Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vừa phát hành quyết định giám đốc thẩm vụ án “tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (48 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TNI) và bị đơn - ông Đặng Lê Nguyên Vũ (50 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).
Theo đó, Hội đồng thẩm phán đã chấp nhận một phần quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND tối cao đối với vụ án trên.
Đồng thời, Hội đồng thẩm phán chấp nhận đơn xin rút một phần yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ về chia khoản tiền ngoại tệ tương đương 213 tỷ đồng trong tài khoản đứng tên ông Lê Hoàng Văn.
Về chia tài sản chung, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được chia tổng số tài sản trị giá hơn 3.245 tỷ đồng (trong đó có 7 bất động sản tương đương 376 tỷ đồng); ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia tổng số tài sản trị giá hơn 4.687 tỷ đồng (trong đó có 6 bất động sản tương đương 350 tỷ đồng)
Giao bà Lê Hoàng Diệp Thảo được sở hữu toàn bộ tiền đứng tên bà Thảo gửi tại các ngân hàng, với số tiền hơn 1.551 tỷ đồng.
Giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần đang ghi tên ông Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, tương đương số tiền trị giá khoảng 5.655 tỷ đồng.
Buộc ông Vũ phải thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thực nhận so với giá trị tài sản được chia là hơn 1.318 tỷ đồng.
Trước đó, chiều 5/12/2019, TAND cấp cao tại TP.HCM đã ghi nhận sự công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ.
Chấp nhận sự tự nguyện trợ cấp nuôi con chung, mỗi cháu 2,5 tỷ đồng/năm, tính từ thời điểm 2013 tới khi học xong đại học.
Giao cho ông Vũ toàn bộ cổ phần trong các công ty của tập đoàn Trung Nguyên. Theo đó, ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40% tài sản chung là các cổ phần trong các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên.
Tòa yêu cầu bà Thảo giao lại toàn bộ số cổ phần cho ông Vũ và ông có trách nhiệm hoàn lại bằng tiền cho bà Thảo.
Về tiền, vàng có giá trị hơn 1.765 tỷ, HĐXX nhận thấy trong trường hợp không có căn cứ chứng minh đang có tranh chấp là tài sản riêng nên coi là chung và tính đến công sức đóng góp của các bên. Tòa giao bà Thảo tiếp tục quản lý, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.
Đến tháng 3/2020, Viện trưởng VKSND Tối cao có kháng nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ.
Bởi, VKSND Tối cao cho rằng, 2 bản án này có nhiều sai phạm.
Theo VKSND, quá trình giải quyết bà Thảo và ông Vũ nhiều lần thay đổi yêu cầu xin ly hôn. Tại phiên sơ thẩm ngày 20/2/2019 cả hai đồng ý ly hôn, TAND TP.HCM công nhận ly hôn là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, ngay sau phiên sơ thẩm, bà Thảo kháng cáo xin đoàn tụ, nhưng phiên phúc thẩm vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm, công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo.
“Nếu tòa phúc thẩm thấy có căn cứ cho ly hôn thì phải sửa án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà Thảo, và chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Vũ về quan hệ hôn nhân", kháng nghị khẳng định.
Với phần phân chia tài sản, kháng nghị cho rằng, cơ sở để xác định giá trị tài sản chung của hai vợ chồng là không đúng pháp luật, song tòa án hai cấp vẫn sử dụng kết quả của công ty này làm căn cứ chia tài sản chung, ảnh hưởng đến quyền lợi các bên.
Theo Thanh Phương (VietNamNet)