Việt Nam cách đây hàng chục năm đã từng tự hào được coi là quốc gia đầu tiên của Châu Á ký cam kết Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Chúng ta cũng là quốc gia ban hành Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em từ rất sớm so với nhiều nước.
Những tưởng với cơ sở đó, nền tảng pháp lý đó sau bấy nhiêu năm sẽ rất hữu hiệu khi chúng ta chung sức bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Thế nhưng, công lý ấy xem ra còn có một khoảng cách quá xa vời, khi chúng ta xét xử những kẻ phạm vào tội danh xâm hại trẻ em lại khó đến vậy. Nó cứ như dò đá qua sông.
Có thể nói rằng, nguyên nhân của tình trạng trên có một phần là do hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có quy định cụ thể, chi tiết trong việc phòng ngừa và xử lý các nguy cơ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
Vài ngày trước, Viện Kiểm sát nhân dân Quận 4 TP.HCM đã phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, phê chuẩn lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Hữu Linh (sinh năm 1958, quê TP. Đà Nẵng, nguyên Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng) về tội dâm ô đối với trẻ dưới 16 tuổi theo Điều 146, Bộ luật Hình sự 2015 sau 20 ngày cân nhắc, bàn tính lên xuống...
Có lẽ chúng ta sau câu chuyện thực tiễn này cũng cần hết sức nghiêm túc khi nhìn nhận và đánh giá công tâm về vấn đề nổi cộm trên để ngăn ngừa những tội ác xâm hại tình dục trẻ em. Qua đó chấn chỉnh, rút kinh nghiệm khi xây dựng luật nói chung, không nên để tình trạng giống như Bộ luật Hình sự hồi nào công bố. Luật ký chưa ráo mực nhưng đã bộc lộ rất nhiều bất cập, nếu không muốn lại có thêm nhiều vụ việc tương tự như trường hợp nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát TP. Đà Nẵng đã có hành vi dâm ô với trẻ em mà cứ loay hoay mãi đường hướng xử lý.
Cũng do luật của ta thiếu nhiều chế tài để thực thi khiến cho các cơ quan điều tra lúng túng. Phải đúng 20 ngày “nghiên cứu, vận dụng luật” để... "sao cho khỏi bị oan sai, dễ kiện ngược” trước sức ép của báo chí và mạng xã hội, các cơ quan pháp luật của Quận 4 TP.HCM mới thống nhất ký lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Hữu Linh .
Trước sự bức xúc của dư luận về tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em cũng như những vướng mắc trong quá trình điều tra xét xử đối với tội dâm ô với người dưới 16 tuổi, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã có chỉ đạo gấp rút soạn văn bản hướng dẫn đường lối xử lý về điều luật này.
Dù có chậm khởi tố, nhưng dù sao với cái cách làm mới đây của Tòa án nhân dân Tối cao để giúp các cơ quan tố tụng bớt lúng túng, tôi thấy cũng là cách xử lý đáng ghi nhận khi luật của ta đang có điều chưa ổn.
Tôi theo dõi trên báo chí thì thấy Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có bày tỏ quan điểm rằng dù chất lượng của clip được cho là thấp, nhưng người xem rõ ràng đã nhận thấy hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh lao vào ôm và hôn khiến bé gái hoảng sợ chạy ra ngoài ngay sau khi cửa thang máy mở.
Như vậy, rõ ràng cháu bé hoàn toàn không đồng ý đối với hành vi của ông Linh, thậm chí hành vi đó khiến cháu bé sợ hãi. Nếu là “yêu thương”, là "cưng nựng” thì cháu bé không sợ hãi đến thế, nhất là đối với một người hoàn toàn lạ mặt.
Về căn cứ khởi tố bị can, ông Độ cũng cho rằng hiện nay, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng cứ áp dụng những hướng dẫn của tội dâm ô trong Bộ luật Hình sự 1999 là hoàn toàn không đúng.
Việc nhận thức về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi ở các nước trên thế giới và Việt Nam đã khác rất nhiều so với điều luật cũ. Hành vi của ông Linh xảy ra tại thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 đang có hiệu lực pháp luật và hành vi đã được mở rộng hơn so với điều luật cũ.
Thế nhưng mới đây, một vị đại diện lãnh đạo Bộ Công an khi đề cập vấn đề này cho rằng cái khó chính là Bộ luật Hình sự 2015 thể hiện vắn tắt quá khiến cho việc xử lý dưới cơ sở dù đã có nghị định hướng dẫn thực thi luật vẫn gặp khó khăn...
Có vài điều tôi muốn đề cập trong bài viết này xung quanh câu chuyện nhân vật Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô với một cháu nhỏ rất đáng lên án.
Thứ nhất, ông ta là một người quá am tường luật pháp, đã từng “Nhân danh Công lý của nước CHXHCN Việt Nam” truy cứu trách nhiệm hình sự của biết bao vụ án xâm hại và bạo hành trẻ em trong cả cuộc đời hành nghề của ông ta. Nó đều có liên quan tới luật pháp. Và rồi ông ấy đã lên đến chức Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân của một thành phố lớn được suy tôn là thành phố đáng sống thì tôi thấy buồn quá!
