Việc triệt xóa đường dây trên đã ngăn chặn thiệt hại đáng kể về tài sản cho các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Đến ngày 15-4, các đối tượng đã tự nguyện giao nộp 17.608 hóa đơn cước đường bộ giả.
Mánh lới tinh vi
Quốc lộ 5A thuộc địa phận phường Ái Quốc, TP Hải Dương (Hải Dương), một ngày như mọi ngày, nhóm phụ nữ khoảng 5 đối tượng túm năm, tụm ba trước cửa một khu công nghiệp... Một vài lái xe đường dài rẽ vào đường nhánh lén lút gặp họ rồi lại vội vã trở đi. Những lái xe trên mua lại các hóa đơn thanh toán cước phí đường bộ, trong khi họ vừa lưu thông trên tuyến đường để làm gì? Phải chăng, đây là những hóa đơn thanh toán cước phí giả? Đó là câu hỏi đặt ra cho các trinh sát và điều tra viên Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương.
Từ những nghi ngờ trên, họ bí mật thu thập thông tin về hoạt động của nhóm đối tượng nghi vấn... Cuối cùng, bức màn bí mật về thủ đoạn và mức lợi nhuận khổng lồ các đối tượng thu được đã dần hé mở.
Quá trình nắm bắt thông tin, các điều tra viên xác định không chỉ có vé thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và cước đường bộ của tuyến quốc lộ 5, các đối tượng đồng thời bán hóa đơn thanh toán cước phí đường bộ với số lượng lớn của nhiều trạm thu phí như ở: Quốc lộ 18, Cầu Hồ (Bắc Ninh); Đại Yên (Quảng Ninh), Tân Đệ (Thái Bình)...
Cùng với việc thu thập thông tin về nhóm đối tượng nghi vấn, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đồng thời làm việc với Công ty TNHH MTV quản lý đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và xác định vé cước đường bộ tuyến ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính là hóa đơn giá trị gia tăng tự in. Công ty TNHH MTV quản lý đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đăng ký phát hành với Cục thuế TP Hà Nội. Khi lái xe đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ tự nhấn một thẻ cứng. Khi hết tuyến đường, lái xe sẽ nhận được các vé cước đường bộ, chính là các hóa đơn giá trị gia tăng, thường dùng để thanh toán với các đơn vị và doanh nghiệp.
Song để chiếm đoạt tiền của Nhà nước hoặc doanh nghiệp, một số lái xe không lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhưng vẫn mua vé để thanh toán.
Trong trường hợp xe ô tô con với mức phí là 400.000 đồng/lượt, còn với xe container khoảng 700.000 đồng/ lượt thì các đơn vị trên bị thiệt hại một số tiền không nhỏ. Đặc biệt là đối với các trường hợp thường xuyên di chuyển trên các cung đường thì lượng tiền thất thoát là rất lớn. Trước tình hình trên, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã báo cáo Ban giám đốc Công an tỉnh phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (ANKT) lập án đấu tranh.
Trong vụ án này, khó khăn đầu tiên đặt ra cho các trinh sát là việc tính toán các biện pháp nghiệp vụ, bắt giữ các đối tượng khi đang thực hiện hành vi phạm tội. Việc bắt giữ không dễ dàng, bởi quá trình giao dịch người bán và người mua không quen biết nhau. Nếu không bắt giữ khi đang thực hiện giao dịch thì sẽ rất khó chứng minh tội phạm. Đồng thời, quá trình bắt giữ phải tính toán các biện pháp đấu tranh, xử lý hình sự được đối tượng. Nếu triển khai không chặt chẽ, hình thức xử phạt sẽ chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.
Từ các tài liệu thu thập được, ngày 4-1, các lực lượng Công an tỉnh quyết định phá án. Cùng thời điểm, các trinh sát của đơn vị chia làm nhiều mũi, đồng loạt giám sát hoạt động của 4 phụ nữ gồm Hoàng Thị Tý, sinh năm 1960; Hoàng Thị Mùi, sinh năm 1981 cùng trú tại Khánh Hội, Nam Đồng, TP Hải Dương; Phạm Thị Lại và Trần Thị Nụ cùng trú tại phường Nhị Châu, TP Hải Dương, cùng sinh năm 1975. Một mũi trinh sát khác có mặt tại Hưng Yên, nắm bắt di biến động và hoạt động của một trong số các đối tượng trong ổ nhóm đang hoạt động tại đây.
