Phá đường dây tiêu thụ tiền giả lớn có "nguồn cung" từ Trung Quốc

01/06/2016 13:35:00

Đường dây tiêu thụ tiền giả loại mệnh giá 200.000 đồng có nguồn “cung” từ Trung Quốc vừa bị Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá, khởi tố 7 bị can.

 
Đường dây tiêu thụ tiền giả loại mệnh giá 200.000 đồng có nguồn “cung” từ Trung Quốc vừa bị Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá, khởi tố 7 bị can.
 
Phá đường dây tiêu thụ tiền giả lớn có 'nguồn cung' từ Trung Quốc - ảnh 1
Công an tỉnh Quảng Nam công bố chuyên án sáng 1.6HỨA XUYÊN HUỲNH

Tiêu thụ tiền giả ở chợ
 
Vụ việc bắt đầu từ ngày 15.5, khi Công an H.Thăng Bình (Quảng Nam) nhận tin báo từ quần chúng và bắt giữ Đào Văn Cần (27 tuổi, trú xã Đào Xá, H.Phú Bình, tỉnh Bắc Ninh) cùng anh ruột là Đào Văn Ninh (35 tuổi), khi cả hai đang tiêu thụ tiền giả.
 
Thời điểm này, Cần và Ninh vừa từ Đắk Lắk xuống Quảng Nam, trú tại nhà người quen ở xã Bình Định Nam (H.Thăng Bình).
 
Khi Ninh ra chợ Vinh Huy và ghé dọc các quán ở Bình Trị Nam tiêu thụ tiền giả thì bị phát hiện. Công an H.Thăng Bình vào cuộc truy xét, thu giữ tổng cộng 193 tờ tiền giả đang cất giữ trong người Ninh và Cần, sau đó truy tìm và thu giữ 11 tờ khác mà họ đã kịp tiêu thụ trước đó tại chợ Vinh Huy.
 
Nhận thấy đây là đầu mối của một đường dây tiêu thụ tiền giả quy mô lớn, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu “rút” vụ án từ Công an H.Thăng Bình lên, giao Cơ quan An ninh điều tra Công an Quảng Nam (PA92) vào cuộc điều tra.
 
Kết quả, PA92 với sự phối hợp của Công an tỉnh Đăk Nông, Cao Bằng đã bắt giữ 7 nghi phạm, thu giữ 1.258 tờ tiền giả loại polymer mệnh giá 200.000 đồng; sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
 
Các bị can trong vụ án, ngoài Cần, Ninh còn có: Nguyễn Văn Tuân (35 tuổi, trú xã Đào Xá, H.Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), Nguyễn Văn Hòa (48 tuổi, trú xã Kim Chân, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Thị Nguyệt (34 tuổi, trú xã Nhã Lông, H.Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), Chu Thị Oanh (47 tuổi, trú xã Vĩnh Quang, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), Đinh Thị Tuyết (32 tuổi, trú thôn 10B, xã Quỳnh Châu, H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
 
Phá đường dây tiêu thụ tiền giả lớn có 'nguồn cung' từ Trung Quốc - ảnh 2
Đại tá Dương Tấn Bộ, Trưởng phòng PA92 Công an Quảng Nam, giới thiệu các loại hàng ít giá trị mà các bị can dùng tiền giả mua (để được thối lại bằng tiền thật) HỨA XUYÊN HUỲNH

3 bị can nhiễm HIV
 
Trong đó, Oanh là đầu mối cung ứng tiền giả tại Việt Nam, bị bắt tại Đắk Nông hôm 19.5 khi đang mang 200 triệu đồng tiền giả từ Cao Bằng. Oanh bỏ ra 25 triệu đồng tiền thật để mua 200 triệu đồng tiền giả từ một phụ nữ Trung Quốc tên là A Mỉng.
 
Ban đầu, Oanh khai A Mỉng (khoảng hơn 40 tuổi) mang 200 triệu đồng tiền giả sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch và giao tại Cao Bằng, tuy nhiên kết quả điều tra sau đó xác định chính Oanh đã sang tận Trung Quốc để “ăn hàng”.
 