Vậy mà sao ông Linh lại có thể hành xử như thế được với một cháu nhỏ. Đã vậy lại tự vạch lưng cho thiên hạ soi: Tự nhận hành vi mình làm không hề do say xỉn. Nghĩa là rất tỉnh táo. Vậy là sao?
Liệu trong quá trình công tác, với quyền lực tạm coi là “vô biên" ấy, xin hỏi còn có người phụ nữ nào vì vướng vào tội lỗi, muốn được giảm nhẹ mà im lặng không tố giác ông ta lợi dụng quyền lực xâm hại họ để được “ban phát”, giảm tội cho họ không? Tuy mới chỉ là suy nghĩ chủ quan, chưa có căn cứ lắm nhưng theo cách suy đoán của tôi, tôi nghĩ cũng là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ.
Thứ hai, ông Linh không thể không biết, chỉ trước đó ít tuần, cũng mới xảy ra vụ Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ một nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội và bị camera ghi lại. Việc khó cãi này sau đó được tung lên mạng, báo chí vào cuộc và Hùng bị cả xã hội lên án.
Vậy mà sao ông ta lại có thể liều lĩnh tái phạm đến thế được? Hơn thế, lại sàm sỡ cháu bé đáng tuổi con của con mình. Tôi nghĩ, có lẽ ông Linh đã không hề biết sợ vì nghĩ mình am tường luật pháp, đủ sức bao biện cho hành vi này, chỉ là “nựng" cháu bé mà không nghĩ rằng đó là tội ác đặc biệt nghiêm trọng thì phi lý quá.
Phải chăng số tiền 200 ngàn phạt Đỗ Mạnh Hùng ở Hà Nội đã không mang tính răn đe, trong đó có ông Linh, khiến ông càng coi thường luật pháp mà ông đã quá thuộc?
Chiều 19/4, TAND thành phố Thái Bình tuyên phạt Phạm Văn Lam (43 tuổi, cựu thượng tá, cựu phó phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thái Bình) án 3 năm tù về tội Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.
Thứ ba, hẳn ông ta cũng biết và không thể xem là quá lâu mà nói đã "quên” về câu chuyện nhân vật Phạm Văn Lam - một sỹ quan cao cấp trong ngành công an phạm tội. Với chức Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Thái Bình, vậy mà ông Lam lại cùng bè bạn lập kế hoạch đi cưỡng dâm một cháu gái chưa đến tuổi vị thành niên.
Lúc ông Linh vi phạm cũng là lúc toà chưa xử vụ ông Lam, nên có lẽ nào ông không nhớ ra hay sao?
Cũng là một người am tường luật pháp, cũng từng là người đầy quyền uy trong cơ quan tố tụng, nhưng đã sa đoạ và phạm tội đến khó tin nổi, vậy không lẽ gương tày liếp này không khiến Nguyễn Hữu Linh một chút lo sợ?
Tôi cũng không thể nào tán đồng với cách Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình xử cựu thượng tá công an ở mức 3 năm tù, khi cáo trạng chỉ cho rằng đó là tội dâm ô mà không buộc tội tổ chức cưỡng dâm tập thể trẻ vị thành niên.
Lẽ ra, tội như vậy, với một người bình thường nếu đáng tội 1 thì ông ta đáng bị buộc tội nặng hơn nhiều lần, bởi luật pháp thế nào thì cả 2 ông này đều thuộc làu làu và phải làm gương. Hơn nữa, họ lại còn làm ô danh cả những ngành thực thi pháp luật thì đáng bị lên án cả chục lần mới công bằng.
Điều lạ lùng còn ở chỗ Toà án Thái Bình lại cho xử kín, chỉ công bố kết quả phiên xử. Như vậy cũng là điều bất bình thường. Tôi mong rằng việc này sẽ sớm được chấn chỉnh khi cơ quan tố tụng đưa vụ ông Nguyễn Hữu Linh ra xét xử.
Chỉ có thế, luật pháp mới đủ sức răn đe. Nếu không như vậy, tôi e rồi đây sẽ còn có nhiều, rất nhiều ông Linh, ông Lam khác “kế thừa” thì nguy to cho xã hội. Đó là chưa kể vụ sàm sỡ, ép hôn nữ sinh trong thang máy chỉ phải nộp phạt có 200 nghìn đồng thì răn đe được ai? Đồng thời, theo tôi, cũng không thể vì các vụ xâm hại tình dục thường ít bị tố cáo, đôi co kéo dài mà các cơ quan tố tụng lại lấy cớ rằng không thấy đơn yêu cầu truy tố cho nên không xử lý. Xin nhớ cho, tất cả những thân nhân của người bị xâm hại đều đau đớn vô cùng. Họ căm giận kẻ gây ra tội ác này chứ không hề có chuyện họ tha thứ đơn giản như thế!
Theo Quốc Phong (Dân Việt)