Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Khuê (SN 1988, trú tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, Hà Giang; giáo viên trường Mầm non xã Mậu Long) về Tội giết người theo Điều 123 BLHS 2015.
Thông tin ban đầu cho thấy, Nguyễn Thị Khuê có quan hệ yêu đương với anh N.V.Q (SN 1993, ở xã Đông Minh, huyện Yên Minh), giáo viên trường Tiểu học xã Mậu Long.
Sáng 3-11, Khuê và anh Q hẹn hò đồi thông xã Mậu Duệ. Tại đây, hai người xảy ra mâu thuẫn, anh Q dùng 1 đoạn cây vụt vào đầu, đè lên cổ Khuê. Sau đó, Khuê dùng một đoạn cây vụt mạnh liên tiếp nhiều lần vào khu vực đầu, gáy, khiến anh Q tử vong tại chỗ.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Khuê đã dùng hung khí nguy hiểm (đoạn cây) vụt mạnh liên tiếp nhiều lần vào khu vực đầu và gáy anh Q - vùng xung yếu trên cơ thể con người nên rất dễ gây tử vong. Hậu quả là anh Q đã mất mạng.
Trong quá trình thực hiện hành vi, Khuê có đầy đủ năng lực để nhận thức việc làm của mình có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn thực hiện bất chấp hậu quả xảy ra. Do đó, việc khởi tố Nguyễn Thị Khuê về hành vi giết người là có căn cứ.
Điều 123 BLHS 2015 quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết 2 người trở lên; Có tính chất côn đồ; Tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn... thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội không thuộc các trường hợp này thì bị phạt tù từ 7-15 năm.
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ động cơ, mục đích, tính chất hành vi và trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng có ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không.
Theo thông tin vụ việc, trước đó anh Q đã dùng 1 đoạn cây vụt vào đầu, đè lên cổ Khuê, đây hành vi trái pháp luật và điều này có thể dẫn tới sự kích động mạnh tức thời cho Khuê.
Nếu có đủ căn cứ cho rằng, đối tượng Khuê đã giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì theo Điều 125 BLHS 2015, người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người.
Cá biệt có trường hợp hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được.
Để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa “kích động” với “kích động mạnh”, cơ quan chức năng sẽ xem xét khác quan, toàn diện các mặt về thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội, trình độ văn hóa, cá tính của mỗi bên; mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)