Phải làm gì trước nạn quấy rối và xâm hại tình dục?

03/04/2022 08:30:23

Thời gian gần đây, một loạt vấn đề nóng liên quan đến nữ sinh bị đe dọa và xâm hại tình dục diễn ra gây hậu quả nghiêm trọng, vì thế cần có giải pháp bảo vệ giới nữ

Cơ quan chức năng đang vào cuộc để điều tra, xác minh những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, dù kẻ xấu có được xử lý nghiêm minh thì hệ lụy mà người bị hại phải gánh chịu là vô cùng lớn.

Bị gạ gẫm tình, tiền

Đang được dư luận đặc biệt quan tâm là vụ việc một cô gái có tên là V.N.H (sinh năm 1998, trú tại Hà Nội) tố cáo ông L.M.T (trưởng một khoa thuộc Trường ĐH Luật Hà Nội) có hành động đánh đập, bạo lực tinh thần và cưỡng bức tình dục. Điều đáng nói, theo nội dung tố cáo của cô H., sự việc này kéo dài tận 2 năm (từ tháng 1-2020 đến tháng 1-2022), ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, tinh thần, sức khỏe và tính mạng của cô.

Ngoài ra, một giảng viên khác của Trường ĐH Luật Hà Nội là ông N.T.D (Khoa Pháp luật kinh tế) cũng bị tố cáo có nhiều tin nhắn tình tứ và có ý đồ "gạ gẫm" tình cảm đối với nữ sinh viên. Tuy nhiên, theo Báo Người Lao Động đưa tin vào trưa ngày 31-3, những thông tin này chỉ lan truyền trên mạng xã hội và nhà trường chưa nhận được đơn thư chính thức về vụ việc.

Phải làm gì trước nạn quấy rối và xâm hại tình dục?
Cần có giải pháp bảo vệ giới nữ trước nạn quấy rối và xâm hại tình dục. Ảnh: UNICEF VIỆT NAM

Một trường hợp khác là em N.T.T.H (sinh năm 2004, trú tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) bị một tài khoản trên mạng xã hội đăng tải những thông tin không hay về chuyện tình cảm. Việc này khiến em hoảng loạn và bỏ nhà ra đi, gia đình cũng không liên lạc được. "Thông tin đăng trên mạng xã hội liên quan đến cháu không đúng sự thật nên cháu bức xúc bỏ đi. H. bình thường ngoan hiền và chưa bao giờ đi một mình như thế này. Lúc đi, cháu không mang theo điện thoại nên gia đình hết sức lo lắng" - một người thân của em H. nói.

Việc gạ gẫm tình - tiền, hành vi khủng bố tinh thần, đe dọa phát tán hình ảnh và thông tin sai trên mạng xã hội từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối. Người gánh chịu những hậu quả nặng nề bao giờ cũng là các cô gái trẻ trót nhẹ dạ cả tin.

Làm sao để bảo vệ mình?

Hiện tại, cô V.N.H đang tạm lánh tại Nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam. Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết từ lúc mới đến tạm trú cho tới nay, cô H. luôn trong tình trạng lo lắng, mất ngủ và bất an. Hội LHPN Hà Nội đã có công văn gửi Công an TP Hà Nội đề nghị điều tra, xử lý đơn tố giác tội phạm của cô H. Ngày 28-3, Công an quận Hoàng Mai đã đến trung tâm xác minh; do còn bất ổn về tâm lý nên cô H. đã viết đơn xin hoãn làm việc với cơ quan chức năng. Rõ ràng, những việc trải qua trong thời gian dài đã ảnh hưởng rất trầm trọng đến tinh thần và thể chất của cô gái trẻ.

Sau khi N.T.T.H bỏ đi, gia đình đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng và đăng tải trên nhiều kênh thông tin. Đến trưa 29-3 vừa qua, lãnh đạo Công an thị trấn Phố Châu đã thông báo tìm thấy H. ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và gia đình đã đưa em về nhà.

Riêng với trường hợp của ông N.T.D, cho đến nay, người tố giác ông vẫn chưa công khai nên cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác định tính chính xác của thông tin này. Tuy nhiên, đại diện Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết nhà trường đã tổ chức cuộc họp khẩn và có văn bản gửi Công an TP Hà Nội đề nghị điều tra, xác minh làm rõ những thông tin liên quan. Ngoài ra, nhà trường cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Tư pháp để báo cáo sự việc. Quan điểm của nhà trường là kiên quyết xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm, không dung túng, không bao che.

Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Phần lớn vụ việc được phát hiện đều có tính chất nghiêm trọng, trong đó có cả những vụ xảy ra ở nơi công cộng. Đối với phụ nữ, nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam chỉ rõ: Khoảng 30% phụ nữ ở nước ta từng bị bạo lực tình dục. Số đông phụ nữ từng ít nhất một lần bị quấy rối nơi công cộng, thậm chí xảy ra ở môi trường công sở. Hình thức quấy rối có thể bằng lời nói hoặc hành động, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp trên mạng xã hội...

Trong buổi tọa đàm "Điều tớ không muốn" do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững MSD - United Way Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 vừa qua, ông Trần Quang Thọ, đại diện MSD, cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn quấy rối, xâm hại tình dục nơi công cộng và trên môi trường mạng; trong đó, nguyên nhân sâu xa chính là những định kiến giới và bất bình đẳng giới. Nhiều người cho đó là chuyện bình thường, khiến các nạn nhân không thể lên tiếng, người chứng kiến thì im lặng, thờ ơ. Đó là cách dung dưỡng cho các hành vi xấu tiếp diễn và leo thang. Chuyện quấy rối không thể là chuyện bình thường, không có bất kỳ ngụy biện nào hợp lý cho việc quấy rối, xâm hại. Đây là điều không thể dung thứ".

TS Nguyễn Lê Hoài Anh - Phó trưởng Bộ môn Cơ sở Công tác xã hội thuộc Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - phân tích: Khi bị quấy rối, mọi người thường có tâm lý sợ hãi và im lặng. Nạn nhân lo sợ khi thổ lộ ra sẽ bị mọi người đổ lỗi, đánh giá, bàn tán hoặc thậm chí bị trả thù bởi người quấy rối. Mà im lặng chỉ làm danh sách nạn nhân gia tăng. Nếu chúng ta tiếp tục im lặng, mọi người xung quanh sẽ là những nạn nhân tiếp theo. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng thiếu kỹ năng để ứng phó trước vấn đề quấy rối, không biết cách, không biết địa chỉ để lên án, kêu cứu.

"Các bạn trẻ nên tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều kiến thức, chuẩn bị đầy đủ hành trang để bảo vệ bản thân" - TS Hoài Anh lưu ý. 

Xây dựng mô hình ứng phó bạo lực

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thông tin: "Chúng tôi có những kế hoạch và đang trong giai đoạn xúc tiến hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp luật, đồng thời cũng có những hành động cụ thể nhằm ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và khảo sát thu thập dữ liệu. Không chỉ vậy, chúng tôi cũng thúc đẩy phối hợp liên ngành và xây dựng các mô hình thí điểm về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới. Tất cả những hoạt động của chúng tôi đều mong muốn chung tay xây dựng một không gian công cộng an toàn hơn, thân thiện hơn cho phụ nữ và em gái. Vụ Bình đẳng giới sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các đơn vị để cùng nhau tạo ra những thay đổi tích cực".

Theo Khánh Thu (Nld.com.vn)

Nổi bật