Video Họp báo công bố vụ cướp đâm chết 'hiệp sĩ'
Ngày 15/5, nói về mô hình hiệp sĩ đường phố, thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an TP HCM) cho biết, các nhóm hoạt động từ 10 năm nay. Nhìn chung họ đều xuất phát từ ý định làm việc nghĩa, song thực tế đã có tình trạng biến tướng thành điểm che giấu, tiếp tay cho tội phạm.
Nguyên nhân là pháp luật thiếu các quy chế, quy chuẩn nên các nhóm hình thành là tự phát. Họ là những người dân bình thường, tự nguyện tham gia phòng chống tội phạm nhưng lại không được bồi dưỡng và quản lý. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng sai phạm, hoạt động lệch lạc.
Tướng Minh khẳng định, nhiệm vụ giải quyết tội phạm là của công an. Nhưng một mình ngành công an không thể làm tốt được, mà cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Trong đó có phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm.
"Công an TP HCM day dứt vì chưa tìm được cơ sở pháp lý, căn cứ nào để chuẩn hóa mô hình hiệp sĩ. Cuộc đấu tranh nào cũng có mất mát, hy sinh. Nên đi làm việc nghĩa thì cũng phải được bồi dưỡng về kỹ năng, hiểu biết pháp luật, cái gì được làm và cái gì không. Đặc biệt là phải xác định rõ giới hạn của mình", ông Minh nói và khẳng định "ngay cả lực lượng công an được đào tạo chính quy cũng không thể phát hiện và bắt giữ ngay được tội phạm".
Phó giám đốc Công an TP HCM nhìn nhận, hậu quả sự việc lần này là bài học cho ngành công an. Do đó thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh quy chế cho mô hình hiệp sĩ. Nếu lực lượng này được công nhận, công an sẽ cố gắng vun đắp, bảo vệ để phát triển, hạn chế tối đa thiệt hại.
Trước ý kiến cho rằng tội phạm cướp giật ở TP HCM đang ngày càng gia tăng gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng hình ảnh thành phố, thiếu tướng Phan Anh Minh bác bỏ, bởi số liệu thống kê cho thấy tội phạm đang trên đà giảm. Gần đây xảy ra một số vụ nghiêm trọng nhưng không phải bất thường.
"Tôi thừa nhận trật tự an toàn của thành phố có nhiều việc cần giải quyết triệt để hơn, nhưng chấn áp chỉ là giải quyết phần ngọn. Công an TP HCM cần có cái nhìn đồng thuận rõ ràng hơn", ông Minh.
Nguyên nhân dẫn đến tội phạm cướp giật cao, theo ông Minh, còn liên quan đến tỷ lệ người lệ thuộc vào ma túy. Tỷ lệ người nghiện trong nhóm tội phạm xâm hại tài sản chiếm 30-50%. Trong khi đó, chính sách cho người nghiện hiện không còn như xưa.
Ngoài ra, TP HCM đang trong quá trình cơ cấu lại kinh tế, người các tỉnh thành kéo về rất nhiều. Nếu họ không được chăm sóc, giáo dục đầy đủ sẽ có nguy cơ tha hóa trở thành tội phạm.
Theo Sơn Hòa - Quốc Thắng (VnExpress.net)