Trong vụ án bà Nguyễn Thị Vân cài bẫy ma túy để đưa ông Nguyễn Văn Thiện vào tù, có nhiều tình tiết cho thấy có sự liên hệ giữa bà Vân với bà Nguyễn Thị Vững (thượng úy công an, cán bộ Cục Cảnh sát chống buôn lậu, Bộ Công an). Tuy nhiên, quá trình điều tra, CQĐT Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã không làm rõ nhiều nội dung quan trọng này. Chính vì vậy, TAND quận Nam Từ Liêm đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhằm xác định vai trò của bà Vững và nam thanh niên mang ma túy tới để tại gốc cây.
Từ chuyện bị cáo viết giấy vay tiền của bà Vững
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10-4, bà Nguyễn Thị Vững được triệu tập tới tòa với tư cách là người làm chứng. HĐXX đã đặt rất nhiều câu hỏi xung quanh mối quan hệ giữa nữ cán bộ công an và bị cáo Nguyễn Thị Vân.
Khai với tòa, bị cáo Vân nhiều lần khẳng định bà Vững là người gợi ý, lên kế hoạch đưa ông Thiện vào tù nhưng với điều kiện Vân phải bỏ ra 1 tỉ đồng. Theo bị cáo này, quá trình gài bẫy, bà Vững chỉ đạo mọi chuyện, chủ động cho người gọi ông Thiện để đặt vấn đề mua đất nhằm có được lịch trình di chuyển...
“Chị Vững nói đã cho người bố trí ma túy ở gốc cây, tôi chỉ việc cho lên xe, còn mọi việc để chị ấy sắp xếp” - bị cáo Vân nói.
Cũng theo lời Vân, bà Vững tự nhận mình là “người trong ngành nên biết cách cho Thiện đi tù”. Khi Vân cho biết mình không có tiền, bà Vững bảo sẽ cho vay 500 triệu đồng để “lo cho các anh” nhưng với điều kiện phải đưa giấy đỏ căn hộ CT14 (của bà Vân) và viết giấy vay.
Đối chất lại, bà Vững khẳng định phần lớn lời khai của Vân là không có căn cứ. Nữ cán bộ công an đặt nghi ngờ có người đứng phía sau hướng dẫn, bày cách cho bị cáo cách trả lời.
Bà Vững cho hay bà quen ông Nguyễn Văn Thiện (bị hại) và Nguyễn Thị Vân từ tháng 9-2016, xuất phát từ chuyện mua bán đất. Quá trình chơi với nhau, Vân nhiều lần kể chuyện gia đình rằng hay bị ông Thiện đánh đập. Bà có chia sẻ nhưng chỉ là dưới góc độ chị em.
Bà Vững xác nhận có việc Vân vay tiền của mình. Tuy nhiên, lý do vay là vì Vân đang sửa nhà nhưng không có tiền. Theo bà Vững, bà đồng ý cho Vân vay 200 triệu đồng, Vân là người ghi giấy nợ. Sau này Vân muốn ghi tăng số tiền này lên (500 triệu đồng - PV) để xin tiền chồng.
“Tôi nói không được, Vân nói không làm thế thì không có tiền. Tôi nói viết thế nào thì viết, đúng số tiền vay là được” - nữ thượng úy khai.
Đến sự liên hệ qua lại về xe có ma túy
Đáng chú ý, khi bà Vững nói chỉ biết việc ông Thiện bị bắt sau khi Vân gọi điện thoại và không biết ai là người báo tin cho công an, chủ tọa cho rằng lời khai của bà mâu thuẫn với lời khai của chính bà tại CQĐT. Cáo trạng cho rằng sau khi được Vân báo về việc ông Thiện sẽ lái xe đến khu vực Mỹ Đình, bà Vững gọi điện thoại cho ông NĐĐ (cán bộ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội) về thông tin xe của ông Thiện có ma túy.
Giải thích về điều này, bà Vững khai được Vân nói rằng có thông tin về một chiếc xe tàng trữ ma túy. Bà đề nghị Vân đưa thông tin để xác minh, nếu đúng sự thật thì sẽ báo cơ quan chức năng. Sau khi Vân đưa tờ giấy trong đó cung cấp thông tin về chiếc xe, bà xác minh thì đó là xe của một người đàn ông tên H.
Sau đó, bà Vững cung cấp thông tin này cho một vài cán bộ công an, trong đó có ông Đ. Tại thời điểm tổ cảnh sát cơ động kiểm tra xe và phát hiện ma túy, bà không hề biết trong ô tô là ông Thiện và Vân.
Ngay lập tức, chủ tọa cho biết lời khai của bà Vững tại CQĐT cho thấy bà biết chiếc ô tô trên là của ông Thiện và bị cáo Vân, chứ không phải không biết như bà khai tại tòa. Thậm chí bị cáo Vân đưa cho bà Vững chiếc phong bì ghi cả biển số, màu xe, bà Vững đã nộp lại tài liệu này cho CQĐT.
Phản bác lại, nữ cán bộ công an vẫn khẳng định chưa bao giờ nhìn thấy ông Thiện và Vân đi chiếc xe trên, khi xác minh thì kết quả cũng cho thấy chiếc xe này là của người khác.
Về lời khai của Vân cho rằng mình chỉ đạo việc gài bẫy, bà Vững phủ nhận, đồng thời nói mình bị Vân vu khống.
"Một người không thể làm được"
Ông Nguyễn Văn Thiện cho rằng việc CQĐT và VKSND quận Nam Từ Liêm xác định Vân là người duy nhất thực hiện hành vi trong vụ án là không hợp lý. Bởi một mình Vân không thể xây dựng lên một kịch bản như trên để hãm hại ông, chắc chắn phải có sự giúp sức của người khác.
Cũng theo ông Thiện, sau khi được trả tự do vì xác định không phạm tội, ông phát hiện người hãm hại mình là bị cáo Vân. Ông đã đưa cho Vân một chiếc máy ghi âm để ghi lại những cuộc gặp, nói chuyện với bà Vững.
Ngoài ra, ông cũng bí mật bỏ thêm một chiếc máy ghi âm khác vào túi xách của Vân để đối chiếu. Kết quả cho thấy hai máy ghi âm đều thu được những đoạn hội thoại trùng nhau.
Tại tòa, bà Vân khai sau khi sự việc xảy ra đã rất hối hận, vẫn còn yêu bạn trai (ông Thiện) rất nhiều nên chủ động thú nhận việc bà Vững là người chỉ đạo gài bẫy.
Nghe vậy, chủ tọa hỏi bị cáo có chứng cứ gì chứng minh những lời khai trên hay không. Bị cáo Vân cho hay có đoạn ghi âm việc bà Vững ra giá 1 tỉ đồng để “đạo diễn” vụ gài bẫy. Đoạn ghi âm này được ghi sau khi sự việc xảy ra…
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TPHCM)