Khi được triệu tập, đối tượng Tý tự giao nộp 200 hóa đơn thanh toán cước phí đường bộ tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, loại mệnh giá 100 nghìn đồng và nhiều hóa đơn thanh toán cước phí đường bộ của một số tuyến đường khác.
Quá trình đấu tranh, Tý khai nhận: Trước năm 2018, Tý bán hoa quả, bánh kẹo ở khu vực trạm thu phí cũ Quốc lộ 5A, thuộc địa phận phường Ái Quốc, TP Hải Dương. Trong quá trình bán hàng tại đây, Tý gặp nhiều lái xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng có nhu cầu mua vé cước phí đường bộ để thanh toán.
Đến đầu năm 2018, Tý chuyển sang buôn bán hóa đơn cước phí đường bộ. Ban đầu, đối tượng mua vé thừa của các lái xe rồi bán lại cho các lái xe khác có nhu cầu thanh toán. Khoảng đầu tháng 1-2019, một số lái xe muốn mua hóa đơn cước phía tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Tý đã đặt mua của Hoàng Thị Mùi 200 hóa đơn cước phí đường bộ với giá 6 nghìn đồng/ hóa đơn về để bán lại cho lái xe.
Hoàng Thị Mùi khai nhận, trong quá trình bán hàng, Mùi gặp nhiều lái xe tuyến Hà Nội- Hải Phòng có nhu cầu mua bán hóa đơn cước phí đường bộ để thanh toán.
Ban đầu, Mùi cũng đi mua hóa đơn thừa của các lái xe rồi bán lại cho các xe khách có nhu cầu thanh toán để kiếm lời. Sau đó, Mùi đặt hóa đơn giả của Phạm Thị Lại, Đoàn Thị Phương, mỗi lần mua từ 50 đến 100 hóa đơn với giá 300 đến 500 đồng/hóa đơn rồi bán lại cho lái xe với giá từ 1.000 đến 1.500 đồng/hóa đơn.
Ngày 4-1, Mùi bán cho Hoàng Thị Tý 200 hóa đơn cước phí đường bộ tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng loại mệnh giá 100 nghìn đồng với giá 6.000 đồng/hóa đơn. Mùi mua lại số hóa đơn trên của Phương với giá 3.000 đồng/hóa đơn. Mùi đã thanh toán cho Phương 500.000 đồng.
Từ lời khai trên, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã triệu tập Đoàn Thị Phương về trụ sở. Quá trình đấu tranh, Phương cho biết chị ta làm nghề buôn bán phụ kiện xe ô tô tại Văn Lâm, Hưng Yên, có quen biết Hoàng Thị Mùi từ trước. Đầu năm 2018, được Mùi giới thiệu bán thêm vé cước phí đường bộ. Ban đầu, Phương nhặt các hóa đơn do lái xe bỏ đi để bán lại cho những lái xe khác có nhu cầu thanh toán.
Đến tháng 8-2018, Mùi đưa cho Phương một chiếc USB, trong đó có chứa các file ảnh là mẫu hóa đơn cước phí đường bộ. Đối tượng Phương sau đó đã sử dụng máy vi tính và mua thêm máy in, lên mạng Internet tự tìm hiểu cách chỉnh, sửa ảnh. Sau đó, sử dụng phần mềm photoshop để chỉnh sửa và in hóa đơn cước phí đường bộ, bán cho các lái xe có nhu cầu.
Khoảng đầu tháng 1-2019, Phương nhận điện thoại của Mùi đặt in 200 tờ hóa đơn cước phí đường bộ tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng loại mệnh giá 100.000 đồng, Phương đã sử dụng máy vi tính, chính sửa, in ra 200 hóa đơn cước phí đường bộ tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng trên khổ giấy A4, bằng máy in màu rồi dùng kéo cắt cho vừa với khổ hóa đơn thật. Sáng 4-1, Phương giao lại cho Hoàng Thị Mùi tại khu cầu vượt Phú Lương, phường Nhị Châu, TP Hải Dương.
Lôi kéo người thân vào vòng phạm pháp
Quá trình đấu tranh, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ, đối tượng chủ mưu trong vụ án này là mẹ con Phạm Thị Lại và Nguyễn Đình Long. Trước đây, Lại làm nghề bán bánh đậu xanh trên tuyến giao thông từ khu vực nhà hàng 559, TP Hải Dương đến ngã 3, Tiền Trung, phường Ái Quốc, TP Hải Dương... Với bản tính nhanh nhạy, quá trình làm ăn tại đây chị ta nắm bắt được nhu cầu của thị trường đã mua lại hóa đơn cước phí đường bộ để bán.
