Trong những ngày diễn ra phiên xét xử, nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn - một người có tài về y thuật.
Trong phần bào chữa, luật sư của ông Tuấn cũng trình bày thân chủ mình là giáo sư, tiến sỹ đầu ngành tim mạch Việt Nam, là người đầu tiên đưa kỹ thuật can thiệp tim mạch vào Việt Nam để chữa bệnh. Tài năng, uy tín của ông Tuấn đã được bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng ghi nhận.
Được biết, ông Nguyễn Quang Tuấn bị đại diện VKS đề nghị mức án từ 4-5 năm tù và không đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm theo khoản 4 Điều 222 BLHS 2015.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, căn cứ vào tính chất, mức độ, vai trò của bị cáo, HĐXX sẽ áp dụng điều khoản mà VKS đã truy tố để quyết định mức hình phạt kèm theo các tình tiết giảm nhẹ.
Nếu xét thấy người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó có thể gây nguy hại cho xã hội, HĐXX có thể xem xét áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Điều 41 BLHS 2015 nêu rõ, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Thời hạn cấm là từ 1-5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là không cho người bị kết án làm những nghề này hay những công việc mà họ có thể tiếp tục phạm tội. Việc phát hiện hình phạt này nhằm tăng hiệu quả của hình phạt chính, phòng ngừa người bị kết án tiếp tục phạm tội.
Hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc "có thể” áp dụng hình phạt bổ sung về việc nếu xét thấy người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm việc đó "có thể" gây nguy hại cho xã hội. Đây là điều khoản mở và việc có áp dụng hình phạt bổ sung này hay không là do đánh giá của HĐXX.
Nếu Tòa án xét thấy trong tương lai họ không thể gây nguy hại cho xã hội nếu vẫn để cho họ tiếp tục hành nghề, làm công việc đó thì sẽ không áp dụng hình phạt bổ sung này.
Liên quan đến vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, việc ông Tuấn vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đã rõ, nhưng đó là vi phạm về công tác quản lý.
Bản thân bị cáo là một giáo sư, tiến sỹ đầu ngành tim mạch Việt Nam, có nhiều thành tích trong công tác – người được công nhận là giỏi chuyên môn. Do đó, không nên áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề bác sĩ với bị cáo này – Luật sư Thu bày tỏ quan điểm.
Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)