Trước năm 2020, tình trạng buôn lậu "nhộn nhịp" ở tỉnh vùng biên giới An Giang. Người dân quanh đây vẫn hay nói với nhau về Mười Tường, một "bà trùm" điều hành đường dây buôn lậu khét tiếng. Nhưng chỉ đến khi Mười Tường bị bắt, họ mới biết rõ hơn "bà trùm" này. Cũng từ đây, cuộc đời "bà trùm" lại phải ngồi sau song sắt và nhiều lần hầu tòa.
Mượn "vỏ bọc" doanh nhân
Hơn 15 năm trước, Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, SN 1969; ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) từng bị TAND TP HCM tuyên phạt 6 năm tù về tội "buôn lậu" số lượng lớn điện thoại di động từ Campuchia. Mãn hạn tù, Mười Tường tiếp tục trở lại "nghề" buôn lậu. Để thuận lợi hoạt động phạm pháp, Mười Tường thường xuyên tham gia làm từ thiện và mượn "vỏ bọc" là doanh nhân thành đạt để che giấu thân phận, tạo dựng mối quan hệ xã hội.
Thời điểm năm 2020, giá vàng giữa Campuchia và Việt Nam chênh lệch khá cao, buôn lậu vàng vì thế có dịp hoạt động mạnh mẽ hơn. Lúc này, Giám đốc Công an tỉnh An Giang Đinh Văn Nơi (nay là Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh) mới về nhận nhiệm vụ tại An Giang chưa đầy 5 tháng, đã chỉ đạo lực lượng trinh sát nắm chặt tình hình, tổ chức nguồn tin phục vụ tốt nhất cho công tác đấu tranh, sẵn sàng bắt giữ tội phạm.
Ngày 30-10-2020, vụ án buôn lậu 51 kg vàng bị phá, nhưng khi đó, "bà trùm" Mười Tường đã trốn chạy sang Campuchia. Đến tháng 7-2021, Mười Tường mới bị Công an tỉnh An Giang bắt giữ. Sau đó, "bà trùm" này bị khởi tố trong 6 vụ án khác.
Trong những vụ án trên, ngày 16-2-2022, Mười Tường được TAND tỉnh An Giang xét xử về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" liên quan đến 470.000 USD.
Từ sáng sớm, người dân hiếu kỳ và hàng chục người thân của các bị cáo đã đứng kín ngoài hàng rào trụ sở tòa để được nhìn vào trong phòng xét xử. Khoảng 7 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng công an áp giải Mười Tường và các đồng phạm đến tòa. Phóng viên của rất nhiều tờ báo, tạp chí cũng có mặt. Khi phóng viên đưa máy ảnh lên chụp, Mười Tường luôn tỏ ra khó chịu, liếc ánh mắt sắc lạnh. "Chụp đã chưa?" - Mười Tường buông câu hỏi đầy khiêu khích.
Trong phiên xử này, Mười Tường được xác định có vai trò chủ mưu, điều hành hoạt động vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Với vẻ mặt lạnh lùng, Mười Tường một mực khẳng định mình bị vu khống, bị oan và cho rằng kẻ chủ mưu là người khác. "Bà trùm" đưa ra lý lẽ để bảo vệ mình, thách thức cơ quan điều tra. Nhưng có điều, cả 4 "đàn em" từng tham gia vận chuyển tiền thuê cho Mười Tường thành khẩn khai báo.
Vì thế, chủ tọa nhiều lần khuyên Mười Tường nên thành khẩn để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, Mười Tường lúc thì khóc lóc, kêu than, lúc thì nhất quyết phủ nhận mọi liên quan để đẩy "đàn em" chịu tội. Kết thúc phiên xét xử, bị cáo này bị tuyên phạt 8 năm tù giam. Tòa phúc thẩm sau đó tuyên y án.
Chuỗi dài hầu tòa
Đến nay, Mười Tường đã bị đưa ra xét xử trong 5 vụ án, gồm: "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài"; "Buôn lậu đường cát" (2 vụ); "Buôn lậu 51 kg vàng"; "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Hiện còn vụ án liên quan tội "Rửa tiền" đang chờ ngày đưa ra xét xử. Điểm chung của các phiên xét xử là bị cáo này thường chối tội và cố chứng minh mình vô tội. Chỉ riêng trong vụ án buôn lậu 51 kg vàng, Mười Tường thừa nhận một phần tội, còn lại thì kêu oan.
Ra tòa rất nhiều lần trong 5 vụ án khác nhau, Mười Tường có lúc thấy mệt mỏi và chán nản. "Bị cáo đã quá nhiều tội rồi, giờ chỉ mong HĐXX xem xét" - Mười Tường nói. Nhiều người từng dự tòa cũng nhận thấy Mười Tường có vẻ mặt nhợt nhạt, bước đi xiêu vẹo và trên tay thường cầm bọc thuốc khi vào tòa trong các phiên xét xử.
Có những phiên xử Mười Tường hay gục mặt, đôi khi nhắm mắt lại. Đặc biệt, khi bị tuyên án đến 23 năm tù trong buôn lậu 51 kg vàng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, Mười Tường đã bật khóc. Không biết lúc đó Mười Tường đã nghĩ gì? Bởi, trong vụ án này có đến 25 bị cáo, trong đó, nhiều người là chủ tiệm vàng và có cả những người lao động nghèo vì cuộc mưu sinh mà phạm tội. Mười Tường là mắt xích quan trọng, mấu chốt dính líu đến nhiều người và kết cục là những bản án nghiêm khắc.
Thời khắc chủ tọa vừa tuyên án xong, giữa tiếng khóc nấc xen lẫn những lời ta thán của thân nhân các bị cáo cùng vẻ mặt thẫn thờ đồng phạm, Mười Tường như sực nhớ ra hay ân hận một điều gì đó mà bật khóc. Nước mắt giàn giụa của "bà trùm" khi đó đã khiến một luật sư thốt lên: "Giàu sang cho mấy, mà làm ăn phi pháp thì cũng có ngày tù tội. Làm vậy có đáng không?".
Cái giá mà "bà trùm" buôn lậu ở vùng biên An Giang phải trả là lẽ đương nhiên. Nhiều người dân ở huyện An Phú thấy tiếc cho Mười Tường, vì bà vốn có cuộc sống giàu sang, nếu biết sớm quay đầu thì kết cục đâu "u tối" như vậy.
Chỉ tối đa 30 năm
Đến nay, TAND tỉnh An Giang đã đưa Mười Tường ra xét xử trong 5 vụ án. Tổng hình phạt cả 5 vụ án này, Mười Tường bị tuyên 61 năm tù.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, nếu một người phạm nhiều tội và bị đưa ra xét xử ở nhiều vụ án khác nhau, hình phạt cao nhất của các bản án mà họ bị xét xử chỉ là hình phạt tù có thời hạn, thì khi tổng hợp hình phạt tù cũng không quá 30 năm.
Theo Vĩnh Kỳ (Nld.com.vn)