Ngày 19/4, chị Phạm Tuyết Mai (nữ công nhân nhặt được 5 lượng vàng trong rác ở TP Cà Mau) cho biết, chị cùng luật sư đã đến TAND tỉnh Cà Mau giải quyết những vấn đề xung quanh việc chị kiện Công ty Công Lý đã chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định đối với chị.
Một nguồn tin cho biết, chị Mai đã đồng ý giải quyết bằng hình thức này vì suy nghĩ vụ việc đã kéo dài khá lâu, chị cần dành thời gian để chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Chị Phạm Tuyết Mai đã rút đơn kiện Công ty Công Lý sau vụ chị bị đuổi việc vì nhặt được vàng. |
Như đã có nhiều tin, bài phản ánh, chị Phạm Tuyết Mai từng là công nhân của Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau (trực thuộc Cty Công Lý). Ngày 4/8/2014, trong lúc làm việc phân loại rác, chị Mai nhặt được chiếc ví nữ, bên trong có nhiều nữ trang, với tổng cộng gần 5 lượng vàng.
Sau khi biết chuyện chị Mai nhặt được vàng trong rác, lãnh đạo Nhà máy xử lý rác đã cho mời chị Mai lên làm việc, yêu cầu giao nộp toàn bộ số vàng nhặt được vì cho rằng đó là tài sản của công ty. Tuy nhiên, chị Mai không đồng ý nên 2 bên cùng đề nghị cơ quan chức năng can thiệp. Sau đó, toàn bộ số vàng được bàn giao cho Công an TP Cà Mau để thông báo tìm chủ sở hữu.
Trong thời gian công an thông báo tìm chủ nhân số vàng, ngày 13/8/2014, ông Nguyễn Tiến Tân (Giám đốc điều hành Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau) đã bất ngờ tổ chức cuộc họp và cho rằng chị Mai đã xâm phạm nghiêm trọng đến tài sản công ty.
Theo biên bản làm việc, phía Nhà máy xử lý rác đã quy kết chị Mai vi phạm quy định của công ty về việc kiểm soát ra, vào cổng và chống trộm cắp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và lợi ích công ty vì nhặt được vàng mà không chịu bàn giao cho đơn vị.
Tiếp đến, ngày 5/9/2014, lãnh đạo Nhà máy xử lý rác gọi điện thoại yêu cầu chị Mai đến nhận quyết định (số 211) chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) do ông Tô Công Lý (Phó Tổng Giám đốc Cty Công Lý) ký ngày 1/9/2014. Nội dung quyết định là chấm dứt HĐLĐ đối với chị Mai kể từ ngày 13/8/2014, nhưng không nêu rõ cụ thể chị vi phạm lỗi gì.
Sau khi chị Mai xin rút đơn khởi kiện, TAND TP Cà Mau đã ra quyết định đình chỉ vụ án. |
Về phía chị Mai, cho rằng mình bị chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, chị Mai khởi kiện đến TAND TP Cà Mau, yêu cầu xem xét tuyên hủy Quyết định 211 của Cty Công Lý, nhận chị trở lại làm việc và truy nộp toàn bộ chi phí đóng BHXH, BHYT, BHTN kể từ ngày chị bị công ty cho nghỉ việc cho đến ngày được nhận trở lại làm việc; bồi thường tiền lương trong thời gian không được làm việc (3,4 triệu đồng/tháng) và bồi thường 2 tháng lương do chấm dứt HĐLĐ trái luật gần 7 triệu đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26/6/2016 do TAND TP Cà Mau xét xử, đại diện cho Cty Công lý là ông Nguyễn Tiến Tân tiếp tục khẳng định tài sản chị Mai nhặt được trong quá trình xử lý rác là tài sản của công ty nên việc chị Mai không giao nộp là xâm phạm nghiêm trọng đến tài sản của công ty. Do đó, công ty không đồng ý với các yêu cầu của chị Mai, khẳng định quyết định chấm dứt HĐLĐ với chị Mai là đúng quy trình và đúng luật.
Tuy nhiên, HĐXX nhận định rằng, HĐLĐ ký lần 3 giữa công ty với chị Mai có thời hạn 36 tháng là chưa đúng, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Do đó, HĐXX xác định đây là HĐLĐ không xác định thời hạn theo Điều 22 BLLĐ. Đặc biệt, việc công ty căn cứ vào các quy định nội bộ của công ty để buộc người lao động thôi việc, trong khi nội quy này chưa được đăng ký với các cơ quan chức năng. Do đó, dựa vào quy định của công ty để chấm dứt HĐLĐ với chị Mai là vi phạm quy định pháp luật.
Từ các cơ sở trên, HĐXX chấp nhận yêu cầu của chị Mai, tuyên hủy Quyết định 211, buộc Cty Công Lý nhận chị Mai trở lại làm việc, trả tiền lương trong thời gian chị Mai không làm việc 22,5 tháng với số tiền hơn 76 triệu đồng, truy nộp BHXH, BHYT và các yêu cầu khác của chị Mai.
Sau đó, ngày 10/9/2016, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao TAND TP Cà Mau xét xử lại vì cho rằng tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng.
Đến ngày 19/1/2017, TAND TP Cà Mau tiếp tục đưa ra xét xử lần 2. Tuy nhiên, phiên tòa này đã hoãn vì cho rằng có nhiều chữ ký trong cuộc họp xử lý kỷ luật chị Mai không giống nhau nên cần phải giám định chữ ký.
Theo Tuấn Thanh (Dân Trí)