Trưa 3/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, đang điều tra làm rõ vụ án "bắt giữ người trái pháp luật" và "hiếp dâm người dưới 16 tuổi".
Cảnh sát đã tạm giam Lê Anh Tuấn (40 tuổi, Phó giám đốc một doanh nghiệp) và Trương Đình Vinh (32 tuổi, người địa phương).
Họ cũng đang củng cố hồ sơ, làm rõ vai trò đồng phạm của ít nhất 3 người khác, gồm: Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi, ngụ Nghệ An), Nguyễn Văn Chiến (26 tuổi, ngụ Hà Tĩnh) và một người tên Sơn (chưa rõ lai lịch).
Cảnh sát cáo buộc người chủ mưu, thực hiện hành vi cưỡng hiếp thiếu nữ T. (sinh tháng 7/2006) là Lê Anh Tuấn, còn Trương Đình Vinh là đồng phạm.
Hình ảnh từ clip ghi lại sự việc cho thấy có 3-4 người đàn ông kéo em T. từ quán karaoke ra ô tô.
Bé gái 15 tuổi có lúc vùng vẫy thoát ra được và chạy vào trong quán thì lại bị Trương Đình Vinh chạy theo kẹp cổ đưa vào xe đóng cửa lại.
Clip cũng ghi lại được cảnh 2 nhân viên quán karaoke đi ra nhưng bị Vinh ngăn cản. Nhóm người trên chở T. rời đi. Kết quả giám định sau đó cho thấy, T. đã bị xâm hại.
Toàn bộ sự việc ép thiếu nữ lên xe được một người gần đó dùng điện thoại quay clip, nội dung cho thấy có một số người tuy không cùng nhóm với các đối tượng phạm tội nhưng cũng không quyết liệt can thiệp, giải cứu nạn nhân.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) nhận xét, hành vi của nhóm đối tượng đã gây bức xúc dư luận nhưng đáng lên án hơn là những người có mặt chứng kiến bé gái lâm nạn mà không quyết liệt cứu giúp.
Theo luật sư, ngoài điều tra làm rõ tội danh của nhóm người xâm hại bé gái, cảnh sát cần làm rõ thêm trách nhiệm những người chứng kiến sự việc nhưng thờ ơ, để mặc nạn nhân bị dẫn lên xe ô tô đưa đi.
Đối mặt với tình huống này, để đảm bảo cứu giúp người đúng luật, an toàn, luật sư Giáp khuyên người dân có thể ngăn chặn trực tiếp hoặc báo cáo cơ quan công an, dùng điện thoại ghi lại bằng chứng cũng là một cách để cơ quan chức năng có căn cứ xác minh xử lý hành vi phạm tội nhưng nên có thêm động thái can thiệp.
"Việc cứu người là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Tùy thuộc vào bối cảnh xảy ra vụ việc, tùy theo khả năng bản thân để công dân cân nhắc lựa chọn biện pháp phù hợp. Hành động ngăn cản chấp dứt hành vi phạm tội phụ thuộc nhiều vào nhận thức đạo đức về việc bảo vệ người yếu thế, chống lại cái ác, cái xấu và cả tình trạng sức khỏe của bản thân", luật sư phân tích.
Ông trích dẫn, trường hợp gặp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, người có điều kiện mà không cứu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Cụ thể, tội "không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" được quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự 2015. "Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả nạn nhân chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì bị phạt tù đến 5 năm".
Ngoài ra, nếu bỏ mặc người khác lâm nguy dẫn đến hậu quả 2 người chết, thì bị phạt tù lên đến 7 năm.
Theo Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phong, lúc 17h ngày 31/10, có 5 người đàn ông đi trên 2 ô tô đến một quán karaoke tại xã Bình Thạnh ăn nhậu. Thấy T. là nhân viên phục vụ bưng bê trong quán, một người trong nhóm Tuấn đặt vấn đề "đi qua đêm" nhưng bị từ chối.
Nhóm này sau đó tính tiền ra về và khống chế thiếu nữ T. đưa lên ô tô biển số 86C-*****, chở đến khách sạn Hưng Thịnh (ở thị trấn Liên Hương). Tại đây, Lê Anh Tuấn là người đã đưa T. lên phòng và thực hiện hành vi cưỡng hiếp.
Theo Hoàng An (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)