Nữ doanh nhân trong vụ Sài Gòn Đại Ninh giao nộp tài sản trị giá 1.700 tỷ đồng

08/11/2024 15:20:03

Tại Kết luận điều tra vụ án Sài Gòn Đại Ninh, ngoài việc đề nghị truy tố 10 bị can, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn kiến nghị xử lý về mặt đảng và chính quyền đối với hàng loạt cá nhân liên quan.

Trong số 10 bị can của vụ án, 6 bị can bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”. Trong số ấy có bị can Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng), bị can Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) và 5 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ (TTCP).

Trong số 3 bị can bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, có bị can Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP). Riêng bị can Nguyễn Cao Trí (Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) bị đề nghị truy tố tội “Đưa hối lộ”.

Liên quan đến các sai phạm xoay quanh việc “hồi sinh” bất hợp pháp Dự án Đại Ninh của Công ty Sài Gòn Đại Ninh, Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an cũng đã có những đánh giá, nhận định sơ bộ về một số cá nhân liên quan.

Cụ thể, Kết luận điều tra vụ án nhận định, một số cá nhân tại Văn Phòng Chính phủ (VPCP), TTTCP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có hành vi vi phạm ở các mức độ khác nhau nhưng không thỏa thuận, thông đồng với Nguyễn Cao Trí và Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Những người này giữ vai trò thứ yếu, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo sự chỉ đạo, áp đặt của lãnh đạo cấp trên...

Hành vi của các cá nhân liên quan này không cấu thành tội phạm, chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, CQĐT kiến nghị xử lý nghiêm về mặt đảng và hành chính.

Đối với bà Phan Thị Hoa (cổ đông sáng lập, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), Kết luận điều tra vụ án thể hiện, người phụ nữ này ký thỏa thuận bán cổ phần, ký hợp thức thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Mục đích của bà Hoa là để bị can Nguyễn Cao Trí xin được gia hạn, rồi bán lại Dự án Đại Ninh cho Trí thu hồi một phần chi phí đầu tư.

Nguồn tiền bị can Trí sử dụng đưa cho các cá nhân có chức vụ, quyền hạn tại VPCP, TTCP, tỉnh Lâm Đồng là tiền của bị can Trí. Bị can Nguyễn Cao Trí không trao đổi, bàn bạc với bà Hoa. Bà Hoa cũng không biết Trí đưa tiền cho những ai, bao nhiêu tiền, từ nguồn nào.

Đối với số tiền 1.700 tỷ đồng nhận từ Nguyễn Cao Trí thông qua việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh trái pháp luật, bà Phan Thị Hoa đã tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (theo trình bày của bà Hoa có trị giá khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án.

Do vậy, CQĐT xác định không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Phan Thị Hoa với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Nguyễn Cao Trí.

Về ông Phạm Đức Thắng (Phó Giám đốc) và Trần Mai Hải Đăng (Kiểm toán viên Công ty Kiểm toán DFK) có hành vi ký ban hành Báo cáo kiểm toán về tình hình góp vốn điều lệ vi phạm các quy định về chuẩn mực kiểm toán, CQĐT nhận định, hai cá nhân này không trao đổi, thỏa thuận và không biết mục đích Nguyễn Cao Trí sử dụng báo cáo kiểm toán để xin gia hạn dự án.

Do vậy, chưa đủ căn cứ xác định vai trò của Phạm Đức Thắng và Trần Mai Hải Đăng đồng phạm với Nguyễn Cao Trí hoặc phạm tội độc lập khác.

CQĐT kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm vi phạm trong quá thực hiện kiểm toán của Công ty DFK và các cá nhân liên quan (đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá...).

Đồng thời, CQĐT đề nghị Bộ Tài chính chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên, đặc biệt là các hoạt động kiểm toán đối với các phần vốn góp, giá trị cổ phần của doanh nghiệp, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tại Kêt luận điều tra, CQĐT còn xác định, có dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân liên quan. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết nên CQĐT tách thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm của các cá nhân này để tiếp tục điều tra, xử lý sau.

Theo Bùi Vinh (An Ninh Thủ Đô)

Nổi bật