Như Tiền Phong đã đưa tin, quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan Công ty Việt Á, ngày 17/9, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Phạm Xuân Thăng – cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương và ông Phạm Mạnh Cường – cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Phạm Xuân Thăng và Phạm Mạnh Cường bị khởi tố để điều tra vì có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu, để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Trước đó, ngày 17/12/2021, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Đồng thời, khởi tố 7 bị can, trong đó bắt tạm giam Phan Quốc Việt – Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến – Giám đốc CDC Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường – Kế toán trưởng CDC Hải Dương.
Bốn ngày sau, tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương diễn ra ngày 21/12/2021, ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: Sai phạm của ông Phạm Duy Tuyến là rất nghiêm trọng, đi ngược với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông Thăng đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác chỉ đạo, quản lý, giám sát, phòng ngừa tham nhũng, nhất là công tác mua sắm, thanh quyết toán phục vụ phòng chống dịch.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương sau đó thống nhất chỉ đạo xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với sai phạm của một số cán bộ, đảng viên tại CDC Hải Dương. Đồng thời, yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài chính rà soát, làm rõ trách nhiệm từng cơ quan và lãnh đạo cơ quan liên quan.
“Sở Y tế không thể bao sân hết được..."
Trao đổi với Tiền Phong ngày 24/12/2021, ông Phạm Mạnh Cường – Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho biết, việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế liên quan Công ty Việt Á do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) chủ trì.
Theo lời ông Nguyễn Mạnh Cường, khi được phê duyệt chủ trương, CDC tự lập kế hoạch, tự thẩm định giá thiết bị cần mua. Sau đó, CDC trình Sở Y tế phương án để thẩm định việc mua sắm đó có đúng thiết bị, chủng loại và phù hợp với nguồn lực tài chính hay không.
Sở Y tế xác định kế hoạch mua sắm này đúng, cần thiết, phù hợp và trình UBND tỉnh đồng ý phê duyệt. Sau đó, CDC thực hiện tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị với các đơn vị cung ứng.
Sở Y tế chỉ thẩm định kế hoạch đấu thầu, chứ không thẩm định cuộc thầu. Việc mua sắm thiết bị liên quan Công ty Việt Á do CDC Hải Dương chủ trì theo thẩm quyền. Không chỉ CDC tỉnh, hằng năm các đơn vị, bệnh viện khác như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất… giá trị hàng trăm tỷ và họ cũng tự làm.
Sở Y tế không thể bao sân hết được. Vụ việc tại CDC Hải Dương vẫn đang được cơ quan điều tra C03 – Bộ Công an xác minh, khi có kết luận, mọi việc sẽ được làm sáng tỏ”, ông Phạm Mạnh Cường nói.
Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, sau khi vụ việc tại CDC Hải Dương bị cơ quan chức năng phát hiện, địa phương đã dừng sử dụng các thiết bị, sinh phẩm liên quan Công ty Việt Á.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, địa phương sử dụng các vật tư, thiết bị của các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ, cung ứng. Đồng thời, điều chỉnh việc xét nghiệm SARS-CoV-2 theo hướng test nhanh kháng nguyên để rà soát, sàng lọc diện rộng.
Khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can
Tính đến nay, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ ở Hải Dương liên quan đại án Việt Á, gồm: Phạm Duy Tuyến – cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Mạnh Cường – cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương; Phạm Mạnh Cường – cựu Giám đốc Sở Y tế và Phạm Xuân Thăng – cựu Bí thư Tỉnh ủy.
Theo Nguyễn Hoàn (Tiền Phong)