Nỗi bất hạnh của vợ tướng cướp tiệm vàng trác táng

26/10/2015 10:16:06

Sau những phi vụ táo tợn, Kiệt có được hàng trăm cây vàng nhưng vợ con gã phải chịu cảnh nhà thuê. Số vàng cướp được bọn chúng dùng hàn khò nấu chảy thành cục, đem bán ở nhiều tiệm khác nhau rồi mua vàng miếng.

Sau những phi vụ táo tợn, Kiệt có được hàng trăm cây vàng nhưng vợ con gã  phải chịu cảnh nhà thuê. Số vàng cướp được bọn chúng dùng hàn khò nấu chảy thành cục, đem bán ở nhiều tiệm khác nhau rồi mua vàng miếng.

Ai nhìn từ ngoài vào cũng cho rằng Kiệt là một người bình thường. Thế nhưng, đêm đến Kiệt như con ma lượn lờ quanh các tiệm vàng và rất tinh vi trong khâu “cắt đuôi”.

Lo sợ có người theo dõi, mỗi lần leo lên xe là Kiệt chạy với tốc độ chóng mặt. Mỗi lần chuyển hướng gã không bao giờ xi nhan. Mỗi lần rời khỏi nơi đánh cờ, Kiệt điện thoại hỏi những người có mặt ở đấy có ai đi theo gã hay không. Khi chắc chắn không có đuôi bám theo, Kiệt  lượn lờ quanh các tiệm vàng gần đấy để theo dõi, tính toán âm mưu…

Huỳnh Văn Tiếm khi bị các trinh sát theo dõi.

 
Cũng giống như tên Kiệt, khi theo dõi Huỳnh Văn Tiếm, các trinh sát gặp không ít khó khăn. Ban ngày Tiếm thường đến phòng trọ của vợ hờ, đêm về chỗ khác ngủ. Đó là nơi có thể quan sát được mọi diễn biến xảy ra bên ngoài, có thể đi ra nhiều hướng khác. Còn bên ngoài nhìn vào thì hoàn toàn mù tịt.

Quy luật của Tiếm và Kiệt là chỉ liên lạc với nhau sau 20h mỗi ngày, khi liên lạc chỉ dùng từ lóng.

Nhiều người thắc mắc tại sao Kiệt và đồng bọn không cướp ngay tại tiệm vàng mà đợi lúc nạn nhân về gần nhà mới ra tay? Thực ra, vốn là kẻ hết sức thận trọng Kiệt luôn chọn thời điểm gây án vào mùa mưa, vì mùa mưa trời nhanh tối. Lúc gây án thường là chập choạng, giờ đấy ít người ra đường.

Kiệt thú nhận gã nắm bắt được “tâm lý” chung của các đối tượng, đó là họ có thói quen nghĩ về đến gần nhà là an toàn rồi nên không cảnh giác và đây là lúc dễ ra tay nhất.

Kiệt có một thói quen kỳ lạ, sau khi mua súng về gã đều đưa ra sông bắn một phát. Mục đích kiểm tra xem súng có an toàn, có vận hành tốt hay không và một phần để luyện tay. Súng gây án xong, bọn chúng đều phi tang. Đến khi chuẩn bị thực hiện vụ mới bọn chúng sang Campuchia mua súng mới.

Sau mỗi phi vụ, Kiệt luôn lệnh cho đàn em “ngủ đông” một thời gian, vì liên tục gây án rất dễ bị lộ hành tung. Băng cướp của Kiệt không gây án tại một khu vực nhất định. Theo sự tính toán của Kiệt, nếu “ăn hàng” một địa phương, các lực lượng chức năng sẽ dễ khoanh vùng và lần ra đầu mối ngay.

Mỗi phi vụ trót lọt, Kiệt hướng dẫn đồng bọn cách “chùi mép” thật cẩn thận, bởi Kiệt hiểu rõ chỉ cần thấy ai đang nghèo bỗng chốc giàu lên sẽ gây sự chú ý của cơ quan chức năng. Gã chỉ đạo đám đàn em đem vàng cướp được nấu chảy rồi mang đi nơi khác bán, nhưng chỉ bán khi thật cần thiết và mỗi lần với số lượng ít.

