đồng.
Cụ thể, bị can Phan Thành Mai, với vai trò Tổng giám đốc VNCB nhưng cùng cấp dưới xây dựng các bộ hồ sơ vay vốn, phương án duyệt kinh doanh không có thật; tham gia họp HĐQT để VNCB phê duyệt cho vay. Ông Mai còn ký các thông báo đồng ý cho vay tổng cộng 4.350 tỉ đồng. Đồng thời, đồng ý sử dụng tài sản là các lô đất tại TP.Đà Nẵng làm tài sản bảo đảm, trong khi các tài sản đó là đất của Tập đoàn Thiên Thanh. Hành vi của ông Mai giúp sức cho ông Danh gây thất thoát cho VNCB hơn 1.692 tỉ đồng.
Cũng theo hồ sơ vụ án, ông Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai tìm mọi cách để thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư 900 tỉ đồng cho Quỹ Lộc Việt đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh. Mục đích là để tiền ngân hàng thông qua Quỹ Lộc Việt đầu tư vào trái phiếu Tập đoàn Thiên thanh thì số tiền ủy thác đó mới quay lại ngân hàng để có tiền sử dụng.
Không những thế, ông Danh chuyển hơn 6.000 tỉ đồng từ VNCB qua 3 ngân hàng khác rồi sau đó sử dụng các công ty của mình đứng tên vay tiền tại 3 ngân hàng này.
Theo Ngọc Lê (Thanh Niên Online)