Theo cáo trạng, với vai trò là tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch hội đồng tín dụng DAB, Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB (thời điểm 31-12-2015) lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng.
Chiếm đoạt, gây thiệt hại trong nhiều vụ việc
Trong hành vi "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" bị Viện KSND Tối cao truy tố, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền thực hiện việc lập phiếu thu khống hàng trăm tỉ đồng để ông Bình mua cổ phần của DAB đứng tên mình và người thân.
Cụ thể, vào năm 2007, DAB phát hành cổ phần chào bán ra công chúng 2 đợt để tăng vốn điều lệ từ 880 tỉ lên 1.600 tỉ đồng, ông Bình đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Đức Vinh (trưởng phòng ngân quỹ hội sở kiêm thủ quỹ của DAB) lập 8 bảng kê kiểm phiếu thu (không số) thu khống tổng số 374 tỉ đồng để mua 5.397.400 cổ phần.
Bằng cách làm này, ông Bình đã sở hữu được cổ phần của DAB nhưng không trả tiền mua cổ phần này cho DAB.
Để che giấu hành vi, cuối năm 2007 ông Trần Phương Bình chỉ đạo Vinh xuất quỹ chi 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) và phối hợp với phòng kinh doanh DAB bán cho các hiệu vàng tại TP.HCM lấy 374 tỉ đồng bù vào đúng số tiền âm quỹ do bán cổ phần cho người thân và "sân sau" của mình.
Đến nay, số cổ phần mà ông Bình và người thân đứng tên vẫn thuộc sở hữu của ông Bình và hằng năm DAB vẫn trả cổ tức cho ông.
Cơ quan điều tra còn xác định ông Trần Phương Bình lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản số tiền 234 tỉ đồng trong việc mua 5,75 triệu cổ phần DAB do Công ty cổ phần quản lý quỹ Lộc Việt (Quỹ Lộc Việt) sở hữu vào năm 2008.
Theo đó, cũng trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2007, ông Bình nhờ Quỹ Lộc Việt mua hơn 5 triệu cổ phần DAB trị giá khoảng 300 tỉ đồng và cam kết sẽ mua lại số cổ phần này, đến năm 2008 ông Bình mua lại số cổ phần trên với giá 327 tỉ đồng.
Để có tiền mua số cổ phần của DAB, ông Bình chỉ đạo cấp dưới thu khống hơn 30 tỉ đồng của Nguyễn Hồng Ánh (một khách hàng vay vàng của DAB), đồng thời dùng 121 tỉ đồng tiền bán chung cư cao cấp Richland Hill để cho các công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam vay 197 tỉ đồng rồi thông qua hai công ty này trả tiền mua cổ phần cho Quỹ Lộc Việt. Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền ông Bình gây thiệt hại cho DAB liên quan đến thương vụ mua cổ phần DAB của Quỹ Lộc Việt là 234 tỉ đồng.
Cáo trạng cũng nêu rõ: ông Trần Phương Bình và Nguyễn Đức Vinh, Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Huỳnh Đăng liên quan trong việc kinh doanh ngoại hối với Ngân hàng UOB (Singapore, thiệt hại 336 tỉ đồng) và Ngân hàng Banca Adamas (Thụy Sĩ, thiệt hại hơn 48 tỉ đồng).
Ông Trần Phương Bình biết rõ DAB không có giấy phép kinh doanh ngoại tệ tại thị trường quốc tế nhưng vẫn chỉ đạo các bị cáo trên kinh doanh ngoại hối với Ngân hàng UOB và Ngân hàng Banca Adamas dẫn đến bị thua lỗ. Sau đó phải dùng tiền của DAB gửi tại các tổ chức này để chi trả, nhưng không được hạch toán trên hệ thống sổ sách theo dõi. Bình đã chỉ đạo lập chứng từ khống để bù âm quỹ, gây thiệt hại cho DAB 384 tỉ đồng.
Vũ "nhôm" liên quan gì?
Trong hàng loạt sai phạm của ông Trần Phương Bình có việc ông Bình đã xuất quỹ sai nguyên tắc, chi 200 tỉ cho Vũ "nhôm" - người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 - để Vũ mua cổ phần của DAB. Ngoài ra, ông Bình cũng đưa cho Vũ "nhôm" 13,4 triệu USD, đến nay số tiền này Vũ đã sử dụng hết nhưng chưa trả lại cho DAB.
Theo cáo trạng, năm 2013, DAB có chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỉ lên 6.000 tỉ đồng vào năm 2014 để thu hút vốn đầu tư và trang trải, xử lý khó khăn nên ông Bình và Vũ "nhôm" đã bàn bạc thống nhất sẽ mua 60 triệu cổ phần của DAB với giá 600 tỉ đồng.
Nguồn tiền để mua cổ phần của DAB là Vũ "nhôm" thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng để vay 400 tỉ của DAB. Còn 200 tỉ, Vũ "nhôm" chỉ ký khống chứng từ nộp tiền và DAB đã xuất quỹ chi 200 tỉ đồng cho Vũ để mua cổ phần.
Tuy nhiên, năm 2014 DAB tăng vốn điều lệ không thành nên ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo chuyển trả cho Công ty cổ phần Bắc Nam 79 số tiền nộp mua cổ phần, kèm theo cả tiền lãi 609 tỉ đồng. Sau khi được DAB trả lại tiền, Vũ "nhôm" đã dùng 500 tỉ để mua lại 50 triệu cổ phần của 4 cổ đông khác của DAB, còn 100 tỉ Vũ tiêu xài hết. Cáo trạng xác định Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 200 tỉ đồng của DAB, tính đến nay là 203 tỉ cả lãi.
Cho đến trước ngày mở phiên xử, ông Phạm Lương Toản - thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử - cho biết Vũ "nhôm" đã nộp 173 tỉ đồng khắc phục hậu quả.
Triệu tập hơn 300 cá nhân, tổ chức
Phiên tòa xét xử vụ Ngân hàng Đông Á sẽ được mở vào ngày 27-11-2018 và dự kiến kéo dài một tháng do ông Phạm Lương Toản - chánh tòa hình sự TAND TP.HCM - làm chủ tọa.
Hội đồng xét xử đã triệu tập hơn 300 cá nhân, tổ chức là người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Hơn 50 luật sư sẽ tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Vũ "nhôm" từng bị khởi tố từ năm 21 tuổi
Theo hồ sơ vụ án, khi 21 tuổi, Phan Văn Anh Vũ đã bị Công an TP Đà Nẵng khởi tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, do phạm tội lần đầu nên Viện KSND TP Đà Nẵng đã không truy tố Vũ ra tòa.
Cụ thể, năm 1996 Vũ "nhôm" từng mua chiếc xe máy DD C70 do Trần Tường Duy ăn trộm được. Chiếc xe này trị giá 32 chỉ vàng, sau đó Duy bán lại cho Vũ 2,5 triệu đồng. Tiếp đó, anh trai Vũ mang xe đi cầm lấy 5 triệu đồng tiêu xài và bị công an phát hiện, thu hồi trả lại cho người mất.
Cáo trạng có nêu rõ: cơ quan điều tra đã khởi tố Vũ tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nhưng do Vũ khai báo thành khẩn nên viện kiểm sát quyết định đình chỉ điều tra đối với Vũ.
Theo Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)