Cáo buộc cho rằng, với vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam- PVN, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, ông Đinh La Thăng biết Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ.
Nhưng với mục đích chỉ định thầu cho PVC do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT thực hiện (thông qua Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta- T), ông Thăng đã ban hành chủ trương, chỉ đạo quyết liệt Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ trái quy định.
Do Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên dự án Ethanol Phú Thọ liên tục bị chậm tiến độ. PVC sau đó cũng có báo cáo thừa nhận Liên danh không đủ năng lực để thực hiện dự án.
Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án và chưa có hạng mục nào hoàn thành với. Việc này dẫn đến hậu quả thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng.
"Trò cáo" của Trịnh Xuân Thanh
Theo cáo trạng, quá trình Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) thực hiện hợp đồng số 173, Trịnh Xuân Thanh bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ PVC Kinh Bắc) tìm mua đất để đầu tư, xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Qua tìm hiểu, Hồng biết Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Mefrimex (Công ty Mefrimex) có 3.400 m2 đất ở huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc muốn bán với giá 23,8 tỷ đồng.
Sau khi đi khảo sát thực tế cùng Hồng, Trịnh Xuân Thanh đồng ý mua lô đất trên. Trịnh Xuân Thanh thống nhất phương án - lợi dụng việc PVC Kinh Bắc đang thực hiện hợp đồng 173, với tư cách Chủ tịch HĐQT PVC, Thanh sẽ chỉ đạo PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng theo hợp đồng 173 để có tiền mua đất.
Cả Thanh và Hồng đều biết, PVC đã cho PVC Kinh Bắc tạm ứng hơn 27 tỷ đồng, vượt quá 10% giá trị tạm ứng theo quy định tại hợp đồng số 173. Nhưng tháng 6/2010, Trịnh Xuân Thanh vẫn chỉ đạo PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng tiếp 25 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa việc mua bán, Trịnh Xuân Thanh thành lập Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương (Công ty Mai Phương), nhờ bố là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên sở hữu, đứng tên người đại diện pháp luật.
Sau đó, PVC Kinh Bắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Tam Đảo cho Công ty Mai Phương với giá 23,8 tỷ đồng.
Cáo buộc cho rằng, Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ là Chủ tịch HĐQT PVC, có sự chi phối ảnh hưởng đến hoạt động của PVC Kinh Bắc nên đến tháng 12/2012 chỉ trả cho PVC Kinh Bắc 20,8 tỷ đồng.
Tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Giới làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho bà Trần Dương Nga, vợ của Trịnh Xuân Thanh. Tháng 6/2016, bà Nga làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm (ở Vĩnh Phúc) với giá 45 tỷ đồng.
Theo truy tố, có đủ cơ sở xác định Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT PVC có góp vốn tại PVC Kinh Bắc để trục lợi trong việc mua 3.400 m2 đất tại Tam Đảo.
Trịnh Xuân Thanh còn “bùng” 3 tỷ đồng, không thanh toán nốt theo thỏa thuận. Hành vi của Thanh gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng, cá nhân Thanh hưởng lợi 3 tỷ, phạm vào tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngày 24/12/2019, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định tạm giữ Giấy chứng nhận quyền sở dụng 3.400m2 đất Tam Đảo đứng tên sở hữu Công ty Mai Phương.
Theo T.Nhung (VietNamNet)