Cuối buổi chiều 4/12, tại phiên tòa xét xử đại án DAB, HĐXX thông báo gia đình của Vũ "nhôm" đã vừa nộp thêm 30,1 tỷ đồng vào Cục Thi hành án dân sự TP.HCM. Trước đó, khi vụ án được đưa ra xét xử, Vũ đã nộp 173 tỷ đồng. Đến nay, tổng cộng số tiền bị cáo này đã nộp lại là hơn 203 tỷ đồng.
Chủ tọa cũng thông tin trong trường hợp bản án tuyên Vũ phạm tội chiếm đoạt số tiền này thì đây được xem là tiền khắc phục hậu quả. Còn nếu tuyên Vũ không phạm tội thì đây không phải tiền khắc phục mà là tiền trả lại khoản đã vay của ông Trần Phương Bình.
Trao đổi với PV, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trong trường hợp tòa tuyên Vũ phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì việc khắc phục hết số tiền bị buộc chiếm đoạt (203 tỷ đồng) được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (theo Điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự - BLHS): Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.
Tòa sẽ căn cứ vào đây để giảm một phần hình phạt cho bị cáo và phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Còn ngược lại, trong trường hợp bản án tuyên Vũ không phạm tội chiếm đoạt 203 tỷ thì lúc này, luật sư cho rằng phải xác định đây là quan hệ dân sự, một bên có quyền và một bên có nghĩa vụ.
"Việc ông Vũ đã trả cho ông Bình số tiền 203 tỷ được xem là đã thực hiện nghĩa vụ. Pháp luật quy định rõ ràng, tách bạch giữa quan hệ dân sự và quan hệ hình sự nên nếu Vũ đã trả cho ông Bình 203 tỷ, cơ quan có thẩm quyền xác định ông Vũ không phạm tội thì số tiền 203 tỷ giữa Vũ và ông Bình là quan hệ dân sự, không phải là khắc phục hậu quả trong quan hệ hình sự", luật sư Hùng nêu ý kiến.
Luật sư Nguyễn Trí Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm này. Khi tuyên bị cáo không phạm tội như đã truy tố thì số tiền này phải đương nhiên được hoàn trả lại cho Vũ "nhôm". Còn 203 tỷ đó nếu là vay mượn giữa Vũ và cá nhân ông Bình thì theo thỏa thuận giữa hai bên, chứ tòa sẽ không tự ý định đoạt.
"Nếu ông Bình đồng ý dùng 203 tỷ này để khắc phục hậu quả vụ án do ông gây ra với DAB thì tòa chấp thuận. Còn ngược lại, nếu ông Bình không đồng ý thì tòa tuân theo sự thỏa thuận của đương sự", luật sư Trí cho biết.
Theo cáo trạng, để có tiền mua 60 triệu cổ phần của DAB với giá 600 tỷ, Vũ đã thế chấp 220 lô đất ở Đà Nẵng để vay DAB 400 tỷ. 200 tỷ còn lại ông Bình đã dùng thủ đoạn hạch toán khống để nộp vào tài khoản của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79. Sau khi tăng vốn điều lệ không thành, 600 tỷ được chuyển trả về lại cho Vũ (cộng với hơn 9 tỷ tiền lãi).
Vũ nhôm thực tế nộp vào DAB 400 tỷ nhưng lại được chuyển về 600 tỷ nên bị cáo này buộc chiếm đoạt 203 tỷ (gốc 200 tỷ, lãi hơn 3 tỷ).
Tuy nhiên, tại tòa cũng như trong quá đình điều tra, Vũ "nhôm" một mực kêu oan, cho rằng số tiền này là mượn của cá nhân ông Bình chứ không phải chiếm đoạt của DAB. Vũ hứa trong vòng 30 ngày sẽ hoàn trả lại các khoản đã vay cựu sếp DAB, bao gồm số tiền 203 tỷ và 13,4 triệu USD.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)