Khoảng đầu năm 2017, Lại đã mua máy in màu, mực màu, giấy in, bản cắt giấy. Sau đó, đối tượng chỉ đạo con trai là Nguyễn Đình Long chỉ mới sinh năm 2001, hiện là học sinh lớp 12 chế bản trên máy tính của Long rồi in ra nhiều vé thanh toán cước phí đường bộ của nhiều tuyến đường. Trong đó có 150 hóa đơn cước phí đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng in hồi cuối tháng 12-2018 để mang đi bán hàng ngày tại khu vực trạm thu phí cũ Quốc lộ 5A, địa phận phường Ái Quốc.
Khi biết hành vi phạm tội bị Cơ quan ANĐT phát hiện, Lại đã nhận toàn bộ hành vi phạm tội về bản thân nhằm giúp cậu con trai thoát tội.
Nhưng bằng các chứng cứ thu thập được, các điều tra viên Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã đưa ra các chứng cứ, làm rõ hành vi phạm tội của Long. Đến lúc này, Lại tỏ ra vô cùng ân hận. Chỉ vì lòng tham, Lại biết rõ việc làm của chị ta là vi phạm pháp luật nhưng vẫn lôi kéo con trai vào thực hiện hành vi.
Về phần Nguyễn Đình Long, sau khi được triệu tập, Long tỏ ra rất ân hận. Vào thời điểm này, Long cùng các bạn đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi phổ thông trung học quốc gia. Với chính sách khoan hồng của pháp luật, Long vẫn được tạo điều kiện để cắp sách tới trường. Nhưng bản án này, không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng đến tương lai của Long sau này.
Được sự động viên của các điều tra viên, Long khai nhận: Từ đầu năm 2017 đến nay, Long được mẹ chỉ đạo chỉnh sửa file ảnh các vé cước phí đường bộ trên máy tính sao cho giống như vé cước phí đường bộ thật của một số tuyến đường, in bằng máy in màu. Về các ảnh trên, Long khai là do mẹ Long quét ảnh (scan) ở cửa hàng in ảnh rồi gửi email. Sau đó, Long sử dụng phần mềm photoshop chỉnh sửa số seri, ngày, tháng rồi in ra trên khổ giấy A4 thông thường bằng máy in màu.
Khi in xong, Mẹ Long cắt ra xếp thành từng bó rồi cho vào túi mang đi bán. Khoảng cuối tháng 12-2018, Long cũng đã chỉnh sửa và in cho Phạm Thị Lại một số lượng lớn vé cước phí đường bộ, trong đó có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Trong đường dây này, vì hám lời, Trần Thị Nụ cùng chồng là Trần Văn Chiến, SN 1969, trú tại phường Nhị Châu, TP Hải Dương cũng tích cực chế bản, chỉnh sửa file ảnh phôi hóa đơn cước phí đường bộ thật) rồi in hóa đơn thanh toán cước phí đường bộ tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để Nụ mang đi bán cho lái xe.
Quá trình điều tra làm rõ, khoảng tháng 10-2016, sau khi được vợ đưa cho 1 chiếc USB, bên trong chứa nhiều loại phôi vé cước đường bộ của nhiều tuyến đường, Chiến đã chỉnh sửa và in ra bán. Thời điểm gần nhất vào khoảng cuối tháng 12-2018, Chiến đã chỉnh sửa và in một số vé thanh toán cước đường bộ tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để Nụ mang đi bán.
Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Phạm Thị Lại và Trần Thị Nụ... Quá trình khám xét đã thu giữ tại nhà của Lại và Nụ một bộ máy tính, máy in và nhiều công cụ, phương tiện khác nhằm thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài các tang vật và hóa đơn thanh toán cước phí đường bộ trên tuyến cao tốc trên, các đối tượng trong ổ nhóm còn giao nộp cho cơ quan an ninh một số lượng lớn hóa đơn thanh toán cước phí đường bộ của các tuyến đường có đặt các trạm thu phí.
Ngày 5-1, cơ quan ANĐT đã tiến hành trưng cầu giám định Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hải Dương đối với 400 hóa đơn thanh toán cước phí đường bộ do các đối tượng giao nộp. Kết luận của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh xác định số hóa đơn thu giữ là giả.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố 7 bị can về hành vi "In mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" đối với 7 đối tượng gồm: Lại, Nụ, Phương, Tý, Mùi, Chiến và Long.
Tổng số hóa đơn cước đường bộ giả thu được của các đối tượng lên tới 17.608 chiếc. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra.
Theo Xuân Mai (An Ninh Thế Giới)