Vàng “chất núi” nhưng vợ con vẫn sống khổ

Được chia bao nhiêu lượng vàng Kiệt không nhớ nổi, có trong tay số tài sản đen “kếch xù” nhưng vợ con gã vẫn chật vật. Sống nhà thuê, thiếu thốn trăm bề nhưng đến các ngày cuối tuần gã ăn chơi thả ga.

Bà Tính (tiểu thương chợ Phạm Thế Hiển) chia sẻ: “Hằng ngày cứ thấy vợ hắn tần tảo, chắt bóp từng đồng mọi người đều thương. Một mình vợ hắn phải nuôi hai đứa con, đứa lớn 24 tuổi, đứa nhỏ 21 tuổi. Riêng hắn, vẫn ung dung chơi cờ tướng, cười nói vui vẻ. Thế mà hắn lại đi cướp, kiếm được cả núi vàng cũng không giúp gì, lại còn ăn bám vợ”.

Người dân chung cư Phạm Thế Hiển vẫn thảng thốt mỗi khi nhắc tới tên Kiệt.


Theo một số người khác, ba Kiệt mất, anh em gã đều đã có cuộc sống riêng nên mẹ Kiệt về quê cũ sống. Không chỉ tệ bạc với vợ con, mà y còn là đứa con bất hiếu với người mẹ già nua, tàn tật ở huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Số vàng cướp được, gã dùng vào các trò ăn chơi đàn đúm dịp cuối tuần như cá độ, đá gà, bài bạc… Gã có thể vung tiền không tiếc vào thú chơi trác táng của mình, còn tiền nộp học cho con cái y vẫn không góp nổi một đồng. Đến khi bị bắt, số vàng cướp được của Kiệt đều đã bốc hơi theo các thú vui chơi xa xỉ của riêng gã.

Còn về Huỳnh Văn Tiếm, y mua 2 chiếc máy ủi đi san lấp mặt bằng ở huyện Hòa Thành (Tây Ninh). Tiếm có phần lợi nhuận được chia cũng không hề kém cạnh Kiệt nhưng lại máu gái, thường xuyên cặp bồ với gái giang hồ. Không ít lần Tiếm “chơi sộp” hẹn hò cùng lúc nhiều gái trẻ đẹp tại Sài Gòn và cũng bị rút ruột đến nỗi không một xu dính túi. Tiếm cũng không hé nửa đồng cho vợ con. Thậm chí, mỗi lần bị gái móc hết túi gã còn chạy về tìm người vợ nghèo bòn rút để mang đi chơi tiếp.

Tên Nguyễn Văn Nhãn, một mắt xích quan trọng trong băng nhóm của Kiệt cũng được hưởng phần nhiều từ các phi vụ cướp vàng. Từ ngày tiền đếm không xuể, hắn bắt đầu sống buông thả, rảnh rỗi y lại tìm đến gái giang hồ. Nhãn cũng có vợ con, nhưng người thân của hắn vẫn lay lắt trong cuộc sống đói nghèo, ốm đau không có tiền mua thuốc. Riêng tên đàn em Phan Văn Tưởng có kinh tế khá giả hơn cả, y sở hữu một gara ô tô và chuyên nhận hợp đồng san lấp mặt bằng ở Tây Ninh.

Đồng bọn khác của chúng là tên Phước, hắn có một người vợ chung sống suốt 40 năm và 4 người con. Món quà sau khi kết hôn y “tặng” vợ là ba lần vào tù vì tội trộm cắp tài sản. Sống với người chồng vào tù ra trại như cơm bữa nên một mình vợ gã vừa gánh trách nhiệm làm cha, làm mẹ nuôi dạy các con khôn lớn. Số tiền làm mướn, chị dành ra một ít hằng tháng vào thăm gã chồng tiền án tiền sự ngập mặt. Vậy nhưng, khi về già Phước lại lần nữa tệ bạc với vợ con khi sa vào tội ác cướp của giết người man rợ.

Kỳ cuối: Giấc mộng báo trước ngày tàn của băng cướp đồ tể

>> Kỳ 4: Băng cướp đồ tể cướp vàng rồi giết bạn cờ
>> Kỳ 3: Tướng cướp "máu lạnh" đội lốt gã bán rau hiền lành
>> Kỳ 2: Cuộc "kỳ ngộ" trong trại giam của tướng cướp máu lạnh
>> Kỳ 1: Chuyện tướng cướp tiệm vàng khét tiếng "máu lạnh"

Theo Ái Thụy (VietNamNet)

Nổi bật