Oanh từng bị tuyên án 4 năm tù vì tội buôn bán tiền giả tại Cao Bằng, vừa mãn hạn tù hôm 2.9.2015 và chưa “kịp” xóa án tích đã lại bị bắt. 
Kết quả điều tra cho thấy sau khi bị đẩy đuổi vì khai thác vàng trái phép, từ đầu tháng 5.2016, Cần rời Quảng Nam lên huyện EaH’lep (tỉnh Đắk Nông) tìm việc làm và từ đó bắt được “mối” tiêu thụ tiền giả.
 
Tại đây, Cần gặp Tuân và Hòa để thỏa thuận ăn chia theo tỉ lệ 50 - 50; tiền giả do Hòa điều phối.
 
Ban đầu, Cần nhận 20 triệu đồng tiền giả và tiêu thụ gần hết, nên được Hòa giao tiếp 20 triệu đồng (tiền giả). Ở “phi vụ” thứ 2, Cần rủ anh ruột là Ninh mang xuống Quảng Nam tiêu thụ rồi bị bắt. Từ đầu mối này, đường dây mua bán, tiêu thụ tiền giả bị phanh phui.
 
Ngày 18.5, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), Hòa bị PA92 Công an Quảng Nam bắt khẩn cấp. Hòa khai nhận đã mua từ Oanh 100 triệu đồng tiền giả; đã giao 90 triệu đồng tiền giả cho Cần và Tuân, còn mình giữ 10 triệu đồng để cùng với Tuyết tự tiêu thụ.
 
Lần theo các dấu vết đó, Oanh, Tuân, Tuyết và Nguyệt (người đi tiêu thụ tiền giả cùng với Tuân) lần lượt bị công an bắt.
 
Theo phân tích của đại tá Dương Tấn Bộ, Trưởng phòng PA92 Công an Quảng Nam, do tính chất vụ án lưu hành tiền giả là phải bắt quả tang nên các trinh sát hết sức vất vả.
 
“Thậm chí, có 3 nghi phạm bị nhiễm HIV. Lúc anh em chúng tôi đè ra bắt giữ, thấy có kim tiêm cất cả trong túi xách, nhưng không hay biết. Sau đó mới… thấy sợ, nhưng rất may anh em không hề hấn gì”, đại tá Bộ nói.
 
Đáng chú ý, qua khai nhận của các bị can, có đầu mối cung cấp tiền giả từ Trung Quốc nhưng hiện Công an tỉnh Quảng Nam không thể can thiệp.
 
Phá đường dây tiêu thụ tiền giả lớn có 'nguồn cung' từ Trung Quốc - ảnh 4
Một trong những phương thức "tiêu thụ" tiền giả trong vụ án này là: trộn lẫn tiền giả vào tiền thật để mua hàng hóa giá trị lớnPA92 CÔNG AN QUẢNG NAM CUNG CẤP
 
Trả lời PV Thanh Niên về hướng xử lý tiếp theo, đại tá Dương Tấn Bộ cho biết sau khi kết thúc vụ án, cơ quan điều tra Công an Quảng Nam sẽ có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao trao đổi với phía Trung Quốc để mở rộng xử lý.
 
Đây là đường dây tiêu thụ tiền giả lớn nhất tại Quảng Nam kể từ sau vụ án tiêu thụ 1,4 tỉ đồng tiền giả hồi năm 2002, trong đó cóA Lìn (người Trung Quốc) và bị tòa án tuyên 1 mức án tử hình, 2 mức án chung thân gây xôn xao dư luận. Thời điểm đó, cũng chính đại tá Dương Tấn Bộ trực tiếp tham gia vụ án với vai trò điều tra viên.
 
Bước đầu, PA92 Công an Quảng Nam làm rõ thủ đoạn, phương thức mà các bị cáo sử dụng để mua bán tiền giả, gồm: trộn lẫn tiền giả với tiền thật để mua hàng; mua hàng có giá trị nhỏ, đưa tiền giả loại 200.000 đồng để được các hàng quán thối lại bằng tiền thật; dùng tiền giả mua card điện thoại, để sử dụng hoặc bán card cho người khác, thu lại tiền thật.
 
Đại tá Huỳnh Trung Nguyên, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết Ban giám đốc Công an tỉnh sẽ có hình thức tuyên dương, khen thưởng đối với ban chuyên án, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục cung cấp thông tin liên quan về vụ án.

Theo Hứa Xuyên Huỳnh (Thanh Niên Online)