Nỗi đau bị miệt thị của nạn nhân hiếp dâm: Không hiếm!

10/05/2021 09:18:29

Trước nhiều vụ việc gia đình có con bị hiếp dâm bị hàng xóm miệt thị, theo LS Trần Thị Ngọc Nữ, cơ quan chức năng nên vào cuộc xử lý.

Nỗi đau bị miệt thị của nạn nhân hiếp dâm: Không hiếm!
Ảnh minh hoạ.

Gần đây, báo chí phản ánh một câu chuyện đau lòng, đáng suy nghĩ. Ngày 28/4, Tòa gia đình và người chưa thành niên (TP.HCM) xét xử sơ thẩm đối với bị cáo L.M.T (*), 38 tuổi, về tội ‘hiếp dâm người dưới 16 tuổi’ và tội ‘giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi’. Trong vụ án này, bị hại là cháu N.H.N (**), sinh năm 2004.

Theo phản ánh của báo chí, trong thời gian chờ tòa ra bản án, gia đình nạn nhân bị xóm giềng soi mói, lời ra tiếng vào vô cùng mệt mỏi. Đặc biệt là nạn nhân bị suy sụp tình thần, học hành sa sút.

Bản thân bố bé gái từ khi theo vụ án đến nay thì sức khỏe cũng lao dốc dẫn đến bị tai biến teo một bên chân. Sau khi xảy ra sự việc, gia đình bị hại từng nghĩ đến chuyện chuyển đi nơi khác, ở một nơi bình yên.

Không bất ngờ với câu chuyện này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ -Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM chia sẻ có nhiều trường hợp tương tự xảy ra như vậy. Thậm chí khi ra tòa, có những người còn chửi ngay gia đình bị hại trước mặt của nhiều người.

Trong nhiều trường hợp, sau khi con gái bị xâm hại, gia đình đã phải chuyển đến một nơi khác sinh sống để tránh bị hàng xóm dị nghị và tâm lý của cháu bé không bị ảnh hưởng.

"Tôi còn nhớ có trường hợp xảy ra ở quận 12, TP HCM. Trong hai ngày liên tiếp 1 đối tượng có hành vi đồi bại với hai cháu bé. Tuy nhiên trong thời gian điều tra, đối tượng được tại ngoại khiến gia đình nạn nhân lo sợ bị trả thù. Đã vậy, gia đình đối tượng cũng khá dữ tợn nên họ sợ ảnh hưởng tới tâm lý bé gái.

Chính vì vậy có nhiều người khi con bị hiếp dâm nhưng họ vẫn phải chọn cách dọn đi nơi khác sinh sống để bảo đảm an toàn, không bị đe dọa. Có những bố mẹ làm nghề bán ve chai, quá quen với cuộc sống công việc mưu sinh nơi đó nhưng họ cũng phải chọn cách chuyển đến nơi ở mới.

Về phần các bé gái, khi bị xâm hại tâm lý các cháu sẽ bị xáo trộn, sang chấn tâm lý, có cháu tự kỷ và sợ đàn ông" -luật sư Trần Thị Ngọc Nữ kể.

Theo Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM nhận định, cuộc sống của những gia đình có nạn nhân bị hiếp dâm bất lợi hơn rất nhiều.

"Ở nhà họ xấu hổ với hàng xóm bạn bè. Đến cơ quan họ cũng xấu hổ với đồng nghiệp. Về phần nạn nhân, khi ở nơi ở cũ các cháu có thể gặp đối tượng cũ và tạo tâm lý khó hòa nhập với mọi người, vậy nên việc thay đổi môi trường sống mới cho cháu là cách tốt nhất", bà Nữ nói.

Bên cạnh đó, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng cho rằng chính sự kỳ thị, miêt thị hay dị nghị của mọi người có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự im lặng của những nạn nhân, từ sự im lặng sẽ dẫn tới nhiều nạn nhân bị làm hại. Để tố cáo đối tượng, gia đình nạn nhân họ sẽ phải đánh đổi danh sự và nhân phẩm.

"Có trường hợp chị gái bị người họ hàng hiếp dâm nhưng gia đình không cho tố cáo vì sợ ảnh hưởng tới mối quan hệ. Tuy nhiên từ chính sự im lặng đó đã khiến em gái của cô gái này là nạn nhân tiếp theo của đối tượng", vị luật sư đau xót.

Để ngăn chặn những hành vi xấu, hội phụ nữ và cơ quan chức năng ở các địa phương nên tuyên truyền để người dân biết và hiểu không nên che giấu hành vi đó. Phải phân tích để họ thấy được im lặng sẽ có hại như thế nào tới bản thân và người thân của mình.

Đối với việc hàng xóm miệt thị với những gia đình nạn nhân, cơ quan chức năng cũng phải tuyên truyền cho họ hiểu đây là tai nạn. Với những kẻ xấu sinh sống trong địa bàn, trong xóm không là em này thì cũng có thể là em khác, thậm chí ở chính trong gia đình họ để họ chia sẻ và đồng cảm với những nạn nhân.

"Trong tình huống người dân hàng xóm vẫn miệt thị, xúc phạm danh dự nhân phẩm thì phải xử lý. Với những trường hợp này, chỉ cần ghi âm ghi hình hoặc tìm người trong khu dân cư làm chứng rồi đưa ra pháp luật để cơ quan chức năng xử lý", vị luật sư thẳng thắn.

*Tên nạn nhân đã được thay đổi

Theo Thanh Thanh (Đất Việt)